Ngẫm lại trong những ngày tháng khởi đầu gian nan đó, anh Trần Sơn Tùng (39 tuổi, ở TP.Quy Nhơn, Bình Định) cho biết cái quý nhất mà anh có chính là khao khát được đổi đời và làm giàu chính đáng. Chính những điều này đã thúc đẩy anh mỗi ngày phải tiến về phía trước dù không ít sai lầm trong thời gian đầu hành nghề xe khách.
tin liên quan
Xưởng gối đa năng của những bạn trẻ vượt qua định mệnhBị khiếm thị, bại não, tay chân cử động khó khăn nhưng cô bé Trần Thị Thanh Hiếu vẫn kiên trì bám trụ xưởng làm gối của Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM.
Một thời liều mạng
Năm 2001, anh được gia đình cho 50 triệu đồng để lập nghiệp. Anh kể lại: “Tôi cầm tiền vào Sài Gòn, chân ướt chân ráo không rành gì về ô tô nên đã mua nhầm một chiếc xe 15 chỗ đã bị thay máy khác, lại bị sai số máy nên không làm được giấy tờ xe. Ròng rã một năm sau mới hoàn tất thủ tục và xin được số xe 77H-1307. Đó là cái xe đầu tiên mà tôi vừa sai lầm vừa phải vất vả lắm mới có được”.
Sau đó, anh Tùng xin vào bến chạy tuyến Quy Nhơn - Quảng Ngãi và ngược lại. Năm 2006, anh Tùng thấy Báo Thanh Niên tại Bình Định đăng tuyển người nên làm hồ sơ xin vào vị trí phát hành báo. Ròng rã một thời gian dài, anh làm theo kiểu ngày chạy xe và đêm thì làm nhân viên phát hành báo (trực ở nhà in, chờ báo in ra thì phân phối cho các đại lý ở các tỉnh trung Trung bộ - bắc Tây nguyên).
Sau 4 năm, anh mới quyết định nghỉ hẳn công việc phát hành để chuyên tâm với nghề xe.
Đến năm 2011, hiệu xe Sơn Tùng tăng lên được 3 chiếc 16 chỗ đời mới. Hình ảnh xe khách Sơn Tùng một thời gian dài là nỗi khiếp đảm với nhiều hành khách và kể cả dân tài xế.
Anh Tùng nhớ lại: “Tại ngã năm Tây Sơn, Quy Nhơn, mỗi khi xuất bến là 3 xe của tôi quần đảo liên tục để đón khách, đến khi nào không còn chỗ đứng trên xe tôi mới cho chạy. Những chỗ xe tôi đứng thì tất cả các xe khách khác không được đứng gần. Lúc đó, tôi rất háo thắng và mê tốc độ. Có những lần đụng độ xe khác để tranh giành khách, tôi lái xe chạy 162 km/giờ.
Thời gian đó khách thấy xe của tôi họ không dám đi nữa. Tôi phải đeo khẩu trang để lái xe chứ họ thấy tôi là không dám lên xe. Lúc đó, tôi hoạt động theo kiểu chỉ cần khách đi một lần thôi. Khi khách vừa lên xe là tôi cho thu tiền liền. Nhiều khách đưa tiền rồi nhưng đi được một đoạn thì xin xuống xe vì quá sợ, cũng không lấy lại tiền đã trả cho xe. Lúc ấy, xe tôi có khi chở đến 45 người mặc dù chỉ 16 ghế. Những xe khách chạy cùng tuyến khi nghe thấy tiếng còi và xe tôi từ phía sau là ngay lập tức né và không dám chạy theo”.
Năm 2008, xe Sơn Tùng bị phản ánh trên báo nguyên một trang với tiêu đề Kinh hoàng xe khách Sơn Tùng. Thế nhưng, Tùng và các tài xế của mình vẫn không thay đổi cách hoạt động kinh doanh. “Đó là quãng thời gian đen tối và quá liều mạng của một tuổi trẻ ngông cuồng háo thắng”, anh Tùng nhớ lại.
tin liên quan
Nữ sinh 9X xinh đẹp, học giỏi 'thuyết phục' bố mẹ chơi game kiếm 20 triệu đồng/thángĐàm Ngọc Linh (21 tuổi) sinh viên ĐH KHXH và NV (ĐHQG Hà Nội) vừa giành ngôi vị cao nhất trong cuộc thị Miss Đột kích 2017. Cô có vẻ ngoài xinh như hot girl và khả năng chơi game cực “đỉnh”. Cô đang làm công việc "streamer game" với thu nhập trên dưới 20 triệu đồng/tháng.
Thay đổi 180 độ
Trong một lần đi xe từ Nha Trang về Quy Nhơn vào giữa năm 2011, Trần Sơn Tùng vô tình lên một xe khách na ná xe của anh. Nghĩa là cùng loại xe 16 chỗ, cùng chạy nhanh vượt ẩu và nhồi nhét khách. Đặc biệt hơn, anh Tùng “được” cho ngồi ghế cuối, lúc này trên xe có khoảng 13 người. “Xe cứ đi một đoạn rồi dừng lại bắt khách, ngồi trên xe bực bội và khó chịu lắm. Mặc dù chất lượng xe này tốt hơn rất nhiều so với xe của tôi lúc đó, nhưng hồi giờ tôi có ngồi phía sau đâu, nên không biết được cảm giác của hành khách”, anh Tùng nhớ lại.
Sau trải nghiệm nhớ đời thấm thía đó, ông chủ hãng xe Sơn Tùng quyết tâm thay đổi 180 độ, làm lại cách thức hoạt động cho các xe của mình.
“Về đến nhà, tôi lập tức gọi hết tài xế và phụ xe để nói chuyện. Từ ngày mai phải chạy đúng tốc độ quy định, chở đúng mỗi người một ghế, tuyệt đối không được chở dư, không được đón khách dọc đường và phải chạy máy lạnh suốt tuyến. Mọi người ai cũng phản đối nhưng tôi nói hãy thử làm hành khách một lần đi, ra phía sau ngồi mới thấy khổ như thế nào. Vậy là từ đó, xe Sơn Tùng đổi khác hoàn toàn. Tôi chấp nhận lỗ thời gian đầu để gầy dựng lại hình ảnh và tạo lòng tin với khách hàng”, anh Tùng chia sẻ.
Dần dần, cứ qua một mùa lễ - tết, khách đặt vé xe Sơn Tùng ngày một nhiều hơn. Doanh thu cũng tăng dần đều và ổn định. Hiện Công ty vận tải Sơn Tùng có trên 200 nhân viên với 37 đầu xe chất lượng cao các loại, là một thương hiệu vận tải hành khách có uy tín ở miền Trung. Gần như khách có nhu cầu đi xe tuyến Quy Nhơn - Đà Nẵng và ngược lại, là nghĩ ngay đến Sơn Tùng.
Anh Tùng vui mừng chia sẻ: “Tôi thấy thương khách hàng và biết ơn họ, nguyện làm mọi thứ để phục vụ khách hàng tốt nhất. Bất cứ nhân viên Sơn Tùng nào phục vụ khách không tốt mà để khách phản ánh là tôi xử phạt ngay và hoàn lại tiền cho khách. Tôi luôn học hỏi và tìm thêm những dịch vụ tốt hơn để đáp ứng nhu cầu khách hàng, khiến họ hài lòng, an tâm và tin tưởng”.
tin liên quan
Giáo sư Ngô Bảo Châu: Người trẻ phải năng động hơn nữaNgày 25 - 26.4, Giáo sư Ngô Bảo Châu có buổi gặp gỡ và truyền cảm hứng học thuật cho hàng ngàn sinh viên miền Trung.
Bình luận (0)