Bóng núi - Truyện ngắn dự thi của Trần Đức Sơn

Trần Đức Sơn
Quảng Ngãi
24/10/2024 16:00 GMT+7

Cha nằm trên giường trải drap màu xanh nhạt. Mắt cha nhắm nghiền. Nhịp thở của cha mệt nhọc. Hình như cha đã khóc. Tôi thấy mắt cha ướt.

1. Cuộc gọi lúc nửa đêm của bác hàng xóm báo tin cha nhập viện cấp cứu đã khiến tôi khóc như một đứa trẻ. Lần đầu tiên trong đời tôi khóc như thế.

Thu xếp xong công việc, tôi đón xe về quê ngay. Suốt chặng đường hơn tám trăm cây số, lòng tôi đầy nghĩ suy, lo lắng. Bệnh của cha như thế nào, có nguy kịch lắm không? Rồi ngày tháng sau đó, tôi phải ở lại quê chăm sóc cha hay sẽ quay lại thành phố tiếp tục công việc, thực hiện ước mơ còn dang dở?

Nhà có mỗi hai cha con.

2. Hành lang bệnh viện sáng sớm nhộn nhạo người qua kẻ lại. Những người mặc áo blouse trắng vội vã. Người nhà bệnh nhân thì cũng nôn nóng, lo lắng không kém. Tôi rẽ người mà chạy. Khoa tim mạch tầng 3 hiện ra trước mắt. Tôi ào vào khi vừa trông thấy số phòng trước mặt. Nước mắt tủi thân chảy dài.

Cha nằm trên giường trải drap màu xanh nhạt. Mắt cha nhắm nghiền. Nhịp thở của cha mệt nhọc. Hình như cha đã khóc. Tôi thấy mắt cha ướt.

- Cha không sao đâu, con về làm gì cho trễ nải công việc!

Tôi ngồi cạnh cha. Ngần ngại cầm bàn tay xương xẩu, nhăn nheo của người đàn ông mới ngoài sáu mươi tuổi. Tôi phát hiện cha gầy đi nhiều, nhất là sau lần đứa con gái duy nhất quyết định ở lại thành phố xin việc chứ không chịu về quê sau khi tốt nghiệp đại học.

- Về quê lương ba cọc ba đồng, sao sống được mà về! - Tôi giận dỗi thốt lên mấy lời thiếu kiềm chế lúc cha đang loay hoay xúc cát, khuân gạch vỡ, vác xi măng vá lại đoạn dốc vừa bị sạt lở do trận mưa lớn đầu mùa.

- Nhưng con được gần cha! - Giọng cha như thể hụt hơi, bất lực.

Tôi áy náy khi làm phật ý cha nhưng lại không thể nghe lời cha được. Ngành tôi theo học rất khó xin được việc ở tỉnh. Có khi phải chấp nhận làm trái ngành hoặc thất nghiệp dài dài. Ngày tôi xách va li rời nhà, cha cố tỏ ra vui vẻ nhưng tôi biết cha buồn lắm.

3. Tôi là đứa con gái vô tâm và có phần bướng bỉnh. Với cha, ngay từ khi còn bé, tôi luôn giữ khoảng cách, đến giờ vẫn thế. Tôi không lý giải được điều này. Ngược lại, cha chăm sóc, quan tâm tôi vô điều kiện. Ngay cả việc giặt giũ, nấu nướng cha cũng không để tôi động tay. Cha bảo con cứ lo học hành tử tế là cha vui rồi.

Cha hãnh diện, tự hào về tôi lắm. Tôi luôn đứng đầu lớp, nhiều năm đạt học sinh giỏi tỉnh. Giấy khen xếp đầy ngăn tủ. Cha gặp ai cũng khoe. Cha hứa sẽ cho tôi một cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc hơn hiện tại. Cũng chính vì thế mà cha chưa nề hà hay than phiền một điều gì cả. Cha quần quật, làm lụng suốt ngày. Đất rẫy cỗi cằn cây vạt bắp, giồng khoai phát triển tốt. Đám ruộng ở triền đồi bấp bênh nước tưới lúa vẫn oằn bông. Mảnh vườn trước nhà luôn xanh, mùa nào cũng có rau ăn. Cha còn đi làm cho người ta, ai kêu gì làm nấy. Hết lên rẫy lại xuống đồng. Hết giâm keo lại đến cắm mì.

Tôi sống trong niềm vui của sách vở, kết quả năm học sau luôn cao hơn năm học trước, thành tích nối tiếp thành tích. Cha tôi ngày càng già đi. Ban đêm cha hay trằn trọc vì những cơn ho tức ngực. Nửa khuya cha trở dậy xoa dầu, ủ ấm hay ra ngoài sân nhìn vơ vất xung quanh một lát rồi quay vào, nhẹ nhàng đóng cửa lại. Tôi dường như không quan tâm đến điều này cho lắm. Nếu nghĩ cũng cho rằng cha mắc bệnh khó ngủ mà thôi.

Hôm tôi nhận tin đậu đại học, cha không có nhà. Tôi chạy đi tìm. Cha đang lúi húi sửa sang, dọn cỏ quanh những nấm mộ chôn cất sơ sài ở nghĩa địa cạnh chân dốc, phía trái làng. Dưới tiết trời nóng rang của mùa hè, trông cha như một chiếc bóng nhỏ nhoi tội nghiệp. Tôi xúc động đứng bên cha, run run cất lời. Cha thả nắm cỏ trong tay xuống đất, nhìn sững vào tôi, niềm vui vỡ òa trong mắt.

- Về thôi con! - Cha giục.

Suốt đường về, cha nói nhiều hơn mọi bữa, còn tôi chỉ lặng lẽ bước bởi trong lòng nỗi lo vừa ập đến.

4. Làng tôi nhỏ, chỉ hơn trăm nóc nhà. Nhìn xa như tựa lưng vào núi. Dãy núi cao, hình vòng cung ôm lấy làng, che chắn cho làng tránh được thiên tai, lũ bão. Người dân nơi đây sống quần cư, đoàn kết yêu thương. Có việc vui chia sẻ. Có chuyện buồn an ủi, động viên nhau. Đấy cũng là điều tôi yên tâm nhất khi làm việc xa nhà. Cha cũng trấn an tôi, có bà con xóm giềng, tắt lửa tối đèn có nhau, con đừng lo quá!

- Mẹ con là ai vậy cha? - Tôi nhiều lần hỏi cha câu này. Lúc nhỏ, tôi nhận được câu trả lời vội vàng, kiểu che giấu của cha:

- Mẹ con đi làm xa, đến Tết mới về!

Tôi vô tư tin lời cha, tính ngày tính tháng. Khi thấy cây mai nhà ông Thiện xóm dưới trổ bông, khi bà Tình qua nhà hỏi xin mấy tàu lá chuối gói bánh tét là tôi nôn nao trong bụng, rằng nay mai mẹ sẽ về. Nhưng mẹ vẫn biệt tăm. Ngôi nhà nhỏ quanh năm chỉ thui thủi hai cha con. Tôi càng lớn càng ít nói. Bữa cơm ăn vội ăn vàng. Cha tôi hút thuốc càng nhiều, nhất là những hôm trời mưa lạnh. Khói thuốc quyện cùng hơi nước phả đầy nhà.

- Thương ổng quá chừng, phận gà trống nuôi con, mà lại là con hoang, con bỏ mới khổ!

Người ta rỉ tai lúc hai cha con ghé quầy tạp hóa mua đồ. Tôi điếng người, hỏi cha, cha ngoảnh mặt thay cho câu trả lời. Tôi giận cha, không chịu ăn uống gì cả. Cha dỗ dành, năn nỉ đủ cách nhưng cuối cùng cũng chịu thua tôi, đành nói lên sự thật.

Tôi là một đứa trẻ bất hạnh trong số hàng chục đứa trẻ bị bỏ rơi mà cha nhặt được đem về chùa chăm sóc. Trông tôi kháu khỉnh, dễ thương cha đem về nuôi. Cha vừa thủ thỉ vừa nhẹ nhàng chải tóc cho tôi. Rồi cha trầm ngâm bảo rằng thường trong bọc quần áo hay dưới tã lót của những đứa trẻ vô thừa nhận có một tờ giấy nhỏ ghi vài lời "gửi gắm" của bậc làm cha làm mẹ nhưng trong chiếc giỏ nhựa chứa tôi không có gì ngoài một manh áo cũ. Cha làm thủ tục nhận nuôi tôi trong sự phản đối của nhiều người. Bởi cha là đàn ông, chưa vợ con, lại sống một mình, với vết thương mang về từ chiến trường K cứ trái gió trở trời lại nhức nhối.

Tôi buồn lắm nhưng trước mặt cha tôi luôn tỏ ra cứng rắn, nói nói cười cười đến mức cha phải ngạc nhiên, gặng hỏi. Tôi cố tạo cho gương mặt mình thật tươi bảo con chỉ cần có cha là đủ, rồi bí mật lân la khắp các chợ, các chùa trong huyện dò tìm người đàn bà là mẹ tôi giờ đang làm gì, ở đâu.

5. Khu nghĩa địa rằm tháng bảy âm lịch hiu hắt và hoang lạnh. Con đường mòn cắt ngang dẫn từ xóm lên rẫy, thỉnh thoảng có vài chiếc xe máy rồ ga phóng qua. Những người dân đi núi hay xuống đồng cũng lầm lũi bước. Cha sắm lễ mang đến vị trí trung tâm nghĩa địa thắp ba nén hương để các thầy ở chùa cúng cầu siêu cho những sinh linh chưa kịp chào đời đã tức tưởi lìa trần. Cha từng nói về tâm linh, việc loại bỏ thai nhi của những kẻ nông nổi, vô trách nhiệm là tội lỗi vì ngay khi vừa tượng hình trong cơ thể người mẹ mầm sống ấy đã được gọi là con người. Tôi nghe sao mà xa xót, chợt nghĩ đến bản thân mình.

Tôi nhìn cha, xúc động:

- Có cha mẹ nào của những đứa trẻ xấu số ấy tìm đến nghĩa địa không cha?

- Có chứ con. Họ đã quay lại - Cha gật đầu, buồn rầu.

- Nhưng làm sao tìm lại đứa con chính mình loại bỏ. Nhiều người đã hối hận khóc lóc, kể lể. Có người còn dúi vào tay cha tiền để hương khói giúp họ.

Tôi thần người suy nghĩ, kể từ đấy tôi không còn khó chịu, thắc mắc sao cha lại làm công việc không phải nhiệm vụ của mình gần ba mươi năm, kể từ khi tôi chưa có mặt trên cõi đời này.

Những thai nhi bất hạnh linh thiêng lắm. Cha được báo mộng hay đấy chỉ là những hình ảnh cha từng gặp đã ám ảnh theo cha vào giấc ngủ? Tôi nghĩ thế vì các thai nhi đến với cha đủ hình hài và số phận. Một hình người co quắp, lạnh ngắt. Một thai nhi chỉ là cục máu còn ngọ nguậy.

Bóng núi - Truyện ngắn dự thi của Trần Đức Sơn- Ảnh 1.

ẢNH: ĐỘC LẬP

Cha đăm đắm nhìn hoàng hôn đang buông xuống bao trùm không gian, đưa mọi thứ dần dần vào màn đêm, biến mất trong khoảnh khắc. Cha đang suy tư về trường hợp hài nhi còn đỏ hỏn được phát hiện trong bụi duối ở hàng rào nghĩa địa sáng nay. Bị kiến ăn một mắt và cánh tay phải không còn. Cha cảm giác trong hơi gió lạnh, tiếng khóc ai oán vừa vang lên.

6. Đơn vị cũ của cha liên lạc với nhau để họp mặt và tổ chức tìm mộ đồng đội còn nằm rải rác ở những cánh rừng nước bạn. Một bác cựu chiến binh tìm đến nhà. Cha vui lắm, sai tôi nấu nước pha trà. Hai con người từng vào sinh ra tử nói không hết chuyện. Những kỷ niệm vui vẻ giữa hai trận đánh. Những lần phản công. Cả những lần đưa đồng đội bị thương lui về hậu cứ.

Trong câu chuyện hai người, tôi loáng thoáng nghe tên những địa danh mà lần đầu biết đến của đất nước Chùa Tháp: Oyadao, Ban Lung, Borkeo, Strung- Treng... Rồi câu chuyện chợt lắng xuống khi cha bùi ngùi nhắc về việc bộ đội tình nguyện Việt Nam xóa sổ cụm cao điểm 547 nằm trên dãy Đăng-Rếch mà bọn Pol Pot chọn làm căn cứ. Đây là dãy núi nằm sát biên giới Thái Lan, đứng dưới chân núi nhìn lên như một bức tường thành vững chắc, án ngữ một vùng rộng lớn. Một trục đường lớn từ Thái Lan vắt qua dãy núi. Dãy núi này về mùa khô nước chỉ có ở chân núi. Trong nội địa Campuchia, hầu hết là rừng khộp, lại càng khan hiếm nước. Hết mùa mưa là các khe suối cạn, nước chỉ còn đọng lại thành từng vũng nhỏ, có nơi đi hàng buổi đường mới tìm thấy nước. Dân cư thưa thớt, chủ yếu ở dọc theo trục đường từ Thái Lan sang. Trong chiến dịch này, nhiều đồng đội đã ngã xuống, có người đã để lại một phần cơ thể hoặc không tìm thấy xác để đưa về nghĩa trang đơn vị, về với quê hương, gia đình.

Cũng qua bác cựu chiến binh, tôi biết cha từng có mối tình tuyệt đẹp với một cô y tá. Những lời hẹn đầy yêu thương trong những đêm trăng dưới tán rừng, bên bờ suối. Những ước mơ về ngôi nhà nhỏ có tiếng cười trẻ con cũng dệt lên từ bao lần gặp gỡ, tự tình. Nhưng rồi...

Người bạn của cha không nói thêm gì nữa, ngước nhìn cha. Cha lặng im không nói. Nhưng tôi biết lòng cha đang dậy sóng. Những ký ức đẹp về mối tình thời chiến luôn trở về vuốt ve và giúp cha mạnh mẽ hơn trong cuộc sống còn nhiều lo toan này. Tôi không thể giúp cha nhiều, ngay cả việc cất lên mấy lời yêu thương cũng khó. Có lẽ cha không trách tôi nên vẫn luôn đối xử chân thành và luôn mong cuộc đời sẽ dành cho đứa con gái sớm chịu thiệt thòi những điều tốt đẹp.

7. Đến ngày thứ năm, cha nằng nặc đòi về. Vì ruộng rẫy, heo gà. Vì nghĩa địa không ai hương khói. Hiu quạnh lắm. Cha đi chưa vững, phải có người dìu. Tôi cũng sốt ruột vì công ty có dự án mới, trưởng phòng gọi điện giục. Bằng linh cảm của một người cha quá hiểu con mình, cha đã mở lời để tôi khỏi khó xử:

- Có một công việc tốt thời nay đâu dễ dàng, con liệu mà vào chứ công ty mong!

Tôi đang giặt áo quần cho cha, ngừng tay, ngẩng lên nhìn cha như muốn nghe thêm những điều cha nói. Nhìn cha lúc này đáng thương làm sao. Cha gầy gò trong bộ quần áo cũ nhàu nhĩ.

- Con biết rồi ạ! - Tôi cố kiềm lòng, nén khóc. Nhưng mũi tôi bắt đầu cay.

Tôi một mình ghé vào nghĩa địa, lặng lẽ đi giữa những số phận chưa kịp nhìn thấy mặt trời đã bị chôn vùi trong buổi chiều trĩu nặng tâm tư. Những ngôi mộ nhỏ, khuất lấp, những tấm bia thô sơ đã khiến tôi không cầm được nước mắt. Tôi nghĩ về người là mẹ mà tôi chưa biết là ai, biết đâu chừng một ngày nào đấy sẽ tìm về.

Tôi phải về quê làm việc, để chăm sóc cha và cùng cha vun vén, lo toan khu nghĩa địa đặc biệt này. Suy nghĩ chợt lóe lên sáng bừng khi tôi nhìn tàn lửa bay cao từ đống vàng mã ai đó vừa đốt. Tôi lầm rầm khấn nguyện rồi quay ra.

Vừa lên hết con dốc, tôi đã thấy cha đứng đầu ngõ. Bóng cha lặng thầm hòa vào bóng núi, lộng lẫy, bao dung.

Bóng núi - Truyện ngắn dự thi của Trần Đức Sơn- Ảnh 2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.