Cách nào để du lịch Việt Nam đuổi kịp Thái Lan?

06/06/2024 05:42 GMT+7

Chiều 5.6, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng, vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là các giải pháp phát triển ngành du lịch để có thể đuổi kịp và vượt Thái Lan trong thu hút khách quốc tế.

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) nêu năm 2024, VN đặt mục tiêu thu hút 18 triệu du khách quốc tế, doanh thu khoảng 20 tỉ USD, chiếm 5% GDP. Trong khi đó, Thái Lan đặt mục tiêu thu hút 40 triệu khách du lịch quốc tế, đạt 98 tỉ USD chiếm 12% GDP. Ông Hùng cũng dẫn số liệu đánh giá xếp loại của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho thấy có 2 yếu tố tác động rất lớn đến thu hút du khách quốc tế là tài nguyên văn hóa và tài nguyên tự nhiên thì VN xếp 24 và 25/119 nước và đều cao hơn Thái Lan. "Xin hỏi Bộ trưởng những vướng mắc hạn chế nào và giải pháp nào để VN đuổi kịp và vượt Thái Lan trong thu hút du khách quốc tế trong 5 năm tới", ĐB đoàn Cần Thơ nêu.

Cách nào để du lịch Việt Nam đuổi kịp Thái Lan?- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn chiều 5.6

Gia Hân

ĐB Vũ Thị Liên Hương (đoàn Quảng Ngãi) phản ánh hiện sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu, chưa có sản phẩm đa dạng, đặc sắc thu hút, giữ chân khách du lịch, ngược lại tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội. ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến của Bộ trưởng cũng như các giải pháp khắc phục. Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) đề nghị Bộ trưởng đánh giá hiệu quả của giải pháp miễn thị thực trong tăng trưởng du lịch quốc tế. "Theo Bộ trưởng chính sách miễn thị thực có nên tiếp tục mở rộng diện áp dụng hay không? Nếu áp dụng diện mở rộng thì sẽ hướng tới khu vực nào để đạt hiệu quả cao nhất?", ĐB Hà nêu.

Hồi đáp các ĐB, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết Thủ tướng đã yêu cầu làm sao nâng cao thứ hạng của VN về du lịch. Theo Bộ trưởng, phải giữ được các chỉ số có thứ hạng cao như sức cạnh tranh về giá, an toàn, an ninh, tài nguyên tự nhiên, văn hóa. Với các chỉ số còn thấp như hạ tầng du lịch, vệ sinh y tế…, ông cho biết đã có đề xuất Chính phủ để có sự phối hợp vì du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. "Chúng tôi cũng rất ủng hộ các địa phương cần phát triển hạ tầng du lịch, trong đó có hạ tầng lưu trú, hạ tầng du lịch. Phải có các doanh nghiệp lớn tham gia vào đầu tư và tạo ra các sản phẩm, người dân sẽ được hưởng lợi. Như Sun, Vin chẳng hạn họ có rất nhiều sản phẩm, đúng như slogan của họ: làm đẹp những vùng đất, và họ có những sản phẩm độc đáo lắm", Bộ trưởng nói và cho biết thêm: "Như Tây Ninh chẳng hạn, ở Bà Đen, cũng là một sản phẩm điển hình, tôi nghĩ là sẽ có nhiều hướng để phát triển những sản phẩm tốt hơn".

Về phát triển du lịch đêm, Bộ trưởng Hùng nói Thủ tướng ban hành quyết định phê duyệt đề án phát triển kinh tế ban đêm ở VN, trong đó giao Bộ VH-TT-DL thí điểm, ban hành một số sản phẩm du lịch đêm. Tới nay, Bộ đã lựa chọn 12 tỉnh, thành tập trung thực hiện một số sản phẩm du lịch đêm và bước đầu khá tích cực. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhận định đây là vấn đề mới, khó do đó cần có giải pháp căn cơ trong thời gian tới.

Về chính sách visa, theo Bộ trưởng, VN vừa qua đã sửa đổi các luật có liên quan, tạo điều kiện mở cửa, thúc đẩy phát triển du lịch. Ông cho hay Bộ đã đề xuất Chính phủ đánh giá tổng thể chính sách visa; đồng thời đề xuất các giải pháp ưu tiên theo hướng song phương, bạn miễn visa cho ta, ta miễn visa cho bạn. "Độ mở cũng phải xem xét, không thể "dục tốc bất đạt", mà phải đi theo cách của VN, thận trọng và chắc chắn", Bộ trưởng Hùng nêu.

300 TỈ ĐỒNG QUỸ HỖ TRỢ DU LỊCH GỬI NGÂN HÀNG LẤY LÃI

Một vấn đề cũng được nhiều ĐB chất vấn là khoản vốn 300 tỉ đồng được Quốc hội bố trí cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch nhưng tới nay đang phải gửi ngân hàng lấy lãi để chi cho các hoạt động của ban quản lý quỹ. "Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân chưa triển khai khoản kinh phí này. Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?", Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Trần Chí Cường chất vấn. ĐB Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) thì cho rằng việc gửi 300 tỉ đồng vốn điều lệ của quỹ vào ngân hàng để lấy lãi chi cho bộ máy là lãng phí và vô lý. Ông đề nghị Chính phủ nên tin tưởng giao cho ban quản lý quỹ sử dụng.

Trả lời ĐB, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay khoản 300 tỉ đồng cấp cho quỹ là vốn điều lệ. Và theo Quyết định 49 của Thủ tướng năm 2018 về điều lệ quỹ thì số tiền này không được phép chi cho hoạt động xúc tiến du lịch mà chỉ được gửi ngân hàng, lấy lãi chi cho hoạt động bộ máy, con người, tổ chức hoạt động của quỹ. Còn hoạt động xúc tiến du lịch, ông Hùng nêu rõ, quỹ được trích 5 - 10% từ khoản thu các hoạt động du lịch nhà nước và do Bộ Tài chính cân đối hằng năm.

Tuy vậy, Bộ trưởng Hùng thừa nhận bộ máy vận hành của quỹ chưa được ổn. Vừa rồi, Bộ đã thay cả chủ tịch, giám đốc quỹ nhưng tới đây vẫn phải thay tiếp vì chưa hoạt động được. "Báo cáo ĐB, đến thời điểm này chưa phát hiện ra tham ô tham nhũng gì, ĐB yên tâm", ông Hùng khẳng định.

Điều nhức nhối của ngành

Trả lời chất vấn về vụ việc các vận động viên có thành tích cao tố cáo huấn luyện viên bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết các vụ việc thời gian qua chỉ là những câu chuyện cá biệt, nhưng "là điều nhức nhối của ngành". Khẳng định khi phát hiện đã xử lý kiên quyết, Bộ trưởng VH-TT-DL cũng "chia sẻ thật" với Quốc hội là biết việc này hơi chậm. Ông cho biết sau vụ việc đã cho rà soát và nghiêm cấm việc lập quỹ dù có mục đích tốt đẹp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.