Ngày 30.12, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT thực hiện giám sát về việc cung ứng thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão trên địa bàn TP.HCM.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện giám sát hàng hóa tết tại TP.HCM |
M.Đ |
Theo báo cáo của Sở Công thương, để đảm bảo nhu cầu cho hơn 12 triệu dân, thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối chuẩn bị nguồn nguyên liệu cần thiết đồng thời tăng cường sản xuất tập trung nguồn hàng nhằm đảm bảo khả năng cung ứng kịp thời và đầy đủ.
Cụ thể, nguồn vốn doanh nghiệp chuẩn bị phục vụ trong 2 tháng tết lên đến con số 20.000 tỉ đồng; trong đó 8.000 tỉ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường. Các doanh nghiệp tham gia bình ổn hiện chiếm tỷ lệ từ 25 - 43% nhu cầu hàng hóa trên toàn bộ thị trường TP.HCM. Các doanh nghiệp đảm bảo lượng hàng dự trữ đủ đáp ứng nhu cầu của người dân và kế hoạch của thành phố đề ra.
Lãnh đạo các sở ban ngành của thành phố thông tin, hiện tại lượng hàng hóa dồi dào và giá cả nhiều mặt hàng cơ bản ổn định; tuy nhiên trong những ngày cận tết giá cả một số mặt hàng có thể tăng từ 10 - 30% tùy theo nhu cầu thị trường, đặc biệt là các mặt hàng tươi sống.
Ông Ngô Hồng Phong, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT), đánh giá cao công tác chuẩn bị hàng hóa tết phục vụ người dân, đặc biệt về số lượng. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị đối với vấn đề chất lượng hàng hóa các cơ quan chức năng của thành phố cần đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Do đặc thù thời điểm cuối năm, lượng hàng hóa nhiều rất dễ xảy ra tình trạng thanh kiểm tra, giám sát nặng về tính hành chính. Bên cạnh đó, cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề trâu bò nhập lậu cũng như khả năng kết hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chất tạo nạc. Các ngành chức năng của thành phố cần thực hiện nghiêm theo chỉ đạo và hướng dẫn mới của Bộ NN-PTNT về vấn đề này.
Ông Phong cho biết, trong tuần tới sẽ có thêm một đoàn công tác là Thanh tra của Bộ tiếp tục thực hiện công tác giám sát chuyên sâu về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Tại cuộc làm việc, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM báo cáo: Hiện thành phố có 13 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Mục tiêu của thành phố trong năm 2023 sẽ chuyển toàn bộ sang giết mổ công nghiệp nhằm đáp ứng xu hướng phát triển và quản lý tốt hơn về vấn đề an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, vấn đề có thể xảy ra là các lò giết mổ thủ công có thể di chuyển về các địa phương lân cận và giáp ranh; từ đó đưa hàng ngược trở vào thành phố. Đây là khó khăn cần có sự phối hợp đồng bộ của các địa phương cũng như chính sách từ phía Bộ NN-PTNT.
Bình luận (0)