Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng chỉ đạo gỡ vướng
Tại Đà Nẵng, sau khi Báo Thanh Niên đăng bài viết Nản lòng với 3 dự án siêu “treo” (số ra ngày 2.11) phản ánh tình trạng “đắp chiếu” kéo dài suốt 14 năm qua đối với 3 dự án (DA) lớn, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã có công văn giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát quy hoạch khu vực trung tâm TP. Các DA “đắp chiếu” gồm: DA Đà Nẵng Center (của Công ty CP địa ốc Vũ Châu Long), DA khu phức hợp cao cấp thương mại, văn phòng khách sạn, chung cư cao cấp Golden Square (Công ty CP địa ốc Đông Á), DA Trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp Diamond Square (Công ty TNHH MTV đầu tư Kinh Bắc - Đà Nẵng).
Thông tin thêm từ Sở TN-MT Đà Nẵng chiều 24.11 cho hay hiện nay các đơn vị đang triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng.
Đáng chú ý, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, Sở KH-ĐT được giao chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát tình hình triển khai DA, đề xuất xử lý vướng mắc của DN. Các đơn vị trình UBND TP, Ban Cán sự Đảng UBND TP xem xét, báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy.
Trước đó, liên quan đến 3 DA “siêu treo” này, ông Tô Văn Hùng (nguyên Giám đốc Sở TN-MT TP.Đà Nẵng, vừa được điều động làm Bí thư Huyện ủy Hòa Vang) cho biết đến nay các DA này vẫn đang chờ các chủ trương liên quan công tác đầu tư. Theo ông Hùng, do đặc thù của TP.Đà Nẵng nên dù các DA để đất trống, không triển khai nhưng cũng không thể thu hồi, bởi trước đây TP có tình trạng giao đất và cho thuê đất không có DA. Sau đó, chủ đầu tư mới lập quy hoạch, lập DA, lập thủ tục để tiến hành triển khai thi công công trình.
Ông Hùng cho rằng vướng mắc của các DA này phần lớn rơi vào các sai phạm theo Kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ (được công bố từ ngày 2.11.2012), chủ yếu vướng về việc chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo đúng quy định. Vì không hoàn thành nghĩa vụ tài chính nên khi tiến hành các thủ tục hầu như không được giải quyết, như cấp phép xây dựng, cấp chủ trương đầu tư đều vướng…
Hoàng Sơn
Thanh Hóa “trảm” dự án ngâm đất vàng
Ngày 24.11, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp các địa phương và các sở ngành liên quan rà soát, xử lý các DA đầu tư chậm tiến độ, hạn chế tình trạng lãng phí đất đai.
Hiện tỉnh Thanh Hóa có 1.617 DA được giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích gần 7.864 ha; trong đó có 1.195 DA được cho thuê đất với diện tích trên 3.601 ha; 105 DA được giao đất có thu tiền sử dụng đất với diện tích gần 824 ha; 317 DA được giao đất không thu tiền sử dụng đất, diện tích gần 3.439 ha.
Qua thanh tra, kiểm tra đối với 654 lượt DA trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn từ năm 2014 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện 164 DA chậm tiến độ quá 24 tháng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do địa phương lựa chọn nhiều nhà đầu tư không có kinh nghiệm, thiếu năng lực. Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định thu hồi đất đối 21 DA; trong đó có DA Khu công nghiệp Hoàng Long của Tập đoàn FLC rộng hơn 286 ha, có vốn đầu tư hơn 2.300 tỉ đồng nhưng đã chậm hơn 7 năm; DA của Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển Nguyễn Kim Thanh Hóa tại khu đô thị phía nam TP.Thanh Hóa với diện tích hơn 2,2 ha…
UBND tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo các ngành tiếp tục xem xét, tham mưu xử lý theo quy định đối với 46 DA chậm tiến độ. Yêu cầu UBND các địa phương, Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị địa bàn để kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi trên địa bàn để tránh lãng phí đất đai.
Ái Châu
TP.HCM thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật đất đai
Ngày 24.11, Sở TN-MT TP.HCM cho biết Giám đốc Sở là ông Nguyễn Toàn Thắng vừa ký Quyết định 1179 về việc thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật đất đai của các tổ chức sử dụng đất trên địa bàn TP.HCM.
Khu “đất vàng” số 419 Lê Hồng Phong (P.2, Q.10) rộng gần 11.000 m2 bị Công ty CP giày Sài Gòn sử dụng sai mục đích. UBND TP.HCM ban hành quyết định thu hồi (cuối tháng 5.2021) nhưng doanh nghiệp vẫn không chịu bàn giao |
NGỌC DƯƠNG |
Ông Thắng sẽ làm trưởng đoàn cùng các thành viên là lãnh đạo một số phòng ban chuyên môn của Sở. Thời hạn thanh tra trong vòng 30 ngày (không kể ngày nghỉ, ngày lễ); thời kỳ thanh tra kể từ thời điểm các tổ chức được giao đất, được cho thuê đất đến nay. Nhiệm vụ của đoàn thanh tra là xem xét công tác chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng đất của các tổ chức; nếu có sai phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật, trường hợp việc xử lý sai phạm vượt thẩm quyền của Sở TN-MT thì Sở sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cấp cao hơn.
Việc thanh tra này cũng nhằm làm cho công tác quản lý, sử dụng đất trên địa bàn hiệu quả hơn, tránh lãng phí. Nếu sau thời gian 30 ngày mà việc thanh tra chưa kết thúc hoặc cần thiết phải kéo dài thêm thời gian thì sẽ gia hạn theo quy định của pháp luật.
Đình Sơn
Quảng Trị, Quảng Nam đang rà soát, xử lý
Tại Quảng Trị, Thanh Niên có bài “Bánh vẽ” ở nhiều khu đất vàng ven biển (ngày 1.11.2022), phản ánh tình trạng nhiều khu đất vàng ven biển tại đây được các nhà đầu tư “vẽ” ra DA khủng rồi không thi công hoặc thi công dang dở, bỏ hoang cả chục năm…
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết Quảng Trị luôn luôn chào đón các nhà đầu tư, triển khai các DA ở địa phương, đặc biệt là các DA du lịch, phát triển kinh tế ở ven biển, những khu vực vốn còn nhiều khó khăn. Quảng Trị cũng luôn chia sẻ với những khó khăn của các nhà đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh, khó cơ cấu vốn… Chính vì thế, tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành, các địa phương tạo điều kiện, đồng hành với DN để cùng tháo gỡ các vướng mắc.
Tuy nhiên, ông Hưng tái khẳng định quan điểm đối với những DN cố tình chây ì, không hợp tác, không thực hiện, làm hoang phí “đất vàng” ven biển thì tỉnh sẽ xử phạt hành chính hoặc xử lý chấm dứt dự án.
Theo ông Hưng, từ đề xuất của Sở Xây dựng, UBND tỉnh đang nghiên cứu bỏ 6 quy hoạch chi tiết thuộc khu dịch vụ - du lịch dọc tuyến đường ven biển Cửa Tùng - Cửa Việt.
* Tại Quảng Nam, tình trạng hàng chục ngàn mét vuông “đất vàng” bị xí phần rồi bỏ hoang đã gây lãng phí hàng chục năm tại H.Núi Thành cũng được phản ánh, thu hút sự quan tâm của dư luận.
Cụ thể, từ năm 2005, Công ty CP du lịch Việt Ngữ triển khai xây dựng khu du lịch sinh thái “ẩm thực ngôn ngữ vượt thời gian” tại H.Núi Thành trên phần diện tích rộng gần 70.000 m2, tổng kinh phí khoảng 75 tỉ đồng. Tuy nhiên, gần 17 năm trôi qua, DN này chỉ mới giải tỏa được khoảng 1.200 m2 để xây dựng một khách sạn 2 tầng dang dở, rồi bỏ hoang đến nay.
Chiều 24.11, ông Nguyễn Tấn Văn, Phó giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Nam, cho biết trước đây DA do Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai quản lý; Sở KH-ĐT chỉ mới được bàn giao hồ sơ để quản lý, theo dõi được vài tháng nay.
Theo ông Văn, trong thời gian tới, Sở KH-ĐT sẽ làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, UBND H.Núi Thành và nhà đầu tư để xem xét tình hình thực hiện DA nhằm tổng hợp, báo cáo, tham mưu UBND tỉnh, để từ đó có hướng xử lý tiếp theo.
Nguyễn Phúc - Mạnh Cường
Bình luận (0)