Cá vược... vượt Covid-19

17/03/2021 05:30 GMT+7

Ở Khánh Hòa, có một doanh nghiệp chuyên nuôi cá chẽm (hay còn gọi là cá vược) đã vượt qua dịch Covid-19 một cách ngoạn mục: Trong năm 2020 có 6.500 tấn cá vược đã... vượt đại dương để có mặt tại Mỹ và nhiều nước khác.

Tìm nơi “định đô” cho cá chẽm

Ông Josh Goldman, 58 tuổi, Tổng giám đốc Công ty TNHH thủy sản Australis Việt Nam, nói: “Tôi và các cộng sự đã dành 3 năm khảo sát vùng biển Việt Nam, cuối cùng thì chọn vịnh Vân Phong của Khánh Hòa này để “định đô” cho việc nuôi cá biển. Chúng tôi cũng đã chọn cá chẽm trong 30 loài cá”. Cũng theo ông Josh, công ty của ông đã áp dụng cách nuôi cá hồi trên biển của Na Uy vào việc nuôi cá chẽm ở Việt Nam, được điều chỉnh phù hợp với thực tế và mang lại hiệu quả rõ rệt.
Sở dĩ Công ty Australis chọn Vân Phong làm nơi “định đô” cho cá chẽm bởi đây là vùng biển phù hợp về mặt địa lý như nằm sâu trong vịnh, kín gió; đặc biệt là nhiệt độ nước biển ở đây không ảnh hưởng đến việc phát triển của cá chẽm, kể cả vào mùa đông. Lợi thế này đã giúp doanh nghiệp có thể xuất khẩu cá chẽm quanh năm.
Trên một vùng vịnh biển rộng lớn như Vân Phong, con cá chẽm phát triển gần như trong môi trường tự nhiên, nó khác với cách thức nuôi cá chẽm ở sông hoặc trong các đầm nước ngọt, rất dễ xảy ra dịch bệnh từ việc ô nhiễm môi trường.

Ông Andreas Driveklepp - Giám đốc Vùng nuôi trên biển đang thuyết minh với khách thuyết minh với khách về cách nuôi cá chẽm

ẢNH: Công ty Australis cung cấp

“Vương quốc” của cá chẽm

Mất chừng 30 phút ngồi xuồng máy từ cảng Hòn Khói (TX.Ninh Hòa, Khánh Hòa) là có thể tiếp cận với “vương quốc” cá chẽm tại khu vực Hòn Đen. Australis Việt Nam đã hình thành một vùng nuôi cá chẽm rất quy mô từ khâu ươm giống cá đến cách nuôi cá, hoàn toàn được quản lý bằng máy móc tự động hết sức chuyên nghiệp.
Ông Hoàng Ngọc Bình, giám đốc vận hành Công ty Australis, giới thiệu với khách: “Chúng tôi có 5 farm (trang trại), mỗi farm 14 lồng bè, tổng cộng 70 lồng. Sau 20 tháng là có thể thu hoạch mỗi lồng bè trên 300 tấn cá”.
Quan sát từ cách cho cá ăn đến việc thu hoạch và sơ chế ngay trên chiếc tàu chuyên dụng mới thấy hết sự công phu và khoa học của việc nuôi cá chẽm này. Mỗi farm như thế có một chiếc tàu trung tâm, làm nhiệm vụ điều khiển toàn bộ hoạt động của các lồng bè. Thức ăn được nhập về, đưa lên tàu này, từ đây có những đường ống dẫn đến các lồng. Người điều khiển chỉ cần ấn nút là thức ăn theo ống “chạy” về các lồng. Cán bộ kỹ thuật ngồi trên tàu cũng có thể biết được “sức khỏe” của cá ở các lồng thông qua hệ thống camera đặt ở đáy nước. Camera robot gửi các thông số kỹ thuật từ thức ăn đến tình trạng của cá ở các lồng bè một cách chính xác nhất.

Vượt qua đại dịch

Để đưa được 6.500 tấn cá chẽm có mặt tại Mỹ và một số nước khác như Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản trong năm qua là một kỳ công của Công ty Australis. “Năm 2008, chúng tôi chỉ thu được 30 tấn cá. Để có được 6.500 tấn vào năm 2020, chúng tôi đã đi một chặng đường 12 năm”, ông Josh nói. Nhưng số lượng cá chẽm tăng trên 200 lần này cũng chưa nói lên được điều gì nếu như Australis không biết vượt qua đại dịch Covid-19 năm rồi. Không vượt qua đại dịch thì cũng đồng nghĩa với chuyện “đứng bánh” 50 triệu USD đã đầu tư; trên 800 công nhân tham gia nuôi và chế biến cá chẽm ở Khánh Hòa cũng sẽ mất việc.
Khi dịch bùng phát tại Mỹ - thị trường xuất khẩu cá chẽm lớn nhất của công ty, Australis nhanh chóng thay đổi sản phẩm của mình để tận dụng lợi thế các điều kiện thị trường đang thay đổi do Covid-19. Thay vì bán hàng cho các siêu thị, nhà hàng lớn, công ty chuyển sang bán theo hình thức thông qua các doanh nghiệp giao hàng thực phẩm và bữa ăn tại nhà lớn nhất của Mỹ, nơi nhu cầu về cá đông lạnh tăng mạnh. Bằng cách này đã giúp cho doanh thu của Australis tăng hơn 30% vào năm 2020; cho phép công ty thuê thêm nhân viên, tăng mức lương thưởng cho nhân viên và trả thưởng tết đầy đủ ngay cả khi nhiều doanh nghiệp khác phải vật lộn để trụ lại. 800 người của công ty với mức lương bình quân 10 triệu đồng/người/tháng ngay tại vùng quê tỉnh Khánh Hòa là một nỗ lực rất lớn.
Australis Việt Nam đã phát triển quy mô nuôi trồng sản xuất gấp 3 lần trong vòng 4 năm vừa qua, vươn mình trở thành công ty nuôi cá chẽm tầm cỡ thế giới và công ty xuất khẩu cá biển lớn nhất Việt Nam, bất chấp dịch Covid-19 đang làm cho nền kinh tế các nước điêu đứng. Đây quả là một điều kỳ diệu!
“Trong năm nay, Công ty TNHH thủy sản Australis Việt Nam cũng đã có kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến thủy sản thứ tư tại Khu công nghiệp Ninh Thủy, tuyển dụng thêm hơn 250 lao động mới, nâng tổng số lao động trong toàn công ty lên trên 1.000 người. 8.000 tấn cá chẽm cũng sẽ “vượt Covid-19” để có mặt tại Mỹ và các nước trong năm nay”, ông Josh cho biết thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.