Cần đưa nội dung đào tạo thái độ làm việc vào trường học

22/09/2019 14:32 GMT+7

Lâu nay chúng ta vẫn biết nhà tuyển dụng coi trọng thái độ hơn cả kiến thức. Nhưng có một câu hỏi còn để ngỏ: Đào tạo và chấm điểm thái độ thế nào?

Thái độ ở đây  là những phẩm chất và hành vi liên quan tinh thần và quan hệ trong công việc. Rất đơn giản, cụ thể chứ không có gì to tát cả, và có thể đo đếm đánh giá được.
 
Lồng vào từng môn học
Với người học bậc đại học, cao đẳng và trung cấp, mục tiêu đào tạo thái độ phải gắn với mục tiêu đào tạo nói chung. Sinh viên sau tốt nghiệp dù làm gì đi nữa thì cũng cần phải là người lao động đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng (kể cả khi học tiếp lên bậc cao hơn thì cũng nên hiểu đó là một loại hình lao động). Bên cạnh tri thức và kỹ năng, thái độ có vai trò trọng yếu, rất nhiều khi là quan trọng nhất trong mắt nhà tuyển dụng.
Như vậy mục tiêu của đào tạo thái độ cho sinh viên là rèn luyện thái độ, tác phong, ý thức cần có của một người làm việc trong các tổ chức/doanh nghiệp sau ra trường. Một phần của việc đào tạo thái độ có thể được lồng vào từng môn học (học phần) bằng cách thiết kế chương trình khung và quy chế đào tạo sao cho kết quả đánh giá mỗi môn học đều có điểm thái độ. Ví dụ cấu trúc chung của một trường trong đánh giá kết quả môn học có thể được phân bổ: 40% tri thức lý thuyết + 40% kỹ năng thực hành + 20% điểm thái độ. Việc đào tạo thái độ được phản ánh trong kết quả học tập. Tuy nhiên như vậy vẫn chưa đủ.

Chấm điểm như nào?

Việc gắn thái độ trong đào tạo chuyên môn chưa đảm bảo bao phủ hết các mục tiêu.
Ngoài việc gắn đào tạo thái độ trong các học phần, phải có mảng đào tạo độc lập thống nhất không phụ thuộc vào học phần hay ngành nghề. Gọi là đào tạo thái độ chung. Bộ phận công tác sinh viên các trường nên có chức năng này. Mục tiêu cụ thể có thể phân thành các nhóm cơ bản. Thứ nhất là xây dựng ý thức tuân thủ luật pháp, quy chế, quy định; có hành vi văn minh, tác phong công nghiệp. Thứ hai là phát triển ý thức trách nhiệm xã hội. Cuối cùng là hướng sinh viên đến việc nỗ lực phát triển năng lực bản thân, phát huy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học,....
Với mỗi nhóm mục tiêu, có cách chấm điểm riêng, trên cơ sở một kho điểm chung cho toàn bộ quá trình đào tạo. Ví dụ mỗi sinh viên có tối đa 1.200 điểm khi học chương trình đào tạo ĐH chính quy 120 tín chỉ. Chẳng hạn, với nhóm điểm ý thức tuân thủ pháp luật (giả sử 450 điểm, chương trình học 120 tín chỉ), mỗi sinh viên có quỹ điểm này khi nhập học, được phân bổ theo học kỳ/tín chỉ.  Quỹ điểm này sẽ bị trừ đi mỗi khi sinh viên vi phạm (có minh chứng). Ví dụ: vi phạm pháp luật ở các mức độ khác nhau, vi phạm quy định, quy chế, hoặc có các hành vi như gian lận, xả rác,.....
Với nhóm phát triển ý thức trách nhiệm xã hội (450 điểm), có thể làm ngược lại, ví dụ có thể thành quy định cứ mỗi giờ tham gia công tác xã hội tình nguyện sinh viên được cộng 10 điểm nếu được đánh giá tốt, 8 điểm nếu khá, đạt yêu cầu 5 điểm..). Nhiều trường quốc tế yêu cầu sinh viên tham gia công tác xã hội tối thiểu 10 giờ/năm học.
Với nhóm phát triển năng lực bản thân, sáng tạo, thành tích,....(300 điểm), có thể quy định những hành động, hành vi, thành tích nào thì sẽ được cộng bao nhiêu điểm cho mỗi lần. Ví dụ: được bằng khen của tỉnh/thành Đoàn thì được cộng 50 điểm, có kết quả nghiên cứu khoa học được ghi nhận thì cộng 50 điểm....
  
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.