Ngay từ đầu, không ít lời khen đã được đưa ra.
Bởi trước khi tổ xuống, một báo cáo chi tiết về cắt bỏ cả "núi" thủ tục đã được Bộ Công thương công bố công khai. Dù vậy, cũng có không ít ý kiến hoài nghi trước những con số bất ngờ.
Chỉ là râu ria?
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Công thương, đã có 420 sản phẩm trong tổng số 720 sản phẩm vừa được Bộ loại bỏ phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan. Tính về tỷ lệ thì các sản phẩm được loại bỏ thủ tục kiểm tra chuyên ngành lên tới 58,3%. Các thủ tục bãi bỏ nhiều như kiểm tra hiệu suất năng lượng, kiểm tra chất lượng thép, kiểm tra hàm lượng formaldehyde trong sản phẩm dệt may...
|
|
Nghe báo cáo, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, đã phải thốt lên rằng ông "sửng sốt", "cảm phục" vì con số thủ tục cắt giảm quá lớn. "Hôm trước, làm việc với Thủ tướng, thấy giấy phép của Bộ là nhiều nhất, chúng tôi đang tính đề xuất với Thủ tướng cắt giảm thế nào thì nay nghe đã cắt được hơn 55%, chúng tôi không nghĩ nó lớn thế", ông Thiên chia sẻ và không giấu giếm sự hoài nghi về những con số này. Thứ nhất, theo vị này, việc "cắt bụp một phát" mà bỏ được gần 60% thủ tục thì có đồng nghĩa với việc do hệ thống điều kiện, thủ tục của ta quá bất hợp lý, chỉ cần soi kỹ là cắt được gần hết rồi. "Về logic, trước tiên cứ cắt giảm cái nào tốt cái đấy, nhưng mà doanh nghiệp đặt vấn đề những thủ tục cắt chỉ là cái râu ria, số lượng thì nhiều nhưng chất lượng chưa đáng kể", ông Thiên băn khoăn. Vì vậy, chuyên gia này kiến nghị Bộ Công thương cần rà soát kỹ hơn, cũng là tránh suy nghĩ "cái gì lợi cho Bộ ông thì ông còn giữ".
Góp ý về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đề nghị Bộ Công thương cần có đánh giá tác động của việc đồng loạt cắt bỏ hàng trăm thủ tục.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: Đó không phải kết quả được quyết định qua 1 đêm mà là cả tiến trình từ đầu nhiệm kỳ, kết quả của việc đổi mới tư duy quản lý theo hướng kinh tế thị trường chứ không còn quản lý theo kinh tế kế hoạch cũ. Đây không phải là cuộc phiêu lưu chính trị mà có định hướng rõ ràng.
tin liên quan
Tốn 14.000 tỉ đồng vì kiểm tra chuyên ngànhViệc kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cần sớm cải thiện bởi vẫn đang tiến hành chung chung, còn doanh nghiệp mất 30 triệu ngày công, 14.000 tỉ đồng mỗi năm.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho rằng để giảm được số lượng thủ tục như vậy là kết quả của sự quyết tâm từ Chính phủ, bắt nguồn từ Nghị quyết 19 năm 2015 đến nay chứ không phải ngày một ngày hai mà có được. "Nhưng nếu Thủ tướng không quyết liệt, đốc thúc Tổ công tác xuống quyết liệt thì có khi đến tháng sau, tháng 11, tháng 12 Bộ Công thương mới quyết định cắt giảm chứ không phải là hôm qua", ông Dũng chia sẻ. "Nhưng hôm nay, Bộ Công thương không công bố bừa đâu, nói là phải làm vì người dân biết cả đấy", ông Dũng lưu ý thêm.
Trước đó, Tổ trưởng Tổ công tác mặc dù biểu dương việc cắt giảm thủ tục của Bộ Công thương là "ngoài cả sự mong đợi của Thủ tướng và Tổ công tác", nhưng ông cũng lưu ý một số nội dung Bộ Công thương cần tập trung cải cách hơn nữa trong kiểm tra thủ tục hàng hóa chuyên ngành.
Thứ nhất là giải quyết dứt điểm tình trạng một mặt hàng kiểm tra chuyên ngành nhưng điều chỉnh bởi nhiều văn bản, từ một bộ hoặc liên bộ. “Phải cải tiến theo hướng một mặt hàng chịu tác động và điều chỉnh bởi ít văn bản nhất, một mặt hàng chỉ giao cho một bộ chủ trì để tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Vì sao hải quan chỉ kiểm tra 6% số lô hàng, nhưng các bộ kiểm tra chuyên ngành lên tới 35% số lô hàng. Thời gian kiểm tra của hải quan chỉ chiếm 28% tổng số thời gian thông quan, nhưng kiểm tra chuyên ngành lên tới 72%”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ thực tế.
Một nội dung nữa được Bộ trưởng Dũng yêu cầu là tránh tình trạng kiểm tra chuyên ngành nhưng Bộ không công bố được quy chuẩn kỹ thuật, chỉ kiểm tra bằng cảm quan, bằng mắt thường. Cùng với đó, việc xét nghiệm sản phẩm không rõ là hàng hóa từ đâu, do xách tay hay từ nguồn khác mà không đúng là lô hàng đang làm thủ tục thông quan bởi hải quan cho biết nếu không có sự cho phép của ngành này thì container vẫn niêm phong kẹp chì.
Bình luận (0)