Bộ TN-MT giải thích quy định làm tăng chi phí môi trường của doanh nghiệp

Lê Quân
Lê Quân
23/09/2021 14:05 GMT+7

Trước nhiều ý kiến cho rằng, một số quy định trong dự thảo Nghị định luật Bảo vệ Môi trường 2020 làm tăng nặng chi phí về môi trường của doanh nghiệp, ngày 23.9, Bộ TN-MT đã lý giải băn khoăn này.

Doanh nghiệp cần thực hiện 1 thủ tục đề nghị cấp Giấy phép môi trường

Theo Bộ TN-MT, luật Bảo vệ Môi trường 2020 được Quốc hội thông qua ngày 17.11.2020, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2022 với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí doanh nghiệp, thu hẹp đối tượng phải đánh giá tác động môi trường…
Cũng theo Bộ TN-MT, luật Bảo vệ Môi trường tích hợp 7 giấy phép, xác nhận vào 1 giấy phép môi trường (GPMT); kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao; cắt giảm cơ chế “xin- cho”, chuyển từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm; cụ thể hóa nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”; đưa chính sách môi trường của Việt Nam hài hòa tiệm cận với pháp luật quốc tế…
Từ ngày 15.6, Bộ TN-MT đã đăng tải dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành luật Bảo vệ Môi trường trên cổng thông tin điện tử của mình và đăng cả trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Ngày 30.8, Bộ TN-MT có buổi làm việc với các doanh nghiệp về các nội dung được quan tâm nhiều, tiếp thu ý kiến. Ngày 16.9 đã cập nhật thêm nhiều ý kiến vào dự thảo Nghị định và gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

Theo Bộ TN-MT, doanh nghiệp cần thực hiện 1 thủ tục đề nghị cấp Giấy phép môi trường

 Lê Quân

Bộ TN-MT cho biết, theo quy định của luật Bảo vệ Môi trường 2020, dự thảo Nghị định đã giảm 18 thủ tục hành chính so với hiện hành (34%); tích hợp 7 loại giấy phép gồm: Giấy xác nhận hoàn thành công trình Bảo vệ Môi trường, Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, Giấy phép xả khí thải công nghiệp, Giấy phép xử lý chất thải nguy hại, Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, Giấy phép xả nước thải vào công trình thuỷ lợi, Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại vào 1 Giấy phép môi trường. Doanh nghiệp chỉ cần thực hiện 1 thủ tục là đề nghị cấp Giấy phép môi trường.

31.12.2024 mới phải hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục

Về đối tượng đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cấp Giấy phép môi trường, có một số ý kiến của các hiệp hội cho rằng, trước đây chỉ có các dự án gây ô nhiễm đến môi trường (nhóm I) mới phải làm ĐTM và xin Giấy phép môi trường, nhưng với quy định mới, các dự án và nhà máy nhóm I và nhóm II kể cả đã hoạt động cũng phải làm ĐTM và xin Giấy phép môi trường, Bộ TN-MT cho rằng như vậy là không đúng.
Theo Bộ TN-MT, khoản 1 Điều 30 luật Bảo vệ Môi trường quy định đối tượng phải thực hiện ĐTM là dự án nhóm I và nhóm II có yếu tố nhạy cảm về môi trường như xả thải vào nguồn nước cấp sinh hoạt, đầu tư trong khu bảo tồn thiên nhiên, rừng, di tích lịch sử văn hóa… Do vậy, quy định về đối tượng phải thực hiện ĐTM và Giấy phép môi trường trong dự thảo Nghị định là đúng quy định của pháp luật.
Về trình tự thủ tục cấp Giấy phép môi trường, Bộ TN-MT cho biết, bản dự thảo Nghị định gửi Bộ Tư pháp thẩm định vào ngày 16.9 đã tiếp thu nhiều ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa nhiều quy định về hồ sơ, trình tự đề nghị cấp Giấy phép môi trường. 

Bộ TN-MT cho biết, dự thảo Nghị định bản mới nhất đã đơn giản hóa nhiều quy định về hồ sơ, trình tự đề nghị cấp Giấy phép môi trường.

Ảnh Lê Quân

Về quan trắc chất thải, dự thảo Nghị định mới nhất đã không quy định mức xả thải càng lớn thì phải thực hiện tần suất quan trắc định kỳ càng nhiều (6 hoặc 12 lần/năm). Thay vào đó, quy định tần suất quan trắc thực hiện như quy định hiện hành nhưng chỉ áp dụng đối với nguồn nước thải có lưu lượng xả thải lớn (trên 200 m3/ngày đối với loại hình gây ô nhiễm và trên 500 m3/ngày đối với loại hình khác) và nguồn khí thải có lưu lượng xả thải lớn (trên 50.000 m3/giờ…). 
Các dự án, cơ sở thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trong 3 năm liên tiếp với kết quả quan trắc chất thải đạt Quy chuẩn Việt Nam và kết quả thanh tra, kiểm tra không vi phạm hành vi xả thải vượt Quy chuẩn Việt Nam thì được miễn thực hiện quan trắc định kỳ trong thời hạn của Giấy phép môi trường.
Cũng theo Bộ TN-MT, tiếp thu ý kiến của các bên, cơ quan soạn thảo đã lùi thời gian quy định phải hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục đối với tất cả các trường hợp đến hết ngày 31.12.2024.
Theo Bộ TN-MT, nội dung về trách nhiệm tái chế, xử lý bao bì, sản phẩm của nhà sản xuất, nhập khẩu trong dự thảo Nghị định không quy định cụ thể tỉ lệ tái chế cho từng sản phẩm, bao bì, mà chỉ quy định công thức tham chiếu và quy trình xác định tỷ lệ tái chế bắt buộc cho từng giai đoạn. 
Theo công thức tính tỉ lệ tái chế tham chiếu trong dự thảo Nghị định thì cao nhất dự kiến là bao bì nhôm, chai PET ở mức 22,5% và thấp nhất là phương tiện giao thông ở mức 1,8%. Tỉ lệ này chỉ bằng 1/3 tỉ lệ tái chế của các quốc gia ở châu Âu từ những năm 80 và 90 của thế kỷ 20.
Hiện tại, dự thảo Nghị định quy định mức tăng tỉ lệ tái chế bắt buộc không quá 5% cho 3 năm. Như vậy, Việt Nam sẽ mất ít nhất 20 - 30 năm mới đạt tỉ lệ như các quốc gia ở châu Âu hiện nay.
Về đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế trong dự thảo Nghị định, Bộ TN-MT cho biết, đây là nội dung được quy định tại Điều 54 luật Bảo vệ Môi trường 2020, không phải là khoản thuế, phí hay lệ phí theo quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí. Điều 54 luật Bảo vệ Môi trường 2020 quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có trách nhiệm tái chế theo tỉ lệ tái chế, quy cách tái chế bắt buộc; trường hợp không tự tổ chức tái chế thì nhà sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn hình thức đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế. 
Theo Bộ TN-MT về bản chất đây là quy định trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu trong trường hợp không trực tiếp thực hiện tái chế đây, không phải là khoản đóng góp bắt buộc, do đó không thể được coi là một nguồn thu thuế, phí. Việc đóng khoản tiền này sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho các hoạt động tái chế liên quan đến các sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.