Các trường tư kiến nghị khẩn tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về thời gian tựu trường

09/07/2020 16:40 GMT+7

Các lãnh đạo trường tư thục của Hà Nội đã gửi thư kiến nghị khẩn cấp tới các lãnh đạo Bộ GD-ĐT về quy định của Bộ GD-ĐT “các trường không được tổ chức dạy học trước ngày 1.9” năm học 2020 - 2021.

Hôm nay, 9.7, các chủ tịch hội đồng, hiệu trưởng trường tư thục của Hà Nội đã gửi thư kiến nghị khẩn cấp tới Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và Thứ trưởng Bộ này, ông Nguyễn Hữu Độ.
Mở đầu thư kiến nghị, các vị lãnh đạo trường tư thục của Hà Nội nhắc đến nội dung mà ông Nguyễn Hữu Độ phát biểu trong cuộc họp báo thường niên do Bộ GD-ĐT tổ chức gần đây, về việc Bộ GD-ĐT thống nhất trong cả nước về thời gian khai giảng năm học 2020 - 2021 là ngày 5.9; các cơ sở giáo dục không được tổ chức dạy học trước ngày khai giảng và sớm nhất là ngày 1.9. Và với các trường tư thục, Bộ sẽ xem xét sửa đổi Thông tư 13/2011 ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục cho phù hợp hơn.  
Từ nội dung trên, nội dung bức thư bày tỏ: “Mặc dù chưa biết Bộ sẽ sửa đổi như thế nào, nhưng với tinh thần “thống nhất thời gian khai giảng trên cả nước” và “các trường không được tổ chức dạy học trước ngày 1.9”, chúng tôi thực sự lo lắng, hoang mang”.
Theo các vị lãnh đạo các trường tư thục, trong khoản 3 điều 14 của Quy chế kèm theo Thông tư 13/2011/TT-BGDĐT, Bộ GD-ĐT quy định: “Trường phổ thông tư thục cấp THCS, THPT được bổ sung thời gian học tập không quá 4 tuần/năm ngoài quy định đối với trường phổ thông công lập cùng cấp học, nhưng không thu thêm học phí cho thời gian học bổ sung”.
Bức thư kiến nghị đặt vấn đề: Liệu với tinh thần mà Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu như trên, các trường tư tới đây có được bổ sung thời gian học tập không quá 4 tuần/năm để thực hiện các chương trình nhà trường hay không? Khi học sinh và phụ huynh có nhu cầu, các trường tư có được tổ chức các hoạt động hè, câu lạc bộ, ôn tập củng cố kiến thức cũ cho học sinh yếu… trong thời gian nghỉ hè, trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện và thỏa thuận, liệu có được không?

Không tạo điều kiện hơn thì cũng giữ như hiện nay

Trong bức thư, các vị lãnh đạo trường tư thục cho rằng, để có một hệ thống trường tư thục phát triển như bây giờ, nền giáo dục nước nhà đã trải qua 30 năm theo đường lối xã hội hóa giáo dục của Đảng. Và nhờ thực hiện đường lối này mà hệ thống trường tư đã đóng góp ngày càng quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của các tầng lớp nhân dân, giúp Nhà nước giảm gánh nặng ngân sách, giảm áp lực sĩ số trường công lập ở đô thị lớn.
Căn cứ vào những khó khăn mang tính đặc thù của trường tư, trong khi Đảng và nhà nước cần trường tư thực hiện nhiệm vụ chính trị nêu trên mà nhà nước đã cho phép trường tư hoạt động theo quy chế riêng do Bộ GD-ĐT ban hành.
Nhấn mạnh chính sách này quý giá và cần thiết, vì trường tư không như trường công, phải tự lo về tài chính, cơ sở vật chất, tuyển sinh,… tự bảo đảm sự tồn tại và phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục; chỉ cần nhà nước điều chỉnh chính sách “một ly”, các trường phải “chạy dài một dặm”, lãnh đạo các trường tư đặt vấn đề: nếu thời gian tới, Bộ GD-ĐT sửa đổi Thông tư 13 theo hướng quản lý nhà nước với trường tư như với trường công lập, thì những quy định của Thông tư thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước sẽ bị vô hiệu hóa; quyền của học sinh, cha mẹ học sinh trong việc sử dụng thời gian nghỉ hè cũng bị... xâm phạm, khi bố mẹ vẫn phải đi làm; không có người trông con; các cháu lại lao vào game hay các hoạt động không lành mạnh, hậu quả sẽ khôn lường.
Bức thư kết thúc bằng nội dung kiến nghị khẩn cấp: “Nếu không tạo điều kiện hơn nữa cho học sinh, phụ huynh, giáo viên và các nhà trường tư thục thêm thời gian tổ chức hoạt động hè bổ ích cho các em, thì đề nghị các đồng chí giữ nguyên quy chế tại khoản 3 điều 14 Quy chế ban hành Thông tư 13/2011/TT-BGDĐT”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.