Cách chăm sóc bàn chân cho con tốt nhất mà cha mẹ nên biết

Ngọc Quý
Ngọc Quý
15/10/2018 09:12 GMT+7

Cha mẹ không nên phớt lờ bất kỳ lời phàn nàn nào của trẻ về cảm giác khó chịu ở chân cũng như khó khăn khi đi lại, mang giày. Cha mẹ không nên bắt trẻ tập đi quá sớm.

Bàn chân giúp đảm bảo khả năng đi lại của con người nên sức khỏe bàn chân rất quan trọng. Ngay cả với bàn chân bé xíu của trẻ cũng đã có 28 xương, 107 dây chằng và 19 nhóm cơ cùng nhiều gân, khớp để đảm bảo hoạt động tốt, theo Health24.
Để trẻ có thể chạy, nhảy múa, bật cao thì đôi bàn chân không chỉ mạnh mẽ mà còn cực kỳ linh hoạt. Chính vì thế mà bàn chân có cấu trúc phức tạp và đặc biệt.
Một trong những cách giúp phát triển bàn chân tốt nhất là hãy để trẻ được chạy nhảy càng nhiều càng tốt.
“Trẻ em chỉ nên mang giày khi đến những nơi công cộng như trung tâm mua sắm, trường học hoặc khi cần thiết bảo vệ chân tránh bị thương”, bác sĩ chuyên khoa về chân Nelfrie Kem thuộc Hiệp hội chuyên khoa chân Nam Phi (PASA) cho hay.
Bằng cách đi bộ, chạy nhảy bằng chân trần trên cỏ, cát, leo trèo, trẻ có thể rèn luyện các cơ ở bàn chân và cả chân. Quá trình này sẽ giúp chân khỏe mạnh hơn khi trẻ trưởng thanh, bác sĩ Kem nói thêm.
Vì bàn chân của trẻ đang lớn nên việc mang một đôi giày không vừa với kích thước chân có thể gây ra các vấn đề sức khỏe chân khi các bé trưởng thành. Do đó, chọn một đôi giày vừa vặn là rất quan trọng.
Các nguyên tắc khi lựa chọn giày cho trẻ gồm:
Trẻ nên đo chân 3 tháng/lần. Nên có một khoảng cách nhỏ giữa đầu ngón cái với phần mũi bên trong giày.
Đế giày phải tương đối thẳng chứ không nên cong. Mũi giày nên được thiết kế mềm dẻo trong khi phần gót giày phải chắc chắn.
Da và vải làm giày nên chọn vật liệu tốt vì chúng bền hơn và thoát hơi tốt hơn giày làm từ nhựa hay chất liệu tổng hợp.
Ngoài vấn đề chọn giày, các chuyên gia lưu ý cha mẹ cần phải để ý đến những bất thường trong phát triển bàn chân của con. Nếu có bất kỳ vấn đề bất thường trong phát triển nào thì cần phải điều trị ngay để ngăn ngừa các biến chứng về sau, bác sĩ Kemp cảnh báo.
Các dấu hiệu đó có thể là trẻ thường xuyên đi khập khiễng, bước đi trên ngón chân, đầu gối khuỳnh hoặc chân cong, ông nói thêm.
Cha mẹ nên thường xuyên kiểm tra chân của con. Đừng tập cho trẻ tập đi quá sớm vì tuổi tập đi trung bình là từ 10 đến 18 tháng. Cỡ giày và vớ cần thích hợp, theo Health24.
Đặc biệt, cha mẹ không nên chủ quan mà phải phải xem xét cẩn thận bất kỳ vấn đề nào mà trẻ phàn nàn về chân. Đưa con đến khám bác sĩ nếu chân xuất hiện những bất thường, đau ở bàn cân, trẻ thường xuyên bị té hoặc gặp vấn đề về móng, da, các chuyên gia khuyến cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.