Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IREA) ước tính tới năm 2050 toàn thế giới có đến 78 triệu tấn pin mặt trời hết hạn sử dụng. Mỗi năm, toàn cầu sẽ thải ra khoảng 6 triệu tấn rác thải điện tử có nguồn gốc từ loại pin này. Con số này nghe có vẻ nhỏ, song vấn đề là các phương pháp tái chế rác thải điện tử hiện nay lại không giúp giải quyết hiệu quả rác từ pin mặt trời. Hiện việc xử lý, lấy lại những vật liệu giá trị tái sử dụng từ một tấm pin quang điện đòi hỏi những giải pháp tái chế chuyên biệt do pin điện mặt trời chứa các vật liệu độc như chì, khi phân rã trong tự nhiên sẽ gây ô nhiễm môi trường rất lớn, đe dọa sức khỏe con người.
Tái chế chưa được coi là phương án “hấp dẫn” về mặt kinh tế, nên các quốc gia phát triển vẫn chưa mặn mà giải pháp này. Tại các nước EU, các nhà sản xuất được yêu cầu phải đảm bảo những tấm pin mặt trời của họ tái chế đúng cách. Tại Nhật, Ấn Độ và Úc, các yêu cầu về tái chế pin mặt trời vẫn đang được bàn thảo, xây dựng cơ chế.
Còn tại Mỹ vẫn chưa có ràng buộc nào về tái chế pin mặt trời, hiện mới chỉ bang Washington có luật quy định việc này cách đây 3 năm (từ 1.7.2017). Theo các chuyên gia năng lượng, các nước cũng đang loay hoay trong xử lý pin bởi chi phí hiện tại là bỏ ra 10 đồng để xử lý nhưng thu về chỉ 1 đồng. Theo IREA, đơn vị tái chế khi tháo rời một tấm pin silicon tiêu chuẩn bao gồm 60 tế bào có thể thu được khoảng 3 USD từ lượng nhôm, đồng và thủy tinh phế liệu. Trong khi chi phí tái chế tấm pin đó ở Mỹ khoảng 12 - 15 USD (chưa kể phí vận chuyển), chi phí vứt một tấm pin mặt trời ra bãi rác thì tốn chưa tới 1 USD.
Theo TS Tô Vân Trường, việc xử lý các tấm quang điện hiện mới chỉ chủ yếu là thu hồi phần kim loại (nhôm), còn những phần khác hầu như chưa có công nghệ tái sử dụng hay xử lý như thế nào được coi là an toàn nhất. Đa phần ngay các nước trên thế giới khi xử lý đều là chôn lấp. “Thực tế thì việc tái chế PV chỉ mới là kết quả nghiên cứu, chưa được áp dụng thương mại, và các nước EU cũng mới chỉ quy định chung rằng các nhà sản xuất pin mặt trời bị ràng buộc bởi luật pháp phải đáp ứng các yêu cầu pháp lý cụ thể và các tiêu chuẩn tái chế để đảm bảo rằng các tấm pin mặt trời không trở thành gánh nặng cho môi trường”, TS Tô Vân Trường thông tin thêm.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, ông Trần Viết Ngãi, các nước chỉ mới tái chế được 50 - 60% tấm pin năng lượng sau sử dụng, còn lại là xử lý theo hướng rác thải. Cách rẻ nhất là chôn lấp rác thải, tùy nhà đầu tư và tùy quy định của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, hướng phát triển bền vững bắt buộc phải tiêu hủy rác thải đó bằng công nghệ.
Thậm chí phải có công nghệ có thể tái sử dụng các tấm pin này khi đã hết hạn sử dụng. Các nước phát triển như Úc bắt đầu phát triển ồ ạt các dự án điện mặt trời từ cách đây 20 năm, đến nay là thời hạn các dự án kết thúc. Việt Nam mới phát triển mạnh từ vài năm nay, chúng ta có thời gian hơn 15 năm để phải bằng mọi giá nghiên cứu được công nghệ xử lý hiệu quả mà không ảnh hưởng đến môi trường. Với Việt Nam, hướng sắp tới là phải nghiên cứu làm tái chế, tái chế các tấm pin này vẫn tốt cho môi trường hơn là hình thức chôn lấp. Các cơ quan chuyên ngành quản lý về môi trường, công thương phải xem xét nghiên cứu vấn đề này sớm, càng sớm càng tốt.
Bình luận (0)