Như đợt cao điểm của dịch bệnh Covid-19 hồi tháng 3, đủ loại thông tin, như: TP.HCM có ca tử vong do nhiễm bệnh, phong tỏa TP.HCM 14 ngày phòng dịch, phong tỏa chợ... lan khắp mạng xã hội. Không chỉ ở các thành phố lớn, tin giả len lỏi đến cả vùng quê làm hỗn loạn xã hội.
Mới đây nhất, trong lúc lũ lụt tấn công khúc ruột miền Trung, một tài khoản đăng tin trên mạng xã hội kêu gọi người dân ở một số khu vực lên đồi núi tránh lũ vì nước ngập gần chục mét, nhiều cầu đường, làng mạc bị tàn phá hoàn toàn. Ngay sau đó, Chi cục Phòng chống thiên tai miền Trung - Tây nguyên đã lên tiếng bác bỏ thông tin thất thiệt này.
Những ngày qua, những hình ảnh nước ngập tới mái nhà, người dân tháo mái ngói để giơ tay kêu cứu, thậm chí có cả hình ảnh trẻ con, người già leo lên mái nhà được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Điều đó cho thấy mức độ quan tâm của cộng đồng mạng với những mất mát, thương đau mà người dân miền Trung đang phải gánh chịu. Bởi vậy, mỗi một thông tin, hình ảnh về tình hình lũ lụt phải thật sự chính xác để xã hội hiểu và chia sẻ kịp thời. Thế nhưng có một thực tế đáng buồn là ngoài những hình ảnh mang tính thời sự mới xảy ra thì nhiều người đã lấy lại hình ảnh của những năm trước để câu like như một thú vui.
Tại hội thảo về Nói không với nạn vu khống, trục lợi trên mạng xã hội do Báo Thanh Niên tổ chức, các chuyên gia, nhà quản lý đã chỉ rõ những hệ quả nhức nhối của nạn tin giả. Luật An ninh mạng đã có hiệu lực và nhiều người tung tin thất thiệt đã bị xử phạt lên tới 10 triệu đồng vì những dòng bình luận, thông tin, hình ảnh đăng tải hoặc chia sẻ trên mạng xã hội. Bởi vậy, nếu ai coi mạng xã hội là không gian ảo để thoải mái tung tin thất thiệt sẽ phải trả khá đắt cho sự nông nổi, bồng bột của mình.
Bình luận (0)