Trong phần thảo luận với chủ đề "Sức khỏe và an sinh", đại biểu Đặng Lê Minh Khang, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, đại diện nhóm trình bày về nội dung sức khỏe tâm thần, đặc biệt nhấn mạnh đến thực trạng các nước ASEAN và Nhật Bản đang phải vật lộn với thách thức cấp bách về sức khỏe tâm thần của giới trẻ, nguyên nhân do nhận thức chưa đầy đủ về tình trạng này và sự kỳ thị lan rộng.
Theo đại biểu Khang, trong thời kỳ hội nhập, xã hội phát triển, người trẻ học tập, làm việc, sử dụng truyền thông đa phương tiện, dẫn đến việc xuất hiện lo âu, căng thẳng ngày càng nhiều, nảy sinh những vấn đề làm mọi người cảm thấy không thoải mái. "Tất cả những điều đó đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, chứ không chỉ về những bệnh tật nặng nề trên cơ thể", Khang nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu Khang, sự thiếu hiểu biết về vấn đề sức khỏe tâm thần đã phần nào cản trở việc can thiệp sớm cũng như xây dựng hệ thống hỗ trợ, từ đó có những tác động lớn đến thế hệ trẻ.
Đại biểu này lấy ví dụ một biểu hiện sa sút sức khỏe tâm thần thường gặp phổ biến của người trẻ là burn-out (kiệt sức). Đây là hiện tượng xuất phát từ căng thẳng tại nơi làm việc nhưng chưa được giải quyết triệt để. Trong một báo cáo do nhóm này tìm kiếm được, có 82% người lao động ở châu Á có nguy cơ về sức khỏe tâm thần ở mức cao đến trung bình...
Từ những vấn đề trên nhóm đưa ra giải pháp, để đối phó với tình trạng burn-out, ở cấp độ cá nhân mọi người có thể chú ý đến những dấu hiệu bất ổn của bản thân, tìm kiếm sự hỗ trợ và quản lý căng thẳng đang gặp phải, đồng thời chăm sóc bản thân thật tốt. Chính quyền địa phương có thể xây dựng hướng dẫn hoặc tiêu chuẩn phúc lợi tại nơi làm việc. Ngoài ra, có thể khởi động chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng trên khắp các nước ASEAN nhằm giảm bớt sự kỳ thị liên quan đến sức khỏe tâm thần và thúc đẩy văn hóa hạnh phúc.
Còn PGS-TS Nguyễn Duy Phong, Phó trưởng khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, nhận định: "Chúng ta đang sống trong thế giới phẳng, một vấn đề sức khỏe tại châu Mỹ, châu Âu thì vài tiếng đồng hồ sau cũng có thể xảy ra tại châu Á. Tôi nghĩ chúng ta nên có cách tiếp cận toàn cầu về các vấn đề sức khỏe. Nhìn nhận cụ thể, chi tiết, giải quyết phải tổng thể, bằng tư duy hệ thống".
Anh Fujisaki Takami, CEO Nexus Health Asia, nói rằng cứ nghĩ vấn đề sức khỏe tâm thần là chuyện xảy ra ở các nước phát triển, nhưng tại các nước đang phát triển cũng có vấn đề trên.
"Tôi nghĩ những người trẻ cần những chương trình giúp họ hiểu được các thói quen tốt để ổn định sức khỏe tâm thần", đại biểu đến từ Nhật Bản cho biết
Ngoài nội dung về "Sức khỏe và an sinh", nhiều chủ đề quan trọng khác cũng được các đại biểu thảo luận sôi nổi như: Giáo dục chất lượng; Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; Tăng trưởng kinh tế...
Bình luận (0)