Cà phê, tiêu, điều và điện mặt trời

26/04/2021 04:47 GMT+7

Tây nguyên đang đối mặt với khủng hoảng thừa điện mặt trời , nhiều hệ thống phải giảm phát khiến nhà đầu tư thua lỗ. Nhìn cảnh này lại nhớ đến vấn nạn được mùa mất giá , chặt trồng - trồng chặt của bà con nông dân trước đây mà cám cảnh.

Là nước nông nghiệp hàng đầu thế giới nhưng nhiều thập kỷ, người nông dân cứ luẩn quẩn với cây - con, trồng - chặt mà hệ quả lớn nhất của nó là những đợt giải cứu nông sản liên miên, kéo dài cho đến tận bây giờ. Đó cũng là lý do dù xuất khẩu gạo, tiêu, điều, cà phê... có số má trên bản đồ nông nghiệp toàn cầu nhưng người nông dân trong nước vẫn nghèo. Một ngành nông nghiệp thiếu chiến lược sản xuất và tiêu thụ khiến các sản phẩm chủ lực quốc gia nuôi trồng xong không biết bán cho ai chính là nguyên nhân của tình trạng này. Bà con cứ thấy thị trường mua cây gì, con gì thì lao theo trồng cây đó, nuôi con đó. Nhưng nuôi trồng đến ngày thu hoạch thì... nhu cầu thị trường đã chuyển sang cây khác, con khác. Thế là lại chặt cây, đổi vật nuôi. Vòng luẩn quẩn chặt trồng - trồng chặt; được mùa mất giá... tiếp tục.
Khủng hoảng thừa điện mặt trời ở Tây nguyên nói riêng và VN nói chung nhìn bề ngoài và kết cục cũng tương tự nhưng động cơ thì khác nhau. Tuần trước, nhiều người bất ngờ khi Tập đoàn Trung Nam bán 49% cổ phần tại Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc có vốn đầu tư 5.000 tỉ đồng cho Công ty CP kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT). Nói bất ngờ bởi Trung Nam đã rất tâm huyết với mảng năng lượng tái tạo.
Tập đoàn này là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên đầu tư hạ tầng truyền tải điện, góp phần quan trọng khi giải tỏa công suất lưới điện cho khu vực Ninh Thuận và các tỉnh duyên hải nam Trung bộ nói chung. Dù chính chủ không tiết lộ nhưng thông tin được nhiều báo đưa tin cho biết giá của thương vụ này khoảng 200 triệu USD. Có nhiều đồn đoán rằng bán vì lời, cũng có ý kiến bán vì nhà đầu tư lo ngại tình trạng quá tải và các chính sách giảm tải trong thời gian tới có thể còn mạnh tay hơn. Chưa biết lý do tập đoàn này bán vì sao nhưng đây không phải trường hợp cá biệt.
Trước đó, năm 2020, một số dự án điện gió, điện mặt trời đã được các nhà đầu tư VN chuyển nhượng một phần, hoặc toàn bộ dự án dưới hình thức liên doanh, bán cổ phần... cho các nhà đầu tư đến từ Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Singapore, Ả Rập Xê Út... khiến dư luận dấy lên sự lo ngại về an ninh năng lượng. Ngay sau đó, đại diện Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo đã trấn an rằng hoạt động này là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường và được quy định trong luật Đầu tư.
Soi báo cáo tài chính của các doanh nghiệp có đầu tư điện mặt trời cũng thấy lợi nhuận từ kênh này là khá lớn. Ở đâu có thóc, ở đó có bồ câu, cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng điều đáng nói ở đây chính là vấn đề quy hoạch. Nếu nông nghiệp rơi vào vấn nạn trồng - chặt vì thiếu chiến lược, thiếu quy hoạch có tầm nhìn thì quy hoạch điện của chúng ta không thiếu. Có điều, quy hoạch một đằng, thực tế vượt rào một nẻo. Tính đến cuối năm 2020, công suất thực tế đã vượt quá 12 lần so với quy hoạch. Đến đầu năm 2021, EVN đã phải lên tiếng vì nỗi lo thừa điện và việc giảm phát luân phiên bắt buộc phải thực hiện do đường truyền quá tải. Nếu logic các vấn đề, phải chăng sang nhượng các dự án năng lượng tái tạo đang trở thành một thị trường béo bở nên nhà đầu tư tìm mọi cách để được phê duyệt dự án để bán lại kiếm lời?
Nhưng điện không phải là tiêu, điều, cà phê... để không thích thì chặt bỏ. Không chỉ là mặt hàng thiết yếu, nó còn là an ninh năng lượng. Nếu chúng ta không kiểm soát chặt chẽ để lành mạnh hóa thị trường thì một chủ trương tốt của Chính phủ có thể sẽ bị ảnh hưởng lớn và hệ lụy của nó thì rất khó để đong đếm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.