Cân nhắc điều chỉnh thời gian làm thêm theo ngành nghề

Thu Hằng
Thu Hằng
18/09/2019 07:19 GMT+7

Sáng 17.9, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, Trưởng ban Soạn thảo bộ luật Lao động sửa đổi, đã có buổi lắng nghe góp ý của doanh nghiệp (DN) và công nhân tại Tổng công ty May 10 Hà Nội.

Tổng LĐLĐ VN đề xuất tăng thêm 3 ngày nghỉ lễ

Một trong những nội dung được cả chủ DN và người lao động quan tâm là tăng giờ làm thêm. Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, đề nghị tăng trần tối đa thỏa thuận làm thêm giờ trong năm từ 300 giờ/năm thêm 100 giờ lên 400 giờ/năm. Tăng trần tối đa thỏa thuận làm thêm giờ trong tháng từ 30 giờ/tháng lên 40 giờ/tháng hoặc bỏ quy định về trần số giờ làm thêm trong tháng. Trong đó, quy định cụ thể các trường hợp được thỏa thuận làm thêm giờ đến 400 giờ/năm gồm một số ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất như: gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da giày, linh kiện điện, điện tử, chế biến nông, lâm, thủy sản; các trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn.
Bà Trần Quý Dân, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty May 10, đại diện cho người lao động bày tỏ: “Trên thực tế, đa số người lao động cũng muốn có thêm thu nhập qua việc làm thêm hợp lý và việc làm thêm giờ có tổ chức với thời gian hợp lý”.
“Việc làm thêm giờ là cần thiết. Ban soạn thảo sẽ cân nhắc một số ngành nghề áp lực về thời gian làm thêm như: dệt may, thủy sản, linh kiện điện tử, nông nghiệp và trong một số điều kiện cụ thể như hỏa hoạn, thiên tai... cần có điều chỉnh. Trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ linh hoạt điều này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Trong khi đó, tại cuộc gặp gỡ với báo chí chiều 17.9, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN, cho hay giờ làm thêm của VN hiện ở mức trung bình của thế giới và xu hướng giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, nếu DN muốn tăng giờ làm thêm thì phải giảm giờ làm việc cho người lao động từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần.
Ông Ngọ Duy Hiểu cũng cho biết Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ đã thống nhất và sẽ kiến nghị đưa vào dự thảo bộ luật Lao động sửa đổi cho người lao động được nghỉ thêm 3 ngày nghỉ, nâng tổng số ngày nghỉ trong năm là 13 ngày. Cụ thể, Tổng LĐLĐ VN đưa ra 2 phương án. Phương án 1: nghỉ Quốc khánh 4 ngày từ 2 - 5.9. Phương án 2: nghỉ 1 ngày vào ngày Gia đình VN (28.6) và 2 ngày thêm vào ngày nghỉ Tết dương lịch. Trong 2 phương án, Tổng LĐLĐ VN nghiêng về phương án 1, ngoài mang lại lợi ích chung cho tất cả mọi người, còn giúp các gia đình trẻ có thời gian, điều kiện chuẩn bị cho con bước vào năm học mới, bố mẹ đưa con đến trường trong ngày khai giảng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.