Bước ngoặt thế cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ

25/08/2024 05:30 GMT+7

Trong khi bà Kamala Harris thể hiện rõ chiến lược cho cuộc đua vào Nhà Trắng, thì đối thủ là ông Donald Trump đang tìm sự trợ lực mới.

Lựa chọn khác biệt của bà Harris

Tuần qua, bà Harris đã có bài phát biểu tiếp nhận đề cử tại Đại hội quốc gia đảng Dân chủ (DNC) để chính thức đại diện đảng này trở thành ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng trong năm nay.

Bước ngoặt thế cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ- Ảnh 1.

Ông Trump phát biểu tại nhà hàng Mexico ở Las Vegas ngày 23.8 và bà Harris phát biểu tại DNC ngày 22.8

Ảnh: Reuters - AFP

Xuất hiện trong DNC năm 2016 để trở thành ứng viên đại diện đảng Dân chủ cạnh tranh với ông Donald Trump, bà Hillary Clinton đã mặc bộ vest trắng vốn là màu sắc gắn liền với phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Nhưng lần này, cũng trở thành ứng viên chính thức của đảng Dân chủ và cũng đối đầu với ông Trump, bà Harris đã mặc bộ vest màu xanh nước biển có phong cách thiết kế mạnh mẽ để thể hiện hình ảnh của một tổng tư lệnh.

Qua đó, để vận động tranh cử, bà Harris không lựa chọn hình ảnh một phụ nữ đầu tiên làm Tổng thống Mỹ, mà đang hướng đến thuyết phục cử tri bằng hình ảnh một Tổng thống Mỹ thực sự. Trong phần phát biểu, bà cũng nhấn mạnh điều đó: "Tôi hứa sẽ trở thành tổng thống của tất cả người Mỹ. Bạn luôn có thể tin tưởng tôi đặt đất nước lên trên đảng phái và bản thân mình".

Trong phân tích gửi đến Thanh Niên sau khi bà Harris phát biểu tại DNC, đại diện của Eurasia Group (Mỹ) - công ty tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị hàng đầu thế giới - đánh giá: "DNC bắt đầu chưa đầy một tháng sau khi Tổng thống Joe Biden bỏ cuộc đua. Mặc dù đã đạt được động lực đáng kể trong thời gian đó, nhưng bà Harris phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là chứng minh chiến dịch tranh cử của bà là thành công thực sự chứ không phải là nỗ lực phút cuối của đảng Dân chủ nhằm đánh bại ông Trump".

Ông Jon Lieber, Giám đốc điều hành của Eurasia Group, đánh giá DNC có lẽ "khá thành công" đối với phe Dân chủ và đảng này giờ có thể nhắm mục tiêu vào 3 nhóm cử tri chủ chốt bao gồm: lực lượng công đoàn, người Mỹ gốc Phi và và những người độc lập nghiêng về phe Cộng hòa nhưng không thích Trump.

Thực tế, Phó tổng thống Mỹ Harris có vẻ không còn bị xem là "sự thay thế vào phút cuối". Bà đang thuyết phục được sự tin tưởng về triển vọng chiến thắng. Trong chưa đầy 1 tháng, bà Harris đã gây quỹ được khoảng 500 triệu USD. Không những vậy, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho bà Harris đang tăng lên, thậm chí dẫn trước ông Trump. Cụ thể, theo tờ The Guardian, qua các cuộc thăm dò trong 10 ngày gần nhất (tính đến ngày 22.8), tỷ lệ ủng hộ trung bình dành cho Phó tổng thống Harris là 48,4%, còn cựu Tổng thống Trump đạt 45,3%.

Trở thành ứng cử viên tổng thống, bà Harris cam kết bảo vệ nước Mỹ, kêu gọi chấm dứt xung đột Gaza

Sự trợ lực mới của ông Trump

Trong khi đó, bước ngoặt mới nhất trong chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump là việc ứng viên độc lập Robert F.Kennedy Jr. đã đổi phe. Theo CNN, ông Kennedy tuyên bố dừng tranh cử Tổng thống Mỹ và quay sang ủng hộ ông Trump. Theo một số thông tin, đổi lại, ông Kennedy được hứa hẹn sẽ trở thành bộ trưởng nếu ông Trump chiến thắng.

Ông Kennedy cho biết các cuộc thăm dò nội bộ chỉ ra nếu ông tiếp tục tranh cử thì sẽ gây tổn hại cho phía Trump và giúp ích cho bà Harris. Tuy nhiên, theo truyền thông Mỹ, các cuộc thăm dò công khai gần đây không đưa ra dấu hiệu rõ ràng rằng ông Kennedy có tác động quá lớn đến sự ủng hộ dành cho 2 ứng cử viên còn lại.

Theo phân tích của Eurasia Group, những cuộc thăm dò gần nhất cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Kennedy đạt dưới 5%, tức thấp hơn đáng kể so với cao trào ông từng đạt được là trên 10%. Từ thực tế đó, nhà phân tích Noah Daponte-Smith, của Eurasia Group, đánh giá: "Ông Trump sẽ được hưởng lợi không đáng kể từ sự ủng hộ của ông Kennedy". Nhà phân tích này cho rằng nhiều người ủng hộ ông Kennedy sẽ không bỏ phiếu hoặc sẽ bỏ phiếu cho một lựa chọn khác của bên thứ ba chứ chẳng phải Dân chủ hay Cộng hòa.

Trong khi đó, theo bình luận đăng trên tờ The New York Times hôm qua 24.8, ông Donald Trump có vẻ đang thay đổi ít nhiều trong cách vận động tranh cử. Bài viết dẫn lại việc ông Trump xuất hiện tại một nhà hàng Mexico ở Las Vegas (bang Nevada, Mỹ) vào chiều 23.8 (theo giờ địa phương).

Trong lần tiếp xúc cử tri này, ứng viên đại diện phe Cộng hòa đã tuyên truyền đề xuất của ông là không đánh thuế đối với khoản thu nhập đến từ tiền bo. Ông không nói nhiều về bản thân mà tập trung chia sẻ sự khó khăn của những người pha chế, phục vụ nhà hàng. Tại đó, cựu Tổng thống Trump cũng không dùng những lời lẽ chỉ trích mang tính cá nhân hay thóa mạ đối thủ. Việc hạn chế chỉ trích trực tiếp đối thủ và tập trung thu hút cử tri bằng chính sách là điều mà nhiều thành viên đảng Cộng hòa từng kêu gọi ông Trump nên theo đuổi.


Nhiều mật vụ Mỹ bị tạm cho thôi việc

Đài CBS News ngày 23.8 đưa tin ít nhất 5 nhân viên Mật vụ Mỹ đã bị cho thôi việc tạm thời, sau vụ cựu Tổng thống Donald Trump bị ám sát hụt hôm 13.7 tại bang Pennsylvania. Động thái này diễn ra trong lúc Mật vụ Mỹ liên tục bị chỉ trích vì khâu an ninh lỏng lẻo, để cho tay súng bắn 8 phát đạn về phía cựu Tổng thống Trump đang có buổi mít tinh vận động tranh cử. Ông Trump bị thương ở tai và một người trong đám đông thiệt mạng. Người phát ngôn Mật vụ Mỹ Anthony Guglielmi không xác nhận nhân viên cơ quan này bị tạm thôi việc.

Các nhà lập pháp đã gây sức ép buộc Cơ quan Mật vụ Mỹ phải có hình thức kỷ luật hoặc sa thải với những người tham gia công tác chuẩn bị cho buổi vận động. Quyền Giám đốc Mật vụ Mỹ Ronald Rowe cho biết sẽ chờ hoàn tất quá trình điều tra, trước khi đưa ra biện pháp kỷ luật.

Bảo Hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.