Bộ máy chính quyền TP.Thủ Đức dần rõ “hình hài”

20/12/2020 06:35 GMT+7

Tổ chức bộ máy chính quyền TP.Thủ Đức dần hiện rõ với một số điểm khác biệt so với 16 quận và 5 huyện còn lại của TP.HCM.

Ngày 19.12, Bộ Nội vụ phối hợp UBND TP.HCM tổ chức phiên họp của Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM (gọi tắt là nghị định), sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.

Đề xuất TP.Thủ Đức có 4 phó chủ tịch UBND

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, nhìn nhận trong nhiệm kỳ này, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quan tâm ban hành 3 nghị quyết quan trọng tạo điều kiện cho TP.HCM phát triển, gồm: Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (Nghị quyết 54), Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM (Nghị quyết 131) và Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM (Nghị quyết 1111).

Tăng đại biểu chuyên trách

Do không tổ chức HĐND cấp phường và quận nên số đại biểu chuyên trách của HĐND TP.HCM nhiệm kỳ tới (2021 - 2026) được tăng lên 19 đại biểu (hiện nay chỉ có 15 đại biểu). Cụ thể, 4 ban của HĐND TP.HCM gồm: Pháp chế, Kinh tế - ngân sách, Văn hóa - xã hội và Đô thị, ngoài trưởng ban và 2 phó trưởng ban thì có thêm 1 ủy viên; ủy viên hoạt động chuyên trách được hưởng phụ cấp tương đương chức danh trưởng phòng cấp sở.
Theo dự thảo nghị định, trước kỳ họp thường kỳ của HĐND TP.HCM, Chủ tịch UBND quận có trách nhiệm tổ chức hội nghị đối thoại với người dân về tình hình hoạt động của quận và phường, các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nguyện vọng của người dân; kết quả buổi đối thoại gửi về HĐND TP.HCM, UBND TP.HCM và tổ đại biểu trước 7 ngày khai mạc kỳ họp gần nhất. Tương tự, chủ tịch UBND cấp phường phải tổ chức hội nghị đối thoại với người dân mỗi năm ít nhất 2 lần, gửi kết quả hội nghị đối thoại trước 21 ngày.
Theo dự thảo lần thứ nhất, nghị định hướng dẫn tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM có 7 chương, 44 điều quy định cụ thể các nội dung về tổ chức, hoạt động của UBND quận, phường; chế độ trách nhiệm của chủ tịch UBND quận, phường; việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức làm việc tại UBND quận, phường, các vấn đề về ngân sách địa phương.
Ông Nguyễn Thành Phong cho biết trong quá trình nghiên cứu dự thảo nghị định do Bộ Nội vụ soạn thảo, TP.HCM đề nghị bổ sung 1 chương nhằm quy định cụ thể các vấn đề làm cơ sở nền tảng cho việc thành lập TP.Thủ Đức, như cơ cấu tổ chức bộ máy, ngân sách phù hợp với tinh thần Nghị quyết 1111 về thành lập TP.Thủ Đức. Theo khoản 2, điều 6, Nghị quyết 1111 thì Chính phủ trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, quyết định hoặc trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành cơ chế chính sách đặc thù đối với TP.Thủ Đức để thực hiện từ năm 2021. Ông Phong đánh giá đây là cơ sở để TP.HCM chuẩn bị tốt nhất cho tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sắp tới.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Phong, TP.HCM đang chuẩn bị các điều kiện, chương trình để làm lễ công bố nghị quyết thành lập TP.Thủ Đức dự kiến vào ngày 31.12 tới. Theo nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, TP.Thủ Đức là một cấp chính quyền địa phương bao gồm HĐND và UBND, khác với 16 quận khác chỉ có UBND. Về bộ máy chính quyền, ông Phong lý giải do TP.Thủ Đức được hình thành trên cơ sở sáp nhập 3 quận (2, 9 và Thủ Đức, với quy mô dân số trên 1 triệu dân) nên đề xuất cơ quan T.Ư xem xét số lượng phó chủ tịch UBND TP.Thủ Đức được phép không quá 4 người (các quận, huyện khác chỉ có 3 phó chủ tịch UBND).
Ngoài ra, Nghị định 108 năm 2020 của Chính phủ quy định các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận có 10 cơ quan chuyên môn cấp phòng. Tuy nhiên, trong dự thảo nghị định tổ chức chính quyền đô thị, TP.HCM đề xuất cơ quan T.Ư xem xét TP.Thủ Đức không quá 13 phòng, số lượng cấp phó phòng không quá 3 người (quy định chỉ có 2 người). Ông Phong cho biết TP.Thủ Đức là trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm khoa học - công nghệ của TP.HCM nên cần thiết có thêm Phòng Khoa học - Công nghệ.

Bộ máy mới sẽ hình thành trong tháng 1.2021

Theo phương án Sở Nội vụ trình UBND TP.HCM, trước đó, UBND TP.Thủ Đức có chủ tịch và 3 phó chủ tịch, 653 cán bộ, công chức, người lao động làm việc tại các phòng, ban. Biên chế Thành ủy TP.Thủ Đức dự kiến có 128 người, gồm: Bí thư, phó bí thư và các trưởng ban; biên chế Ủy ban MTTQ và các đoàn thể có 112 người.
Về thời điểm bộ máy chính quyền mới chính thức hoạt động, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết theo quy định, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết, thì trong vòng 60 ngày TP.HCM phải triển khai hình thành bộ máy chính quyền mới. Tuy nhiên, ngày 23.5.2021 được chọn là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, nên việc thành lập TP.Thủ Đức phải tiến hành gấp rút hơn, bởi theo quy định công tác thành lập ủy ban bầu cử, hiệp thương đại biểu phải thực hiện trước 105 ngày. Với yêu cầu đó, chính quyền bộ máy TP.Thủ Đức phải được hình thành trong tháng 1.2021 thì mới đúng quy định, đảm bảo bộ máy chuẩn bị cho công tác bầu cử tại địa phương. Ông Nhân cho biết đang tích cực phối hợp với các cơ quan T.Ư để có hướng dẫn thực hiện, đồng thời tham mưu Thành ủy và UBND TP.HCM sớm hình thành bộ máy theo đúng quy định.
Trước băn khoăn về việc khi nào phải chuyển đổi giấy tờ, công bố địa giới hành chính mới..., lãnh đạo một quận thuộc diện sáp nhập TP.Thủ Đức thông tin các vấn đề nói trên phải chờ đến khi bộ máy chính quyền hoàn chỉnh thì mới có nhân sự thực hiện. Từ bây giờ đến thời điểm có bộ máy chính quyền mới, người dân sử dụng giấy tờ hiện hữu để giao dịch bình thường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.