Bức tranh kinh tế nhiều điểm sáng trở lại

Mai Phương
Mai Phương
01/05/2023 06:32 GMT+7

Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại làm việc gia tăng; dịch vụ, tiêu dùng trong tháng 4 cao hơn so với tháng trước cho thấy kinh tế đã có những điểm khả quan hơn sau kết quả thấp của 3 tháng đầu năm.

Doanh nghiệp tham gia thị trường nhiều hơn

Báo cáo công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy trong tháng 4, cả nước có gần 16.000 doanh nghiệp (DN) thành lập mới với số vốn đăng ký là 154.600 tỉ đồng, số lao động đăng ký gần 119.100, tăng 12,3% về số DN, tăng 6,2% về vốn đăng ký và tăng 28,5% về số lao động so với tháng 3.

Bức tranh kinh tế nhiều điểm sáng trở lại - Ảnh 1.

Số DN tham gia trở lại vào thị trường đã cao hơn số rút lui trong tháng 4

TN

Bên cạnh đó, số DN quay trở lại hoạt động cũng đạt 9.610 đơn vị, tăng mạnh đến 52,9% so với tháng 3 và tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, cả nước có 78.900 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 19.700 đơn vị thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Ngược lại, số DN rút lui khỏi thị trường là 77.000 đơn vị, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước và bình quân một tháng có 19.200 DN rút lui khỏi thị trường. Số DN tham gia trở lại vào thị trường đã cao hơn số rút lui trong tháng 4 và trong 4 tháng đầu năm - trái ngược với số liệu rời bỏ thị trường nhiều hơn trong 3 tháng đầu năm nay - là điểm tích cực cho thấy người dân nói chung đã tin tưởng vào triển vọng phát triển của nền kinh tế.

Tương tự, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước đạt 510.700 tỉ đồng, tăng 3,7% so với tháng 3 và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 2 triệu tỉ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,9%). 

Nếu so với 4 tháng đầu năm 2019, năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước cũng tăng 26,7%. Hay một con số khác là trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn khó khăn, xuất khẩu của cả nước tháng 4 giảm 8,1% so với tháng trước nhưng nhập khẩu ít đi giúp cán cân thương mại hàng hóa trong 4 tháng xuất siêu 6,35 tỉ USD (trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,35 tỉ USD).

Bức tranh kinh tế nhiều điểm sáng trở lại - Ảnh 2.

Hoạt động của DN và tổng mức tiêu dùng dịch vụ tháng 4.2023 đã tăng cao hơn

PHẠM HÙNG - NGỌC DƯƠNG

Riêng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới cũng tăng trở lại, dù lượng vốn điều chỉnh ở các dự án giảm mạnh. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), trong 4 tháng đầu năm có 750 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tăng 65,2% với tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,1 tỉ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, có 386 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 19,5% so với cùng kỳ với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 1,66 tỉ USD (giảm 68,6% so với cùng kỳ nhưng tăng 1,7 điểm phần trăm so với 3 tháng đầu năm và tăng 16,5 điểm phần trăm so với 2 tháng đầu năm). Đồng thời có 1.044 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,1 tỉ USD, tăng 70,4% so với cùng kỳ năm trước.

Dù tổng vốn FDI nói chung vào VN từ đầu năm đến nay đạt gần 8,88 tỉ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ, nhưng dòng vốn mới gia tăng trở lại trong tháng 4 cho thấy các nhà đầu tư ngoại có quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của VN.

Ở góc độ vĩ mô, cần theo dõi việc giá hàng hóa có thể biến động theo sau khi giá điện hay lương cơ sở tăng sẽ gây áp lực lạm phát. Đặc biệt, Chính phủ vẫn cần phải thường xuyên và quyết liệt hơn trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.


TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, thuộc Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội)

Bức tranh kinh tế sẽ sáng hơn trong 2 quý cuối năm

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), đánh giá những số liệu kinh tế trong tháng 4 bắt đầu tích cực hơn so với quý 1/2023. Điều này cho thấy kết quả từ động thái vào cuộc quyết liệt của Chính phủ. 

Từ việc Thủ tướng Chính phủ liên tục chủ trì các cuộc họp cùng bộ, ngành với các ngành nghề để tháo gỡ các khó khăn cho hoạt động sản xuất đến các chính sách gần đây về tài khóa tiền tệ được ban hành nhanh chóng. Cụ thể như Thông tư 02 và 03 của Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ một số khó khăn liên quan về tín dụng, vốn bước đầu cho thị trường; chính sách giảm, giãn nộp một số thuế, phí; hay dự thảo giảm thuế giá trị gia tăng cho hàng hóa đã góp phần tạo niềm tin cho người dân và DN. Song song đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục được ổn định gồm tỷ giá hối đoái, lạm phát giữ ở mức thấp...

2023 vẫn là một năm khó khăn cho nền kinh tế. Các chỉ tiêu mới một tháng sẽ chưa nói lên được điều gì. Nhưng chúng ta kỳ vọng áp lực từ bên ngoài sẽ giảm bớt. Đó là việc suy thoái kinh tế toàn cầu nói chung không quá nặng; lạm phát cũng giảm dần; tỷ giá hối đoái không còn căng thẳng. Cộng với những nỗ lực từ bên trong của Chính phủ và cộng đồng DN sẽ từng bước có hiệu quả. Và dần dần tình hình kinh tế sẽ bớt khó khăn hơn. Những nỗ lực đó sẽ giúp kinh tế VN nửa cuối năm nay sẽ tích cực hơn.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành

Dù vậy, TS Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh: Các bộ, ngành vẫn phải tiếp tục theo dõi để chủ động có nhiều giải pháp linh hoạt, đối phó với những biến động khó lường. Xu hướng chung của kinh tế thế giới trong năm nay vẫn được dự báo là suy thoái, trong đó có những đối tác lớn của VN như Mỹ, châu Âu, nên hoạt động xuất khẩu cũng sẽ hồi phục chậm. 

Hay như việc kinh tế Trung Quốc hồi phục nhanh hơn dù tác động tích cực cho một số mặt hàng của VN có thể tăng xuất khẩu sang thị trường này, nhưng mặt khác có thể sẽ khiến cho hàng hóa của VN bị cạnh tranh nhiều hơn trên thị trường quốc tế. Đồng thời, những biến động khó lường từ sự phục hồi các ngành sản xuất của Trung Quốc có thể đẩy giá cả một số nguyên liệu đầu vào tăng cao trở lại, gây khó khăn cho việc nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất trong nước, gia tăng áp lực lên lạm phát.

Quan trọng nhất là vốn cho DN dù đã có những tháo gỡ ban đầu nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn còn thấp. Điều này cho thấy cầu từ DN chưa phục hồi và chi phí vốn ở mức quá sức chịu đựng của họ. Lãi suất cho vay vẫn từ 9 - 10%/năm đã khiến DN e ngại không dám vay vốn, khiến vòng quay tiền chậm thì khả năng tạo ra sự tăng trưởng không cao.

"Kinh tế đã nhích trở lại trong tháng 4 là tốt, có sự hứng khởi nhất định nhưng vẫn cần thêm thời gian để có sự tăng trưởng bền vững. Trong quý 2 khi VN bắt đầu bước vào cao điểm của mùa du lịch nội địa thì kỳ vọng các ngành du lịch, tiêu dùng và dịch vụ cũng sẽ tăng tốc nhanh hơn. Nhưng ở góc độ vĩ mô, cần theo dõi việc giá hàng hóa có thể biến động theo sau khi giá điện hay lương cơ sở tăng sẽ gây áp lực lạm phát. Đặc biệt, Chính phủ vẫn cần phải thường xuyên và quyết liệt hơn trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Ví dụ, các điểm nghẽn trong quy định phòng cháy chữa cháy hay việc đăng kiểm hiện tại khiến hoạt động của DN bị ách tắc. Điều này kéo dài gây lãng phí nguồn lực của xã hội, kinh tế rất lớn. Chính phủ tháo gỡ các khó khăn thuộc về chính sách thì niềm tin của DN, người dân gia tăng và các hoạt động đầu tư, sản xuất mới ổn định và cũng giúp kinh tế tăng trưởng bền vững. Nếu không thì tháng này nhích lên nhưng tháng sau lại giảm xuống", TS Nguyễn Quốc Việt chia sẻ.

CHUYỂN ĐỘNG KINH TẾ ngày 1.5: Kiều hối về TP.HCM tăng mạnh 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.