Bộ trưởng Nội vụ nói gì về đề nghị đổi giờ làm lên 8 giờ 30?

Lê Hiệp
Lê Hiệp
01/11/2019 12:56 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói rằng đây là ý kiến tham khảo nhưng để quyết định thay đổi thì còn nhiều vấn đề liên quan.

Mục đích là làm hết việc chứ không phải hết giờ làm

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội ngày 1.11 về đề xuất đổi giờ học, giờ làm lên 8 giờ 30 hoặc 9 giờ mà đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Bình Đình) đề xuất tại hội trường ngày hôm qua (31.10), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói rằng đây là ý kiến tham khảo, để quyết định thay đổi thì còn nhiều vấn đề liên quan.
“Chẳng hạn, việc bố trí giờ làm cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có thể lệch giờ tránh ùn tắc giao thông. Nếu cùng trễ hoặc cùng sớm không giải quyết được”, ông Tân nói, và cho rằng việc bố trì giờ làm phải thận trọng, làm sao để đảm bảo nhu cầu của người lao động nhưng phải hài hoà.
Theo ông Tân, tập quán mình không nghỉ giờ trưa, thời gian qua các cơ quan cũng đang thực hiện. “Anh em cũng tranh thủ giờ làm trưa, ở cơ quan cũng đâu có chỗ nghỉ, ăn cơm xong làm việc ngay, về sớm thì để lo rước con”, ông Tân nói và cho rằng đây là nhu cầu, sự sắp xếp hợp lý.
“Việc bố trí giờ làm phải lắng nghe ý kiến của người lao động, tổng hợp, bố trí hợp lý. Sắp xếp trùng giờ thì ùn tắc giao thông”, ông Tân nói thêm.
Trả lời câu hỏi Bộ Nội vụ đã bao giờ nghiên cứu vấn đề này hay chưa, ông Tân nói, chưa có nghiên cứu vì giờ hành chính phải phối hợp nhiều cơ quan, đặc điểm vùng miền.
“Ví dụ phía Bắc là 8 giờ nhưng phía Nam 7 giờ hoặc 7 giờ rưỡi đã làm do đặc điểm tình hình. Thống nhất chung cả nước thì rất khó. Do đó, quy định vùng miền, thành phố lớn có tính đặc thù”, ông Tân phân tích.
Với đề xuất đổi giờ làm cho riêng đối tượng là cán bộ, công chức, ông Tân nói: “Nói gì thì nói, chúng ta phải đảm bảo nguyên tắc làm việc 8 giờ mỗi ngày. Tăng giảm gì cũng theo luật Lao động. Hiện cán bộ công chức làm việc hơn 8 giờ, trưa không nghỉ, tối về muộn. Mục đích là chúng ta làm hết việc chứ không phải hết giờ làm”.

Đổi giờ làm sẽ nâng cao hiệu quả và kỷ cương công chức

Trước đó, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội hôm qua (31.10), đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Đình) đã đề xuất Việt Nam nên đổi giờ học, giờ làm lên 8 giờ 30 hoặc 9 giờ.
Theo đại biểu Cảnh, việc thống nhất giờ làm việc đối với tất cả các cơ quan hành chính các cấp trên cả nước là không phù hợp khi điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất, tác phong làm việc, mức độ hiện đại hóa còn khác nhau ở nhiều vùng, nhiều cấp.
Ông Cảnh cho hay, trên thế giới cũng như châu Á, hầu hết các nước bắt đầu giờ học, giờ làm lúc 8 giờ 30 hoặc 9 giờ. Thời gian nghỉ trưa là 1 tiếng, được áp dụng đồng bộ cho khối cơ quan hành chính, khối văn phòng, cơ sở giáo dục. Hiện nay ở nước ta, nhiều doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nước ngoài đã học, làm việc lúc 8 giờ 3 hoặc 9 giờ.
Ông Cảnh cho biết, mới đây một trang báo ở Việt Nam đã lấy ý kiến của hơn 23.000 độc giả về thời điểm bắt đầu làm việc. Trong đó, 14% chọn 7 giờ 30; 33% chọn 8 giờ; và 53% chọn 8 giờ 30. Điều này cho thấy có nhiều người ủng hộ đối với đề xuất đổi giờ học, giờ làm, nên cần tiếp tục xem xét.
“Việc đi học, đi làm muộn, nghỉ trưa ngắn sẽ đem lại lợi ích về giao thông, tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả giờ làm và kỷ cương làm việc của công chức”, ông Cảnh nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nêu đề xuất tại hội trường ngày 31.10

Ảnh Gia Hân

Hơn nữa, theo ông Cảnh, các thành viên trong gia đình ngày nay, đặc biệt ở các đô thị ít có thời gian chia sẻ với nhau, từ sáng sớm cả nhà đã phải vội vã đi học, đi làm, bữa cơm chiều nhiều khi không có đủ các thành viên, cũng thường được ăn nhanh chóng rồi mỗi người một việc về phòng riêng của mình, ít chia sẻ với nhau, quên dần bữa ăn gia đình là truyền thống, là một trong những nguyên nhân dẫn đến rạn nứt hôn nhân.
Nhiều phụ huynh đã lo lắng cho sức khỏe con trẻ khi các cháu phải dậy sớm và vội vã đến trường với ổ bánh mì. Khi ở nhà thì đồ ăn đầy đủ, nhưng không có thời gian để nấu cho trẻ em ăn đủ giờ, đủ chất.
“Vậy tại sao chúng ta phải đi làm sớm để không lo được bữa ăn cho bản thân, cho gia đình đúng khoa học? Tại sao chúng ta lãng phí thời gian nghỉ trưa dài, thời gian đi lại mà không dành thời gian để chăm sóc tốt hơn cho gia đình, quan tâm tới việc học, suy nghĩ của trẻ”, ông Cảnh nêu.
“Tôi đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành xem xét thấu đáo quy định các cơ quan hành chính trung ương và cơ quan hành chính cấp tỉnh làm việc không sớm hơn 8 giờ sáng, nghỉ trưa 1 tiếng, và chỉ đạo ngành giáo dục có kế hoạch điều chỉnh giờ học, đồng bộ với đổi giờ làm”, đại biểu Cảnh kiến nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.