Điểm chung của các anh hùng
Có mặt tại lễ vinh danh “Lan tỏa điều tử tế” - Đồng lòng tỏa sáng, rạng ngời Việt Nam, đại úy Thái Ngô Hiếu (Đồng Nai) cho biết mình đã làm việc cứu nạn cứu hộ gần 10 năm rồi. Hàng năm, bình quân đại úy Hiếu trải qua khoảng 14 vụ cứu người đuối nước.
“Thường là mò đáy sông, đáy hồ, đáy giếng”, anh Hiếu cho biết. Anh Hiếu được vinh danh vì đã cứu được 4 người khỏi đuối nước.
Đại úy Ngô Thái Hiếu cho biết việc luyện tập cứu hộ rất gian khổ |
Ảnh đậu tiến đạt |
Anh cho biết hàng ngày đều phải tập luyện nặng nhọc cho nhiều tình huống cứu nạn cứu hộ, từ trên cao, đến tai nạn giao thông, bơi lội. “Bản thân tôi thường đi đấu giải bơi địa phương, bộ công an tổ chức. Bơi 25 m nơi manơcanh nặng 45 kg. Luyện tập như vậy là phải có sức khỏe. Tôi cũng phải có kỹ năng làm sao nạn nhân thở được để không kéo người cứu xuống. Nếu để họ bơi ngửa được thì đưa vào bờ”, anh Hiếu chia sẻ.
Anh cũng cho biết sau khi cứu 4 người, khi vào bờ cảm giác của anh là không còn sức nữa. Tuy nhiên, anh nói: “Cứu nạn nhân đuối nước ở bãi biển chả suy nghĩ gì hết. Chỉ nghĩ là có khả năng thì cứu thôi”.
Điều đó cũng rất giống chia sẻ của các cá nhân được vinh danh còn lại. Anh Trung Văn Nam, người đối đầu "giặc lửa" cứu bé gái trong đám cháy, cho biết: “Trường hợp hoạn nạn như thế thì trong lòng của em là cứ làm sao thì cứ giúp thôi, hết khả năng của mình”.
Tương tự, anh Chu Quang Sao, người hùng cứu bé gái giữa dòng nước cuốn, cũng chia sẻ quãng đường di chuyển vừa đi vừa học, dọc đường thấy có việc gì, người thiếu may mắn hoặc nguy kịch như đứa bé ở sông, thì giúp trong khả năng mình.
Em Nguyễn Văn Dương cũng chỉ nhỏ nhẹ rằng thấy bạn đuối nước thì "con phải tiếp cận bạn đẩy bạn lên bờ ngay". Em đã cứu được 2 mạng người.
Em Nguyễn Văn Dương là cá nhân nhỏ tuổi nhất được vinh danh |
ảnh đậu tiến đạt |
Trong khi đó, câu chuyện của anh Lê Trường Hải lại dài hơn, khi anh Hải nhớ lại những ngày tháng dịch Covid đỉnh điểm tại TP.HCM. “Đỉnh điểm tháng 7 - 8 năm ngoái, nhiều chuyện xảy ra. Thì lúc đó mạng sống của mình xem như bình thường, tiền bạc không quan trọng nữa. Tôi không ở nhà, mà làm nào là vác bình oxy, chuyển lương thực, rồi cả chuyên chở xác nữa. Lúc nào cũng nguy hiểm. Nhưng mình tuổi trẻ thanh niên thì việc gì giúp được cho xã hội là làm”, anh Hải nói.
Trong suốt thời gian đó, anh Hải bỏ hết lương để mua lương thực cho người dân. Thiếu tiền mua bình xịt khuẩn, anh lại đi vay thêm để mua cho họ. Đằng đẵng bao tháng bao ngày, anh Hải mới được về nhà. “Trong lúc tham gia chống dịch chỉ thấy ba mẹ trên zalo thôi (khóc). Thấy ba mẹ khỏe là mừng. Sau 7 - 8 tháng về nhà, em thấy cha mẹ khỏe em thấy đó là điều hạnh phúc nhất", anh Hải nói.
NSND Trọng Trinh chia sẻ: “Các bạn ấy thấy việc đấy các bạn cần phải làm. Họ đều rất hồn nhiên và chân thật, nhưng họ làm được những hành động phi thường”.
NSND Trọng Trinh thấy các cá nhân được vinh danh đã làm được điều phi thường |
ảnh đậu tiến đạt |
Việc tử tế từ những điều nhỏ
Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ những câu chuyện mà 5 cá nhân được tôn vinh giúp tâm trạng chung của người nghe thực sự tích cực. “Trước hết là vui mừng, vì các bạn trẻ đã có đóng góp có lan tỏa”, ông Quốc nói.
Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ về những hạt đậu ươm mầm tử tế |
ảnh đậu tiến đạt |
Ông Quốc cho rằng, những câu chuyện tử tế đó không phải là tất cả những chuyện tử tế mà 5 cá nhân này đã làm. Họ là người thường xuyên làm việc tốt, và vì vậy khi thấy người gặp nạn, họ lại tiếp tục làm việc tốt.
“Chúng ta hiểu rằng chữ tử tế là điều gì rất tinh tế. Chắc chắn các bạn nói về những câu chuyện nhiều người đã biết rồi. Nhưng cũng có những câu chuyện mọi người không kể ở đây, câu chuyện diễn ra hàng ngày trong những mối quan hệ diễn ra bình thường, chỉ những người có hành xử ấy thì mới có những lựa chọn như vậy. Nó bắt đầu từ những hành xử rất nhỏ trong đời sống của chúng ta”, ông Quốc nói.
Ông Quốc cũng nói đến cách người xưa dạy con cháu làm điều tử tế. “Các cụ hay dạy con cháu có nắm hạt đỗ xanh, đỏ, đen. Nếu làm điều gì không tốt thì để hạt đen vào, tốt bỏ đỗ đỏ vào. Rất mong bắt đầu từ hành xử thế này, chắt lọc lại, con người không còn là của riêng mình nữa mà hành xử như tổng hòa các mối quan hệ. Tuy không phải mới mẻ, nhưng làm sao cho xã hội nhận thức được, từ những hành vi rất nhỏ, khi có cơ hội họ đều trở thành anh hùng”, ông Quốc nói.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng lễ vinh danh “Lan tỏa điều tử tế” - Đồng lòng tỏa sáng, rạng ngời Việt Nam là một việc rất có ý nghĩa của báo Thanh Niên và Công ty LG Việt Nam |
ảnh đậu tiến đạt |
Trong khi đó, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng lễ vinh danh “Lan tỏa điều tử tế” - Đồng lòng tỏa sáng, rạng ngời Việt Nam đã làm được việc vô cùng có ích, đó là tôn vinh các anh hùng làm việc tử tế. Điều này, nếu được làm thường xuyên, có thể trở thành một “mỹ tục” mới.
“Cái tốt vẫn còn trong xã hội chúng ta và bị chìm đi giữa bụi bặm. Có một thứ bụi bặm nguy hiểm là sự vô cảm, vô cảm trước nỗi đau của cộng đồng. Nếu ở đâu cũng có người tốt và cái tốt được lên ngôi thì cái ác bị đẩy lùi. Mong chương trình lan tỏa điều tốt kéo dài, còn người tốt còn làm. Cái tốt lên ngôi thì cái ác không còn chỗ”, ông Trần Đăng Khoa nói.
5 gương sáng được tôn vinh của chương trình “Lan tỏa điều tử tế”- Đồng lòng tỏa sáng, rạng ngời Việt Nam ngày 12.7
- Đại úy Thái Ngô Hiếu, cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Đồng Nai, đã cứu 4 người đang bị đuối nước, được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng thưởng Huân chương dũng cảm ngày 13.4.2022.
- Anh Chu Quang Sao (ở xã Phấn Mễ, H.Phú Lương, Thái Nguyên) - “người hùng” mới đây đã cứu bé gái bị mắc kẹt giữa dòng nước chảy xiết đưa vào bờ an toàn. Trước đó, anh cũng nhiều lần cứu giúp người khi gặp khó khăn hoạn nạn.
- Em Nguyễn Văn Dương (học sinh lớp 8D Trường THCS Minh Lạc, H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã không sợ hiểm nguy, xả thân cứu 2 người đuối nước. Em Dương cũng được T.Ư Đoàn trao tặng huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” và đặc biệt, em đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi thư khen và được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
- Anh Lê Trường Hải (bảo vệ dân phố khu phố 10, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM) đã tham gia trên 100 vụ bắt trộm, cướp cùng các anh em khác mang lại sự bình yên cho cộng đồng. Anh cũng quyên góp tiền giúp đỡ người nghèo, giúp người gặp hoạn nạn nhất là trong thời kỳ TPHCM ở giai đoạn đỉnh dịch Covid-19…
- Anh Trung Văn Nam (34 tuổi, quê tại thôn Ngư Thôn Đại Bản, xã Thăng Long, H.Nông Cống, Thanh Hóa; ngụ H.Thường Tín, Hà Nội) đối đầu với giặc lửa cứu sống bé gái mắc kẹt trong lửa. Anh đã được Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen vì có hành động dũng cảm cứu người.
Bình luận (0)