Bố già sẽ hoàn hảo hơn nếu…

08/03/2021 22:51 GMT+7

Bộ phim Bố già do Trấn Thành vừa làm đạo diễn (cùng Vũ Ngọc Đãng), biên kịch, vừa đóng vai chính, đang tạo nên “cơn sốt”. Doanh thu của bộ phim hứa hẹn sẽ lập nên kỷ lục mới cho điện ảnh Việt.

Không thể phủ nhận những gì mà Bố già đã mang lại. Một bộ phim khiến người xem phải ngẫm nghĩ về những giá trị của gia đình. Đâu đó, dưới hàng ghế khán giả, sẽ có ai đó “tự vấn” về lần cuối cùng chụp ảnh cùng cha mẹ, ai đó nhắc nhớ mình biết quan tâm, chăm sóc và yêu thương cha mẹ nhiều hơn bởi thời gian họ bên mình mỗi ngày lại ngắn đi...

Cái hay của Bố già là phim không bị “rơi” vào giáo điều, mà thông điệp được truyền tải một cách nhẹ nhàng qua những miếng hài ứng biến và thông minh đúng “kiểu” Trấn Thành.

Một điểm cộng nữa của Bố già chính là ở yếu tố thuần Việt của kịch bản. Hơi thở cuộc sống ở một xóm nghèo Sài Gòn hiện ra ngồn ngộn trong phim. Ở đó, có Ba Sang (Trấn Thành) - người cha có thể làm tất cả cho con cái và cả những người thân cho gia đình; có Hai Giàu (Ngọc Giàu) - bà chị cả trong bốn anh chị em Giàu - Sang - Phú -  Quý, làm nghề buôn bán, sẵn sàng trừ tiền lương vì em trai nghỉ 4 ngày làm; có Tư Phú (Hoàng Mèo) - người chồng nhu nhược trong gia đình; có Út Quý (La Thành) - người em út biến thành kẻ gây sự mỗi lần say xỉn… Nước vẫn cứ ngập đều như những tiếng chửi rủa, cãi nhau chưa bao giờ vắng ở cái xóm nghèo ấy.

Tran-Thanh

Phim Bố già của Trấn Thành liên tiếp lập kỷ lục với các suất chiếu sớm

Ảnh TL

Câu chuyện mâu thuẫn thế hệ trong nhiều gia đình Việt dễ nhận ra trong Bố già. Nhiều người sẽ thấy hình ảnh cha mình trong ông Ba Sang, người cha tiếc rẻ chiếc áo hàng triệu mà con trai mua cho, người cha đổ nước lã vào chai gội dầu cũ để dùng tiếp, người cha luôn lo cho con từng miếng ăn và tự quyết những gì cho là đúng với con…

Và có người sẽ thấy hình ảnh mình trong Quắn, chàng trai một thời tuổi trẻ xốc nổi, ngỗ nghịch, luôn muốn chứng tỏ bản thân, quan tâm đến cảm xúc của mình trên hết… Họ không phải không yêu thương nhau, nhưng cách yêu thương của họ lại khác nhau.

Thông điệp nhân văn rõ ràng, câu chuyện dễ nhận được nhiều đồng cảm, cách kể chuyện bi hài đan xen không gây nhàm chán. Những điểm đó đã khiến Bố già thành bộ phim nổi trội giữa mặt bằng phim Việt. Phim ra mắt vào đúng thời điểm tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt hơn. Khán giả sau một thời gian “đói” sản phẩm giải trí ngoài rạp chiếu, đã có ngay món “ngon” để lựa chọn. Trước đó, web - drama Bố già của Trấn Thành đã liên tục lọt top trending trên YouTube. Có vẻ Bố già đủ các yếu tối “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để tạo thành “cơn sốt”.

Tuy vậy, không phải không có những cái “giá như” khi xem Bố già. Trước hết, không thể phủ nhận sự thông minh, biến hóa của Trấn Thành. Nhưng rõ ràng, trong Bố già, Trấn Thành không “đời” bằng Tuấn Trần (vai Quắn). Tuấn Trần bộc lộ con người Quắn từ cái nhìn có lúc khinh đời, có lúc bức bối trong ngôi nhà, có lúc ngậm ngùi xót thương cha… Nam diễn viên vào vai tự nhiên và thoải mái như con người mình, thì Trấn Thành lại như đang “cố” già để vào vai Ba Sang.

Vai Ba Sang chưa đủ độ đằm, sâu của một người cha một mình nuôi một cậu con trai ngỗ nghịch, cùng một đứa con gái “được mang về”. Không nhận thấy ở Ba Sang nét mặt thất thần, hay ánh nhìn bất lực vì con, ngay cả như sự vất vả của người đàn ông hằng ngày chở hàng, làm lụng tích cóp từng đồng nuôi con, trả nợ, rồi lo cả những chuyện bao đồng… Có lúc thấy Trấn Thành đang “diễn” hơn là đang thực sự “sống” với Ba Sang.

Trấn Thành là biên kịch của phim Bố già. Anh cũng đã làm web - drama Bố già. Tất nhiên, vai Ba Sang được tạo ra theo cách “đo ni đóng giày” cho những miếng hài, nét diễn của Trấn Thành. Nhưng ngay từ khâu hóa trang, Ba Sang với Quắn chẳng khác nào như hai anh em. Nếu như vai Ba Sang chuyển cho Hoài Linh chẳng hạn thì có thể sẽ khiến nhiều người thấy hợp lý hơn cả về tuổi tác, lối diễn, lẫn tạo hình.

Trong Bố già có nhiều câu thoại rất đời. Nhưng việc thoại nhiều quá lại khiến cho diễn viên ít đất để diễn tả bằng đôi mắt, nét mặt. Không phải cứ nhỏ nước mắt là đau khổ, mà đôi khi chỉ cần một ánh mắt cũng đủ để lột tả tâm trạng đau đớn, xót xa. Ngôn ngữ hình ảnh dù có vẻ đã được chú ý nhưng vẫn chưa tới khiến Bố già phiên bản điện ảnh chưa thoát được “chất” web - drama hay truyền hình.

Bên cạnh đó, việc những tình tiết dồn dập khiến người xem không có điểm để “lắng” lại. Câu chuyện bị kéo đi mà đôi khi bỏ qua những khoảng lặng để người xem được “ngấm”, được “nghĩ”.

Dù vậy, rõ ràng Bố già đang cho thấy sức thu hút không thể phủ nhận với người xem, bởi có lẽ điều quan trọng là họ thấy mình ít nhiều trong đó…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.