Bùng nổ du lịch lễ hội

11/06/2024 06:23 GMT+7

Những tuần, tháng văn hóa, lễ hội được tổ chức bài bản, rộng khắp các địa phương trên cả nước đã thu hút sự tham gia của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Ngành du lịch đang dần ghi dấu ấn hình ảnh một VN rực rỡ sắc màu với 4 mùa lễ hội sôi động.

Tuần sự kiện nối tháng lễ hội

Tối 9.6, 1.100 thiết bị bay không người lái (drone) đã vẽ lên bầu trời TP.HCM những bức tranh đa sắc màu và đầy ý nghĩa, thay cho lời chào tạm biệt tri ân của Lễ hội sông nước TP.HCM lần 2 với người dân và du khách. Sau hơn 10 ngày tổ chức với gần 20 chương trình hoạt động, Lễ hội sông nước TP.HCM lần 2 năm 2024 đã đem đến cho du khách nhiều ấn tượng và trải nghiệm thú vị.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết: "Qua công tác tổ chức lễ hội lần thứ nhất, lễ hội lần 2 đã có sự nghiên cứu, đầu tư kỹ về nội dung, vừa thể hiện chiều sâu, bản sắc đặc trưng của TP.HCM, vừa thổi hồn vào những trang sử hào hùng của dân tộc. Lễ hội cũng mở rộng về quy mô, nâng tầm công tác tổ chức thông qua các hoạt động trải nghiệm gắn với người dân và du khách nhiều hơn".

Bùng nổ du lịch lễ hội- Ảnh 1.

Du khách nước ngoài tham dự Lễ hội sông nước TP.HCM 2024

Nhật Thịnh

Chiêm ngưỡng màn trình diễn từ một nhà hàng trên sân thượng tại khu Thảo Điền (TP.Thủ Đức), Jonny Buckley (33 tuổi, đến từ Anh) không ngớt lời xuýt xoa "đẹp tuyệt", "hoàn hảo" khi drone tạo hình ảnh con cò khổng lồ vỗ cánh từng nhịp trên bầu trời. Hình ảnh cánh cò bay miên man như gợi về hành trình hàng trăm năm khẩn hoang, kiến thiết của vùng đất này. Trong ngày khai mạc lễ hội sông nước hôm 31.5, Jonny đã thu vào máy ảnh rất nhiều hình ảnh pháo hoa, hình ảnh drone những con thuyền căng buồm ra khơi.

"Lúc đầu tôi chỉ tới đây để dự một chương trình nhỏ ngày 1.6 và rất bất ngờ khi thấy những màn trình diễn đó trên bầu trời. Tôi đã đọc báo và tìm hiểu về ý nghĩa của lễ hội này, đồng thời rủ các bạn ở VN tham gia một vài hoạt động như đi chợ nổi giữa TP.HCM, đi xem họ cầm cờ VN lướt ván ca nô trên nước… Hôm nay, chúng tôi lại lên đây để chờ xem chương trình biểu diễn drone trong lễ bế mạc. Tôi cảm thấy lễ hội sông nước ở TP.HCM rất thú vị, nhiều hoạt động. Các bạn hoàn toàn có thể mở rộng quy mô, đưa lễ hội này nổi tiếng như Songkran của Thái Lan", Jonny Buckley nói.

Trước lễ hội sông nước, TP.HCM cũng đã hâm nóng khắp các tuyến phố với Lễ hội áo dài TP.HCM, Ngày hội du lịch TP.HCM, Liên hoan phim quốc tế TP.HCM, Lễ hội bánh mì VN và sắp tới là Lễ hội âm nhạc quốc tế Hozo.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM sẽ tổ chức mỗi tháng một chuỗi sự kiện kéo dài từ 1 - 2 tuần, biến TP.HCM sẽ là thành phố của các sự kiện.

Tiếp nối ngay sau lễ hội sông nước siêu hoành tráng tại TP.HCM, du khách trong và ngoài nước đang đổ dồn về Đà Nẵng để tận hưởng những màn trình diễn mãn nhãn tại Lễ hội pháo hoa quốc tế khai mạc tối 8.6. Bên bờ sông Hàn, màn trình diễn pháo hoa hoành tráng kéo dài 5 tuần được thiết kế xoay quanh chủ đề "Made in Unity" nhằm truyền cảm hứng cho cộng đồng với thông điệp hòa bình, hữu nghị và nhân văn. 

Trước năm 2008, người dân ở Đà Nẵng cũng như mọi địa phương trên cả nước chỉ quen với những màn bắn pháo hoa ngắn vào dịp lễ tết với thời lượng tối đa 15 phút. Đề án về một cuộc thi pháo hoa quốc tế ra đời với mục tiêu đầu tiên là để người dân và du khách được thưởng thức trọn vẹn pháo hoa nghệ thuật cũng như tạo ra điểm nhấn về văn hóa - du lịch cho Đà Nẵng. 

Kể từ thời điểm ấy, pháo hoa quốc tế đã trở thành một "đặc sản" chỉ riêng có ở Đà Nẵng và sau này trở thành Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) được tổ chức thường niên vào khoảng tháng 6 - 7. DIFF không chỉ biến thành phố bên sông Hàn trở thành một trong những điểm đến "hot" nhất mùa cao điểm hè của du lịch nội địa mà còn thu hút số lượng không nhỏ du khách quốc tế. Cùng với DIFF, mỗi năm TP.Đà Nẵng tổ chức 20 - 30 lễ hội, mang lại không khí vui tươi, nhộn nhịp của một điểm đến đầy năng lượng.

Với thế mạnh bề dày văn hóa, lịch sử, tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đang dốc sức trên đường đua trở thành thành phố Festival của VN khi triển khai Ðề án Festival bốn mùa với chuỗi hoạt động lễ hội trải dài trong năm, bao gồm đầy đủ các lễ hội truyền thống từ cung đình, dân gian, tôn giáo, đến nghệ thuật đương đại hay thể thao. Hội An (Quảng Nam) cũng đã đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu, hồi tháng 9.2023…

Trên khắp cả nước, từ tháng 1 - 12, du khách có thể dễ dàng khám phá rất nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của VN thông qua những lễ hội trải dài từ Nam ra Bắc.

"Hâm nóng" mùa thấp điểm

Không chỉ mang đến không khí sôi động, phấn khích, những sự kiện, lễ hội được tổ chức bài bản, đẳng cấp còn giúp ngành du lịch địa phương mang về "tiền tươi thóc thật".

Theo báo cáo mới nhất của Sở Du lịch TP.HCM, các lễ hội, sự kiện được tổ chức liên tiếp từ đầu năm đã thu hút sự chú ý của du khách trong và ngoài nước, đồng thời kích cầu du lịch nội địa, góp phần thúc đẩy ngành du lịch TP phát triển.

Bùng nổ du lịch lễ hội- Ảnh 2.

Lễ hội pháo hoa quốc tế tạo sức hút và thương hiệu cho thành phố Đà Nẵng

KIM LIÊN

Cụ thể, từ đầu năm tính đến tháng 6, TP.HCM ước đón gần 2,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 38% so với cùng kỳ 2023. Khách du lịch nội địa đến TP 6 tháng qua ước đạt hơn 17,1 triệu lượt, tăng 4,4% so cùng kỳ. Sự tăng trưởng cả khách nội và ngoại đã giúp ngành du lịch TP "bỏ túi" hơn 92.600 tỉ đồng trong 6 tháng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Thông tin từ các nhà hàng, khách sạn... tại khu vực trung tâm TP.HCM, doanh thu dịp lễ hội tăng mạnh so với ngày thường.

Với Đà Nẵng, lễ hội pháo hoa quốc tế sau 11 năm tổ chức (gián đoạn 3 năm do dịch bệnh Covid-19) không chỉ đem đến những "mùa vàng" bùng nổ du khách mà còn khắc họa rõ chân dung một "thành phố pháo hoa" tầm cỡ khu vực. Năm 2008, năm đầu tiên diễn ra DIFF, Đà Nẵng đón hơn 1,2 triệu lượt khách du lịch, đạt doanh thu hơn 810 tỉ đồng. Năm 2019, Đà Nẵng đón tới 8,6 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt gần 31.000 tỉ đồng, tăng 38 lần sau hơn 10 năm. Năm ngoái, lượng khách lưu trú vào đêm chung kết pháo hoa ở thành phố biển là hơn 63.000 lượt người, trong đó có 19.000 lượt khách quốc tế.

Khảo sát của nền tảng đặt phòng Booking.com, một trong những trang thương mại điện tử du lịch lớn nhất trên thế giới hiện nay, Đà Nẵng tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu và là điểm đến trong nước được tìm kiếm nhiều nhất mùa hè này. Một trong những lý do được chỉ ra là nhờ có DIFF 2024.

Dẫn chứng bài học điển hình từ Lễ hội Songkran của Thái Lan, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing TST Tourist, đánh giá cả Lào và Campuchia đều có lễ hội té nước, nhưng du khách chỉ đổ về xứ sở chùa vàng, giúp Thái Lan thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm với hoạt động té nước. Có thể thấy các sự kiện, lễ hội nếu được đầu tư quy mô, bài bản, được truyền thông rộng rãi sẽ trở thành sản phẩm du lịch rất hiệu quả. Đồng thời, giúp trải đều sản phẩm cả năm, "khắc chế" bất lợi mùa thấp điểm du lịch.

Theo số liệu khảo sát mới nhất từ nền tảng du lịch Klook VN, 42% du khách Việt mong muốn du lịch đến một địa điểm vì một sự kiện cụ thể. Họ có xu hướng chi tiêu đáng kể cho khách sạn, nhà hàng, trải nghiệm du lịch... và mức chi này có thể cao gấp 4 - 5 lần giá vé sự kiện. Điều này góp phần trực tiếp tăng doanh thu cho các doanh nghiệp địa phương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.