Cán bộ xã một ngày làm việc tại hai trụ sở!

Bá Cường
Bá Cường
23/04/2022 07:34 GMT+7

Chưa có trụ sở chính thức sau thời gian sáp nhập xã, cán bộ công chức làm việc tại xã Trường Thủy (H.Lệ Thủy, Quảng Bình ) phải “chạy show” mỗi ngày, sáng làm việc một nơi, chiều lại di chuyển qua nơi khác.

  1. “Trụ sở ở đây nhưng cán bộ ở nơi khác”

Trong một lần đến làm việc tại UBND xã Trường Thủy (H.Lệ Thủy, Quảng Bình), PV Thanh Niên hỏi người dân đường đến trụ sở UBND xã thì được chỉ đến trước cổng trụ sở, nhưng lại hướng dẫn: “Trụ sở xã ở đây, nhưng cán bộ đang làm việc ở trụ sở khác”. Đến gặp ông Phạm Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy, đang làm việc tại một trụ sở cách đó gần 5 km mới hay, sau sáp nhập xã vẫn chưa có trụ sở chính thức nên các cán bộ phải di chuyển ra vào mỗi ngày, làm việc, tiếp dân tại hai trụ sở UBND xã cũ.

Trụ sở UBND xã Trường Thủy (cũ), nơi làm việc buổi chiều của các cán bộ xã Trường Thủy

Theo ông Tình, xã Trường Thủy được thành lập năm 1947, đến năm 1994 xã được tách thành hai xã mới là Trường Thủy và Văn Thủy. Xã Trường Thủy sau khi tách có diện tích hơn 20 km2, 1.900 nhân khẩu; xã Văn Thủy có diện tích hơn 15 km2 và khoảng 3.000 nhân khẩu. Tuy nhiên, đến đầu năm 2020 sau khi có quyết định sáp nhập các đơn vị hành chính có diện tích nhỏ, dân số ít lại với nhau, hai xã Trường Thủy và Văn Thủy sáp nhập và lấy tên chung là xã Trường Thủy.

“Trước đây xã Trường Thủy và Văn Thủy cách nhau gần 5 km, sau sáp nhập xã Trường Thủy (mới) được mở rộng diện tích, khoảng 35 km2 và hơn 1.500 hộ. Nhưng sau khi sáp nhập, để thuận tiện cho bà con, các cán bộ xã vẫn phải làm việc tại UBND xã Văn Thủy (cũ) vào buổi sáng và UBND xã Trường Thủy (cũ) vào buổi chiều”, ông Tình cho biết.

Khoảng thời gian đầu mới sáp nhập, lãnh đạo xã thống nhất đưa ra phương án sẽ làm việc tại trụ sở xã Văn Thủy (cũ) vào các ngày thứ hai, tư, sáu và trụ sở còn lại ngày thứ ba, năm. Tuy nhiên, sau thời gian làm việc gặp nhiều bất cập, xã lại chuyển phương án thay thế, sáng làm việc tại trụ sở Văn Thủy (cũ), chiều lại di chuyển ra trụ sở Trường Thủy (cũ).

Ông Tuận mỗi ngày phải xách ba lô chứa hơn 10 kg giấy tờ, sổ sách di chuyển giữa hai trụ sở để làm việc

BÁ CƯỜNG

Cán bộ khổ, dân cũng khổ

Ông Đỗ Văn Tuận (56 tuổi), hiện đang là cán bộ Phòng tư pháp của xã Trường Thủy, cho biết mỗi ngày ngoài việc di chuyển ra vào 2 trụ sở, ông còn phải mang theo ba lô hơn 10 kg đựng sổ sách, giấy tờ liên quan công việc. “Sáng nào tôi cũng xách ba lô giấy tờ từ trụ sở Trường Thủy đi hơn 5 km qua trụ sở xã Văn Thủy, hết giờ làm lại tiếp tục mang ba lô về lại Trường Thủy. Chỉ vì cố gắng phục vụ người dân nên mới khổ thế”, ông Tuận nói.

Theo ông Tuận, trước đây con đường từ hai trụ sở chưa được đổ bê tông, trời mưa di chuyển rất vất vả. Bản thân ông thường xuyên phải làm quá giờ nghỉ để có thể hoàn thành hết công việc của người dân trong buổi, trong ngày, không để du di qua buổi khác. Những trường hợp mất nhiều thời gian không giải quyết kịp đành phải hẹn gặp họ buổi khác tại trụ sở khác.

“Vì mới sáp nhập nên các loại giấy tờ pháp lý như chứng từ, đất đai… của hộ dân Văn Thủy (cũ) có khi nằm ở trụ sở Trường Thủy và ngược lại. Mỗi lần như thế cán bộ tư pháp, địa chính… cần phải mất nhiều thời gian tìm kiếm xem hiện các giấy tờ đó ở trụ sở nào rồi mới hẹn tôi qua ngày mai đến lấy. Những lúc cần gấp không có cũng rất bực bội, nhưng đặt vào tình cảnh này cũng rất thông cảm cho các cán bộ xã”, một người dân sống tại xã Trường Thủy nói.

Được biết, hiện nay nghị quyết về việc quy hoạch một khu đất rộng 10.000 m2 nằm tại khu vực giáp ranh giữa hai xã Văn Thủy và Trường Thủy (cũ) để xây một trụ sở mới đã được HĐND H.Lệ Thủy thông qua. Nhưng để đến lúc quy về một mối như vậy thì chưa biết bao giờ. Trước mắt để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình làm việc, lãnh đạo UBND xã Trường Thủy cho biết rất mong được cấp trên quan tâm, hỗ trợ về chi phí và thiết bị làm việc phù hợp và thuận lợi hơn hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.