Cà phê có 14 vị trái cây
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đồng Tâm, chia sẻ cà phê Ông Bầu là tâm huyết của ông, bầu Đức và ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT NutiFood. Hơn 2 tuần gần đây, đội ngũ kỹ thuật và chuyên viên sau nhiều ngày, nhiều tháng đã nghiên cứu thành công một loại cà phê khi uống, người thưởng thức có thể cảm nhận được 14 vị trái cây trong đó. “Tôi, anh Hải và anh Đức rất cảm ơn anh Nguyễn Hải Linh, Giám đốc Công ty Dịch vụ nhà hàng nổi du lịch Elisa đã thử và quyết định chọn cà phê này để đưa lên tàu Elisa thưởng thức vào mỗi buổi sáng và cùng đàm đạo, kết bạn chia sẻ mùi vị rất tuyệt vời của cà phê Việt Nam”, bầu Thắng nói.
"Cà phê thật có nghĩa là chế biến làm sao thì kinh doanh như thế. Đó là triết lý mà chúng tôi đang làm. Hôm nay, tôi rất bất ngờ là có một cô gái, sau 30 năm rồi tôi mới gặp lại, đặt vấn đề gặp anh Hải để xuất cà phê sang Canada bán, vì cô ấy đang sống ở Canada", bầu Thắng chia sẻ.
Tại buổi ra mắt, ông Trần Thanh Hải cũng chia sẻ, NutiFood rất may mắn vì đã mua được nông trường cà phê Phước An. Năm 1922, người Pháp đem cây cà phê đầu tiên trồng tại Việt Nam chính là ở nông trường Phước An ngày hôm nay.
"Điều tự hào là tất cả chuyên gia đều ngạc nhiên, không nghĩ rằng đây là Robusta mà nghĩ rằng đó là Arabica. Cho nên, đầu tiên, thương hiệu Cada Specialty mong muốn tạo ra một dòng sản phẩm từ Robusta Việt Nam, từ nông trường cà phê đầu tiên của Việt Nam. Thứ hai, đối với tất cả anh em doanh nhân, điều này sẽ tạo xu hướng mới, tức là uống cà phê 100% là thật, không uống với đường, sữa. Đó là 1 xu hướng rất tốt cho sức khỏe của chúng ta vì các loại thực phẩm chúng ta ăn vào mỗi ngày đều có chứa đường nên nếu uống cà phê có đường, sữa nữa thì chúng ta tiếp nhận quá ngưỡng của lượng đường cho phép", ông nói.
Nâng giá trị hạt cà phê Việt Nam
Ông Nguyễn Hải Linh cho biết ông là người không uống cà phê nhưng sau khi uống lần 2, lần 3 thì nghiện. Chính vì vậy, ông sẽ cùng mọi người chung tay giới thiệu một sản phẩm thuần túy của Việt Nam đến những người trong nước và quốc tế để chứng minh rằng Việt Nam có một loại cà phê Robusta rất đặc biệt, không thua kém gì các loại cà phê đang có trên thế giới.
“Chúng tôi còn mong muốn mở ra xu hướng thưởng thức cà phê mới như một nét văn hóa. Khi đọc sâu về câu chuyện này, người ta sẽ cảm nhận rằng năm đó trồng chất đất nào, nhiệt độ, mưa nắng như thế nào… để cho ra loại cà phê khác nhau, như cách mà chúng ta thưởng thức rượu vang. Đó là câu chuyện về văn hóa”, ông Linh nói và cho biết thêm mỗi ly trên bàn sẽ trích ra 10.000 đồng để đóng góp vào quỹ tài năng Việt, ủng hộ cho sự phát triển của võ Vovinam.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ, cho biết, sự kiện ra mắt thương hiệu cà phê Ông Bầu và hôm nay phát triển lên một tầm cao mới có 3 ý nghĩa.
Thứ nhất là phát triển cà phê Robusta phổ biến ở Việt Nam lên một đẳng cấp cao hơn mà thổ nhưỡng Việt Nam không trồng đại trà được, là Arabica. Xét về kinh tế thì điều này tác động rất lớn để nâng giá trị hạt cà phê Việt Nam.
Thứ hai là từ cách chế biến này tạo ra một hương vị rất riêng, cà phê không có đường nhưng dư vị của nó rất ngọt – đó là điều rất tuyệt vời.
Thứ 3, ly cà phê Cada Specialty kết hợp với không gian 5 sao của Elisa tạo ra một cuộc hôn nhân “đại quý tộc”. Cuộc hôn nhân này sẽ nâng giá trị thưởng thức cà phê lên thành điều lớn hơn, đó là văn hóa ẩm thực đẳng cấp của Việt Nam.
"Nếu phát triển thành một thương hiệu thì sẽ có đóng góp lớn hơn nữa – tôi kỳ vọng như vậy. Thành ra, từ 3 ông bầu, chúng ta sẽ phát triển thành một điều lớn lao hơn. Trong tương lai, cà phê Cada Specialty này sẽ đạt được đỉnh cao hơn nữa và thấy được sáng tạo từ Việt Nam để nâng tầm văn hóa. Tôi nghiện cà phê và uống 2 ly Cada Specialty này là đã thấy say rồi. Cà phê thật, làm thật, uống thật như chính thương hiệu này. Chúc cuộc giao duyên Elisa - Cada Specialty đóng góp cho văn hóa ẩm thực Việt Nam”, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Bình luận (0)