Bóng râm giữa 'sa mạc'

21/11/2020 07:36 GMT+7

. - Làng mình đất yêm! Đến tận bây giờ tôi và bà chị họ nhà văn vẫn còn cãi nhau về chữ yêm ấy trong câu nói của nội. Yêm hay im?

Tiếc là không còn nội, ông tiên thông thái của những năm tuổi thơ, để cho chúng tôi câu trả lời.
Chỉ biết yêm xuất phát từ tiếng Chăm như Cà Ná, Chà Bang, Cà Đú, rồi Phan Rang... những tên gọi địa danh gắn liền với rẻo đất quê tôi, chỏm đuôi vẫn được mệnh danh “tiểu sa mạc” của dải đất miền Trung.
Trên rẻo đất này, chẳng biết từ khi nào hai ngôn ngữ Chăm, Việt đan xen, quyện lẫn vào nhau.
Tôi nhớ ngày nhỏ vẫn theo nội ra chợ làng Chăm bán thuốc. Giỏ thuốc của nội nghe đâu cũng là cái cặp đi dạy nội xài hồi còn là ông giáo ngoài Phan Rang.
Tám tuổi, tôi đã được cho ra Phan Rang học. Ngẫm lại thời gian ở Phan Rang còn nhiều hơn ở làng. Nhưng không hiểu sao ấu thơ trong trí nhớ tôi vẫn đậm nét ngôi làng lọt thỏm giữa triền miên cát đỏ.
Cát bọc kín hết mặt phía đông làng. Cát đỏ rực, không thua gì màu đỏ của đất bazan vùng Tây nguyên. Mùa bấc, cát ùa nhau bay mù mịt, trổ thành từng mảng như những đóa hoa đỏ rải khắp con đường tôi theo nội đi bán thuốc.
Con đường làng ấy, lại vốn phủ dày cát trắng. Cát làng tôi chia thành hai tầng màu đỏ - trắng rõ rệt. Tự nhiên hệt người thợ làm bánh khéo tay phủ cho ổ bánh đất làng tôi hai tầng kem mềm lún, màu sắc ngỡ tách bạch mà lại hòa quyện, tôn thêm vẻ đẹp cho nhau.
Trong chợ, giỏ thuốc nội tôi lúc nào cũng có khách. “Thuốc ông Tư” mát tay lại vừa bán vừa cho, nên khách theo giỏ thuốc nội từ chợ về tận rẫy nhà.
Giữa bữa cơm, giấc ngủ trưa, thậm chí lúc mờ sáng, nửa khuya, nghe “ông Tư ơi ông Tư” lẫn trong tiếng chó sủa ran là nội quờ tay tìm giỏ thuốc.
Tôi hay được giao cắt vỉ thuốc, bỏ bị, cột thun cho nội. Thành ra quen lắm những lần khách gãi đầu lỏn lẻn: “Ông Tư cho thiếu chịu...”.
Tiền thiếu có bữa được trả bằng con lươn bắt dưới ruộng, bữa rổ đào lộn hột kèm chén muối ớt, hay bị trái da đá mới chín hườm.
Khách Chăm, khách Việt ai cũng nghèo như ông bán thuốc. Nên dẫu khách quên trả, nội cũng cười xòa: “Kệ. Bao nhiêu đâu! Mình còn cái rẫy!”.
Là nội nói cái rẫy đất tuyền cát trắng. Giữa rẫy, vỏn vẹn một cái giếng bé tẹo. Nhưng dù giữa hạn ác liệt nhất, dù đất quanh các đám ruộng dọc đường ra Phan Rang nẻ chân chim, xơ xác hết, tôi chưa từng thấy giếng cạn nước bao giờ.
Lòng mương quanh làng tôi cũng vậy. Nước không biết từ đâu cứ đầy ăm ắp quanh năm.
Nước nhiều khi chỉ vắt một dòng mỏng dính y chang con rắn nhỏ bò giữa cát, nhưng cứ rỉ rả mãi thành tràn trề, ướt nhem hết vạt đất rộng như trong chợ làng.
“Làng mình đất yêm”.
Lớn lên một chút, khi biết hỏi về những mạch nước ấy, về đám cây cối vẫn xanh um khắp rẫy dù không ai tưới nước, về bầy cừu ốm nhách cứ tới hè lại thấy bác tôi chở trên núi về gửi nuôi, nội đã trả lời tôi vậy.
Yêm theo tiếng Chăm nghĩa là luôn được ăn nước.
Nội giải thích. Miết mạnh gót chân trần xuống mặt cát trắng giữa rẫy, nội chỉ cho tôi lớp cát ướt lộ ra ngay bên dưới.
Hóa ra lâu nay trước đứa nhỏ tôi, cát chơi trò ngụy trang. Trưng ra bộ mặt khô rốc, cát giấu ngay bên dưới những mạch ngầm.
Kẹt giữa hạ lưu sông Lu và sông Cái, không hưởng được chút nước sông nào, bù lại, đất làng tôi được hưởng mạch nước ngầm chảy ra từ động cát.
Là cát gom góp, chắt chiu giữ cho chúng tôi những mạch nước này, qua bao thế hệ, bao nhiêu đời người. Là những bậc khai đất, lập làng đã biết chọn cho chúng tôi vùng đất lành, ốc đảo xanh ngay giữa lòng “sa mạc” miền Trung.
- Phải chi hết xứ mình đều là đất yêm thì hay biết mấy!
Bác tôi, trong lần giỗ nội đầu tiên, nghe tôi ước, bật cười.
- Chi con! Chỉ cần lòng mình giữ một mạch yêm là được rồi!
Ngó nụ cười bác, người chăn cừu núi Chà Bang, người chạy hạn cùng bầy cừu trong vô số mùa hè tuổi thơ tôi, bỗng nhớ nội muốn trào nước mắt.
Là nội đó, nội đang cười xòa trước lo lắng không đâu của đứa nhỏ tôi.
Chỉ cần lòng giữ được một mạch nước!
Phải chăng với mạch nước mang tên hy vọng ấy, bác tôi, rồi bao nhiêu người nông dân nữa ở xứ này đã đi qua những mùa hạn khắc nghiệt nhất.
Và đất yêm, hệt một món quà, một minh chứng rằng: Thiên nhiên chưa bao giờ bỏ rơi con người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.