Bình Dương đối thoại với doanh nghiệp

Đỗ Trường
Đỗ Trường
02/08/2019 14:47 GMT+7

UBND tỉnh Bình Dương vừa tổ chức buổi gặp gỡ các doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc đang đầu tư sản xuất trên địa bàn Bình Dương. Ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp chủ trì buổi đối thoại với đại diện các DN.

Theo Sở KH-ĐT tỉnh Bình Dương, tính đến nay địa phương này đứng thứ 3 cả nước (sau TP.HCM và Hà Nội) về thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI với 3.644 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn hơn 32,9 tỉ USD. Trong đó, Hàn Quốc đứng thứ 5 với hơn 800 dự án có tổng vốn đầu tư gần 3,2 tỉ USD (sau Đài Loan: 841 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 5,5 tỉ USD; Nhật Bản: 298 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 5,2 tỉ USD; Singapore: 237 dự án với vốn đăng ký hơn 4,3 tỉ USD và Samoa).

DN “khát” lao động

Theo đại diện DN Hàn Quốc, hiện nay các DN xứ sở “kim chi” đang đầu tư ở Bình Dương gặp khó khăn về vấn đề nguồn nhân lực, lao động. Trung bình trong 1 năm (từ năm 2014 đến nay) các DN thiếu khoảng từ 10-20% lao động. Do đó, đại diện DN Hàn Quốc đề nghị lãnh đạo Bình Dương cần có các chính sách hỗ trợ DN trong vấn đề nguồn nhân lực, lao động.
Ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết hiện nay Bình Dương có 8 trường đại học, khoảng 76 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và nhiều DN có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp... “Tuy nhiên, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần phải có sự liên kết, phối hợp, cam kết và tính toán kỹ vì thực tế thời gian qua đã đào tạo được rất nhiều học viên, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của DN”, ông Nam nhìn nhận.
Cũng theo ông Nam, nguồn nhân lực chất lượng cao là bài toán có ý nghĩa lâu dài của tỉnh, nếu như cách đây 20 năm là nguồn nhân lực giá rẻ, lao động chân tay, cơ bắp, thì bây giờ phải đáp ứng được khoa học công nghệ cao, đặc biệt trong thời đại 4.0.
Đại diện DN Hàn Quốc nêu các ý kiến - Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Đại diện DN Hàn Quốc nêu các ý kiến

Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH Bình Dương cũng thừa nhận thực trạng nguồn lao động trên địa bàn hiện nay thiếu về số lượng và hạn chế về tay nghề. Để giải quyết vấn đề về lao động, lãnh đạo Sở LĐ-TB- XH Bình Dương cho biết đã thực hiện các chính sách kết nối với các tỉnh miền Trung, Tây nguyên và miền Tây để tuyển dụng lao động. Ngoài ra, để thu hút được người lao động và lao động có tay nghề thì các DN cũng cần phải có nhiều chính sách tốt hơn nữa.

Cúp điện, kẹt xe gây thiệt hại cho DN

Tại hội nghị, lãnh đạo Bình Dương đã tiếp thu trên 20 vấn đề do các DN nêu ra như: Thủ tục về việc bán DN, nhượng vốn, khám bảo hiểm y tế đối với lao động người nước ngoài, quyền lợi của DN khi bị thiệt hại về kinh tế do cúp điện đột xuất, an toàn giao thông, kẹt xe trên một số tuyến đường trọng điểm…
Ông Trần Văn Nam khẳng định: “Một trong những thành công của Bình Dương cho đến bây giờ là tỉnh luôn tâm niệm đầu tư phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, do luật Đầu tư công ảnh hưởng rất nhiều vấn đề này, nhưng chắc chắn rằng hạ tầng của Bình Dương phải đồng bộ, đặc biệt những tuyến đường ĐT743, Mỹ Phước - Tân Vạn, quốc lộ 13…”.
Cũng theo ông Nam hiện Bình Dương đang khai thác hệ thống đường thủy trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn. “Đặc biệt, Bình Dương đã có hợp đồng với các nhà đầu tư nước ngoài để nghiên cứu tuyến đường sắt thẳng xuống từ Bình Dương đến Cái Mép - Thị Vải, song song là hệ thống logistic…”, ông Nam phát biểu.
Trong khi đó, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết trong thời gian tới tỉnh tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tập trung các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội; triển khai đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn lao động cho DN.

Vốn FDI tăng mạnh

Theo Sở KH-ĐT tỉnh Bình Dương, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần trên toàn tỉnh đạt 1,4 tỉ USD (tăng 70% so với cùng kỳ 2018), vượt 3,5% so với chỉ tiêu năm 2019. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.