Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng, hiện nay, trên thị trường xuất hiện các loại hình sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, trong đó có 2 loại phổ biến nhất được gọi là thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử.
Trong đó, thuốc lá nung nóng gồm điếu thuốc lá nung nóng và thiết bị nung nóng điếu thuốc lá, được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, bao gồm hỗn hợp phụ phẩm nguyên liệu thuốc lá đã qua chế biến như thuốc lá tấm… Khi sử dụng, điếu thuốc lá được nung nóng bằng thiết bị điện tử và tạo ra khí hơi (aerosol) có chứa nicotin và các hóa chất khác.
Thuốc lá điện tử bao gồm dung dịch thuốc lá điện tử và thiết bị làm nóng dung dịch thuốc lá điện tử; cung cấp nicotin cho người sử dụng thông qua thiết bị điện tử làm bay hơi dung dịch thuốc lá điện tử tạo ra khí hơi (aerosol) có chứa nicotin và các thành phần khác. Thuốc lá điện tử với nhiều chủng loại đa dạng trong đó có hệ thống đóng và hệ thống mở.
* Thưa Thứ trưởng, việc quản lý thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng hiện nay dựa trên cơ sở pháp lý nào?
- Thứ trưởng Phan Thị Thắng: Hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được điều chỉnh bởi luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, được hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 67/2013/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Tuy nhiên, luật Phòng, chống tác hại thuốc lá không đề cập cụ thể và không có định nghĩa các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Do vậy, hiện có khoảng trống pháp lý trong việc quản lý loại hình sản phẩm mới này.
Trong khi đó, tình hình buôn lậu và sử dụng sản phẩm này đang rất phức tạp. Chế tài xử lý chưa đủ mạnh, chỉ xử lý hành chính và chưa có chế tài để xử lý hình sự tương tự như hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển sản phẩm thuốc lá nhập lậu là hàng cấm (buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu ngoại nhập lậu với số lượng từ 1.500 bao có thể xử phạt hình sự).
* Vậy, Bộ Công thương đã có đề xuất chính sách quản lý các loại hình sản phẩm này như thế nào, thưa bà?
- Bộ Công thương đã hoàn thiện đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp quản lý thuốc lá điện tử tại thị trường Việt Nam” vào năm 2020 theo nhiệm vụ được Chính phủ giao. Đồng thời, tổ chức hội thảo với sự tham gia của các bộ, ngành: Tư pháp, Y tế, Tài chính, KH-CN, Văn phòng Chính phủ... để trao đổi về định hướng chính sách, có tham khảo kinh nghiệm quản lý quốc tế của các nước. Từ đó, đề xuất chính sách quản lý sản phẩm thuốc lá thế hệ mới phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.
Tháng 8.2021, Bộ Công thương cũng đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng các phương án quản lý các loại hình thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam. Quan điểm của bộ là rất thận trọng trong việc đề xuất chính sách quản lý các loại hình sản phẩm mới này.
Theo đó, chỉ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm việc sản xuất, nhập khẩu và lưu thông thuốc lá làm nóng như sản phẩm thuốc lá trong thời gian 2 năm theo quy định của luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và giao Bộ Công thương xây dựng cơ chế thí điểm quản lý thuốc lá làm nóng trên cơ sở các ý kiến đã được thống nhất giữa các bộ, ngành.
Đối với thuốc lá điện tử, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao phối hợp với Bộ Y tế thành lập Tổ công tác nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lý thí điểm đối với thuốc lá điện tử trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trong thời gian chưa ban hành chính sách, Bộ Công thương kiến nghị chưa cho phép lưu hành sản phẩm thuốc lá điện tử tại Việt Nam.
Thí điểm quản lý thuốc lá nung nóng trong 2 năm
* Tại phiên giải trình, Bộ Y tế đề nghị cấm thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử. Quan điểm của Bộ Công thương đối với việc này như thế nào?
- Trong quá trình xây dựng chính sách thí điểm quản lý thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử, Bộ Công thương đã xin ý kiến các bộ, ngành liên quan. Ngoài ra, đã tổ chức 2 cuộc làm việc giữa lãnh đạo 2 bộ Công thương và Y tế để thống nhất quan điểm về chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới.
Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đã trả lời trực tiếp, công khai trước Quốc hội, nêu rõ "trong quá trình xây dựng chính sách quản lý thí điểm thuốc lá thế hệ mới, Bộ Công thương đang xây dựng phương án quản lý tiệm cận gần nhất với ý kiến của Bộ Y tế để có thể trình Chính phủ theo hướng phù hợp với Hiến pháp, luật Đầu tư... Đảm bảo chặt chẽ, phù hợp Chiến lược quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, an toàn sức khỏe người sử dụng, dung hòa quyền lợi giữa các chủ thể liên quan và phù hợp thông lệ quốc tế”.
Bộ Công thương đến nay mới chỉ đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm việc quản lý thuốc lá nung nóng như sản phẩm thuốc lá trong thời gian 2 năm và chưa cho phép lưu hành sản phẩm thuốc lá điện tử tại Việt Nam trong khi chưa ban hành chính sách quản lý.
Đối với quan điểm của Bộ Y tế về việc cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, Bộ Công thương cho rằng, Bộ Y tế có trách nhiệm nghiên cứu và đánh giá một cách có cơ sở khoa học đối với tác hại của các loại sản phẩm này tới sức khỏe người sử dụng.
Trường hợp các sản phẩm này có tác hại tới mức phải cấm lưu hành và sử dụng thì Bộ Công thương ủng hộ quan điểm này của Bộ Y tế trên cơ sở bảo vệ sức khỏe toàn dân.
Xin cảm ơn bà!
Bình luận (0)