Những vụ án oan từng gây chấn động dư luận thời gian gần đây phải kể đến vụ ông Trần Văn Thêm (83 tuổi, ngụ H.Yên Phong, Bắc Ninh) bị cáo buộc giết em họ để cướp tài sản (xảy ra 7.1970), tòa tuyên án tử hình; ông Mưu Quý Sường (sinh năm 1944, ngụ H.Lục Ngạn, Bắc Giang) bị cáo buộc giết vợ (xảy ra 11.1977), công an bắt giam 7 năm không đưa ra xét xử, đến năm 1988 được trả tự do...
Mới đây, ngày 9.10, tôi tham dự một cuộc xin lỗi, minh oan cho 3 cụ ông (trong đó 1 người tử vong trong khi bị biệt giam) chịu án oan giết người suốt gần 40 năm tại Vĩnh Phúc. Gần 40 năm bản thân, gia đình phải chịu sự ghẻ lạnh của xã hội, kinh tế kiệt quệ vì mất đi lao động chính, con cái học hành dở dang vì đến trường bị khinh miệt “bố mày là thằng giết người”.
Trong buổi lễ, nhiều người dân trong đó có tôi không nén được cảm xúc khi nghe cụ ông, người từng bị xác định là chủ mưu vụ án, kể về những tháng ngày biệt giam, những khó khăn, tủi nhục mà gia đình phải gánh chịu từ xã hội. Tuy nhiên, ông vẫn vị tha, chấp nhận lời xin lỗi...
Vị đại diện Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc lên xin lỗi và thanh minh, nói sự việc xảy ra cách đây gần 40 năm, liên quan đến thế hệ trước và chưa rõ thuộc thẩm quyền của tỉnh Vĩnh Phúc hay Phú Thọ (thời điểm xảy ra vụ án, 2 tỉnh này thuộc tỉnh Vĩnh Phú), nhưng cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc nhận thấy phải có trách nhiệm bảo vệ công dân của mình…Vị này cũng nói đến việc “khẩn trương vào cuộc”, nhưng không biết “khẩn trương” thế nào mà để 3 gia đình phải kêu oan, chịu sự kỳ thị suốt mấy thập niên ?!
Nhiều chuyên gia trong giới luật nói với tôi, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ án oan: trình độ của các đơn vị thực thi pháp luật, tiêu cực, bệnh thành tích, ép cung, nhục hình... Nhưng dù là nguyên nhân gì, thì đối với những vụ án oan sai, phải khắc phục hậu quả càng sớm càng tốt, không thể để “đi vào dĩ vãng”.
Bình luận (0)