Đất chỉ làm được một vụ
Từ nhiều năm nay, người dân thôn Hưng Trung (xã Cẩm Hưng, H.Cẩm Xuyên) chỉ sản xuất được vụ lúa đông xuân tại 3 cánh đồng rộng hàng chục ha ở vùng Khe Nẩy, Cửa Trại và Tháng Mười. Còn đến vụ hè thu, toàn bộ diện tích ở đây thiếu nước nên bị bỏ hoang, trở thành nơi chăn thả trâu bò.
Bà Nguyễn Thị Dịu (54 tuổi, trú thôn Hưng Trung) cho biết, gia đình bà có 7 sào ruộng ở cánh đồng Khe Nẩy và Cửa Trại không thể canh tác vụ lúa hè thu do không có nước tưới.
"Từ trước đến nay, bà con có ruộng ở đây chỉ làm được vụ lúa đông xuân là nhờ nước mưa. Ruộng không có nước khiến người dân không có việc làm, nhiều người đến vụ này vô cùng rảnh rang, chỉ biết ngồi chơi ở nhà. Sản xuất lúa dù không mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng nếu có nước để làm thêm vụ lúa hè thu sẽ giúp bà con có thêm thu nhập, cải thiện phần nào cuộc sống", bà Dịu nói.
Cùng cảnh ngộ, gia đình bà Lê Thị Nga (57 tuổi, trú thôn Hưng Trung) cũng bỏ hoang 2 sào ruộng ở cánh đồng Tháng Mười chỉ vì thiếu nước tưới, không thể canh tác vụ lúa hè thu.
"Bà con nông dân chúng tôi không hề muốn để ruộng "chết" như hiện nay, nhưng đành bất lực vì thiếu nước. Nhiều người dân đã từng thử nghiệm chuyển sang trồng khoai, mía nhưng thất bại vì cây trồng này vẫn cần nước", bà Nga ngao ngán nói.
Theo ông Nguyễn Đình Đường, Trưởng thôn Hưng Trung, 3 cánh đồng Khe Nẩy, Cửa Trại và Tháng Mười có diện tích khoảng 50 ha, cách kênh tưới N2 Kẻ Gỗ khá gần nhưng do không có kênh nhánh dẫn nước về nên việc gieo cấy vụ lúa hè thu gần như bất khả kháng.
"Mấy năm nay, vào vụ hè thu, toàn bộ diện tích của 3 cánh đồng này gần như để đất hoang, làm bãi chăn thả trâu bò. Biết là lãng phí tài nguyên đất, nhưng địa phương chưa tìm ra giải pháp chuyển đổi thích hợp. Nếu được các cấp quan tâm đầu tư công trình thủy lợi, dẫn nước tưới về ruộng thì sản xuất sẽ hiệu quả, đời sống bà con cũng được nâng lên", ông Đường chia sẻ.
Tương tự, người dân ở một số vùng cao thuộc xã Cẩm Thịnh và xã Cẩm Sơn (H.Cẩm Xuyên) cũng có khoảng hơn 200 ha đất nông nghiệp không thể sản xuất được vụ lúa hè thu do không có hệ thống kênh mương nội đồng để dẫn nước tưới. Người dân nơi đây mỗi năm cũng chỉ canh tác được vụ lúa đông xuân nhờ có nước mưa.
Để khắc phục thực trạng trên, một số hộ dân đã chủ động chuyển đổi từ trồng lúa sang sản xuất các loại cây trồng cạn như lạc, vừng, khoai… Tuy nhiên, việc chuyển đổi chỉ mang tính tự phát, không mấy hiệu quả.
Chuyển đổi trồng lúa sang cây trồng cạn
Ông Nguyễn Đình Hoạt, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hưng, cho hay từ xưa đến nay, người dân ở thôn Hưng Trung có ruộng tại 3 cánh đồng Khe Nẩy, Cửa Trại và Tháng Mười phụ thuộc hoàn toàn vào "nước trời" để sản xuất lúa.
"Đây là vùng được gọi là "tử địa" vì đất có độ dốc cao, chưa có hệ thống kênh mương nội đồng để dẫn nước nên phải bỏ hoang vụ lúa hè thu. Nếu đầu tư kênh mương dẫn nước chi phí sẽ rất lớn, trong khi nguồn tài chính của xã và huyện rất hạn hẹp", ông Hoạt lý giải.
Theo ông Lê Văn Danh, Trưởng phòng NN-PTNT H.Cẩm Xuyên, toàn huyện có gần 10.000 ha diện tích đất trồng lúa, vụ hè thu này có khoảng hơn 400 ha đất nằm ở vùng "tử địa" thuộc các xã Cẩm Hưng, Cẩm Thịnh và Cẩm Sơn không thể sản xuất được do thiếu nước tưới.
"Đây là các vùng đất nằm ở vị trí cao, xa kênh dẫn chính và phụ thuộc hoàn toàn vào trời mưa thì mới có thể canh tác. Lâu nay, do người dân cũng không mặn mà để chuyển đổi cây trồng nên huyện cũng chưa có giải pháp hỗ trợ. Hiện nay, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn nghiên cứu để hướng dẫn bà con chuyển đổi các diện tích không thể sản xuất được vụ lúa hè thu sang cây trồng cạn.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với đơn vị thuỷ lợi đi khảo sát để mở thêm nhánh kênh mương dẫn nước về cho các vùng đang bị khô hạn, xem lượng nước có khả thi hay không", ông Danh thông tin.
Bình luận (0)