Đội tìm kiếm cứu hộ cứu nạn đường thủy với mức giá 0 đồng của anh giúp nhiều gia đình nguôi ngoai hơn khi họ tìm lại được thi thể của người thân.
Biết tin trên Facebook, lên đường trong đêm
Anh Nhâm Quang Văn (40 tuổi, ở xã Tự Tân, H.Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) hiện là Giám đốc Trung tâm cứu hộ, cứu nạn 116. Cách đây 3 năm, anh thành lập Đội tìm kiếm cứu hộ cứu nạn đường thủy. Tất cả thiết bị dùng để trục vớt người bị nạn cũng như chi phí xăng dầu, ăn uống trong quá trình tìm người đều do anh lo liệu và trả lương cho nhân viên trung tâm như bình thường. Đội tìm kiếm của anh làm việc không giới hạn địa lý và thời gian, ở đâu cần là các anh có mặt, từ Nam Định, Hải Phòng đến Hà Nam, Quảng Ninh…
Gần 3 năm qua, anh Văn không nhớ đã vớt được bao nhiêu thi thể của nạn nhân bị đuối nước ở sông.
Bữa trưa vội vàng của các anh em trong đội trong một lần tìm kiếm thi thể nạn nhân |
NVCC |
“Tôi chưa từng gặp người nào tốt như vậy” - đó là lời của chị Nguyễn Thị Hiên (32 tuổi, ở xã Đại An, H.Thanh Ba, Phú Thọ) khi nói về đội của anh Văn. Tháng 4.2022, cháu chị Hiên bị đuối nước, chị đăng thông tin lên Facebook nhờ giúp đỡ. Ngay lập tức, anh Văn chủ động nhắn tin trao đổi, đề nghị giúp gia đình. Ngay trong đêm, anh cùng 2 đồng đội đi ca nô từ Thái Bình đến Phú Thọ.
“Cả đêm không ngủ và khi đến nơi, các anh không có một phút ngừng nghỉ, không ăn sáng, quên cả bữa trưa, cho đến cuối ngày đành phải dừng tìm kiếm, trở về Thái Bình vì công việc đã hẹn lịch trước”, chị Hiên xúc động nhớ lại.
Nếu gia đình của những nạn nhân quá khó khăn, anh Văn còn kêu gọi sự giúp đỡ từ những nhà hảo tâm. Chị Đoàn Thị Diệp (ở P.Trần Lãm, TP.Thái Bình) khóc nghẹn khi kể lại chuyện anh Văn và đội cứu hộ bỏ công sức 3 ngày đêm để vớt thi thể của con trai của chị là sinh viên năm nhất bị đuối nước. “Tôi không biết diễn đạt thế nào, không biết làm sao để có thể báo đáp tấm lòng của anh Văn và mọi thành viên trong đoàn. Từ việc tìm kiếm và chi phí, tất cả đều miễn phí”, chị Diệp kể.
“Sau khi biết hoàn cảnh gia đình tôi éo le, anh Văn đã kêu gọi các nhà hảo tâm được 130 triệu đồng cho gia đình. Tôi trả lại để anh em giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn nhưng anh không đồng ý. Công ơn của anh Văn tôi không biết lấy gì đền đáp. Cầu chúc các anh em trong đội thật nhiều sức khỏe để giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn”, chị Diệp chia sẻ.
Các thành viên trong đội nhận lời cảm ơn từ một người dân có người thân bị đuối nước |
Ra sức làm từ thiện
Tuy nhiên, cũng có trường hợp anh phải… bó tay. “Cái chết thương tâm của hai mẹ con bị lật đò trên sông Gâm (H.Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) xảy ra vào hồi tháng 3 vừa qua đã khiến tôi cảm thấy bất lực”, anh Văn kể. “Nhận được cuộc gọi cầu cứu từ gia đình nạn nhân nhưng… tôi không thể xuất quân bởi so với những con sóng lớn trên sông Gâm, chiếc ca nô của tôi không sao gánh chịu được”. Hiện anh đang cố gắng tìm người mua một số điện thoại đẹp của mình để có thêm kinh phí nâng cấp ca nô.
Anh Văn cho biết, chính chuyến đi thiện nguyện trong đợt lũ lịch sử ở miền Trung năm 2020 đã đánh dấu mốc cho sự ra đời của đội tìm kiếm này. Anh dẫn đầu đoàn vận chuyển gồm hơn 100 chiếc ca nô, bỏ ra hơn 1 tỉ đồng chi phí để đưa cano vào vùng lũ cứu bà con. Gần 1 tháng sống cảnh màn trời chiếu đất, anh Văn thấm thía hơn bao giờ hết về sự cho đi: “Giữa mênh mông biển nước, những bàn tay chới với kêu cứu và cảnh thiếu đồ ăn thức uống của người dân khiến tôi vô cùng xót xa”.
Ông Phạm Quang Tạo, Chủ tịch UBND xã Tự Tân, H.Vũ Thư, Thái Bình, cho biết: “Đây là hoạt động tự phát từ phía anh Văn cùng các anh em trong đội. Tôi hy vọng các anh em có sức khỏe, duy trì tâm huyết để giúp các gia đình có người bị nạn để họ sớm tìm được người thân. Việc làm của các anh em giúp người khác có cái nhìn tích cực, có niềm tin hơn vào cuộc sống”.
Bình luận (0)