Cải cách thủ tục để dẹp 'cò' đất

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
03/10/2022 09:43 GMT+7

TP. Đà Nẵng đang nghiên cứu đề án kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng dịch vụ công Văn phòng đăng ký đất đai, cung cấp các dịch vụ mới, thỏa mãn nhu cầu người dân…

40% mất tiền cho “cò”

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó giám đốc Sở TN-MT TP.Đà Nẵng, TP.Đà Nẵng có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều biến động trong sử dụng đất… đòi hỏi cơ quan dịch vụ công đủ mạnh, nhất là để giải quyết thủ tục đăng ký đất đai. Sở TN-MT nhìn nhận, do đặc thù hồ sơ đất đai phức tạp, tài sản giá trị lớn nên nhiều người dân vẫn muốn đến giao dịch trực tiếp tại các văn phòng dẫn đến quá tải, hồ sơ quá hạn, dễ phát sinh “cò” và tiêu cực nhũng nhiễu, thậm chí có vụ đã khởi tố, xét xử.

Trong năm 2022, đã xảy ra tình trạng quá tải tại Văn phòng đăng ký đất đai H.Hòa Vang

N.T

Theo báo cáo phân tích đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2021 của TP.Đà Nẵng, doanh nghiệp (DN) thường phải trả chi phí không chính thức khi thực hiện thủ tục hành chính, trong đó lĩnh vực đất đai chiếm đến 21,1%. Tỷ lệ DN phản ánh về phiền hà tăng, riêng lĩnh vực đất đai chiếm 17%. Gần 64% DN khảo sát cho thấy thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn quy định; tỷ lệ DN bị hoãn, hủy kế hoạch kinh doanh do khó khăn về thủ tục đất đai gần 47%...

Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân với dịch vụ hành chính công, cụ thể là đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng cho thấy 76,6% muốn rút ngắn thời gian, nhất là với người ngoại tỉnh có nhu cầu giao dịch tại TP.Đà Nẵng. Có 53,1% muốn được hướng dẫn thủ tục cặn kẽ hơn, nhất là qua trực tuyến để rút ngắn thời gian đi lại, 43,8% mong các biểu mẫu đơn giản dễ hiểu hơn, 39,1% cần quy trình rõ ràng thuận tiện hơn, 32,8% muốn nâng cao chất lượng viên chức phục vụ.

Đáng chú ý, do thiếu kênh hướng dẫn nên 11,44% người dân chấp nhận mất chi phí để “người quen” làm giúp hồ sơ dù 42,2% trong số này sợ rủi ro khi đưa tiền trước. Sở TN-MT xác định đến hơn 40% tổ chức, cá nhân được khảo sát phải trả chi phí để giải quyết thủ tục hành chính. Do đó, “cò” ra đời để giải quyết và người dân cũng chấp nhận trả tiền “cò” để thủ tục nhanh hơn.

Minh bạch hóa dịch vụ

Sở TN-MT TP.Đà Nẵng đánh giá, sau 10 năm hoạt động theo mô hình mới, Văn phòng đăng ký đất đai 1 cấp đã cải tiến, giải quyết hiệu quả các vướng mắc, nhưng vẫn còn một số hạn chế. Bộ máy còn nặng tính hành chính, hiệu quả phối hợp giữa các chi nhánh chưa cao, chưa thể hiện được vị trí, vai trò của người sử dụng đất; cần tái cấu trúc theo mô hình DN, lấy nhu cầu khách hàng làm mục tiêu xây dựng bộ máy.

Chuyển từ phục vụ sang dịch vụ

Mô hình quản trị, đổi mới quản lý theo hướng chuyển từ phục vụ sang dịch vụ, kích thích nâng cao chất lượng bằng cách trả thêm thu nhập theo sản phẩm. Theo đề án, việc sắp xếp, kiện toàn các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện thành các văn phòng khu vực đảm bảo tinh gọn, giảm tối đa trung gian, cắt giảm tối đa nhân lực không đảm bảo, tăng cường CNTT hướng đến giải quyết thủ tục phi địa giới hành chính. Bên cạnh đảm bảo thủ tục hành chính thông thường, ra mắt dịch vụ chất lượng cao với giá tương ứng. Sau khi sáp nhập, sẽ thành các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai khu vực Hải Châu - Thanh Khê, Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ - Liên Chiểu, Hòa Vang - Hoàng Sa. Riêng H.Hòa Vang có diện tích lớn nhất, khoảng cách các xã xa, việc tình hình giao dịch đất đai tại đây ngày càng gia tăng và phức tạp nên cần giữ nguyên bộ máy và sáp nhập thêm H.Hoàng Sa vì tương đồng về đơn vị hành chính cấp huyện.

Qua khảo sát, nguyên nhân chất lượng giải quyết thủ tục đất đai còn kém là do cán bộ không hướng dẫn chi tiết đầy đủ, cứng nhắc, nên người dân phải đi lại nhiều lần. Bà Trần Thị Kim Hiền, Giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.Liên Chiểu, cho biết đơn vị đang quá tải, chỉ cần 1 cán bộ đau sẽ không có người thay thế thì khó nâng cao chất lượng công vụ. Tình trạng chung của các chi nhánh là khối lượng hồ sơ rất lớn. Viên chức, người lao động làm ngoài giờ nhưng chỉ nhận lương cơ bản, không có kinh phí chi thu nhập tăng thêm; không có vốn tái đầu tư, mua sắm trang thiết bị và cập nhật dữ liệu địa chính để phục vụ công tác cấp giấy chứng nhận…

Để đáp ứng nhu cầu này và dẹp nạn “cò”, cần có dịch vụ cấp hồ sơ nhanh do Nhà nước thực hiện, theo hướng dùng nhân lực hợp đồng (không biên chế) thay mặt người dân làm dịch vụ, thu phí tương ứng mức độ cung ứng và rút ngắn thời gian thủ tục so với quy định. Qua khảo sát về các dịch vụ chất lượng cao theo đề án mới (giải quyết thủ tục hành chính đất đai theo thời gian và địa điểm công dân yêu cầu, trả hồ sơ tại nhà, tư vấn pháp lý đất đai, nộp hồ sơ phi địa giới hành chính) được người dân hưởng ứng nhiệt liệt với tỷ lệ 92%. Người dân bày tỏ an tâm khi dùng dịch vụ này của Nhà nước.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT, kỳ vọng nếu đề án thành công, TP.Đà Nẵng là địa phương đầu tiên cả nước giải quyết thủ tục đăng ký đất đai không phụ thuộc địa giới hành chính, cùng các dịch vụ công theo nhu cầu, thời gian, địa điểm của công dân, tạo cạnh tranh và giúp minh bạch hóa dịch vụ, hạn chế tiêu cực từ “cò”. Dự kiến đề án ban hành cuối 2022, thí điểm năm 2023 và nhân rộng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.