Cần quy định rõ về hành vi bạo lực gia đình

01/06/2022 07:26 GMT+7

Dự thảo luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi quy định 18 hành vi bạo lực gia đình, song nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng vẫn cần nghiên cứu để nhận diện và quy định rõ hơn về các hành vi này.

Ngày 31.5, tiếp tục kỳ họp 3, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi và luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Thế nào là bạo lực tinh thần ?

Nêu ý kiến về dự thảo luật Phòng, chống bạo lực gia đình, đại biểu (ĐB) Trình Lam Sinh (An Giang) cho rằng, nếu chia hành vi bạo lực thành bạo lực thể xác và bạo lực tinh thần thì bạo lực thể xác có thể có dấu vết chứng minh được, nhưng bạo lực tinh thần gây ra khủng hoảng cho những người bị bạo hành rất lớn nhưng lại khó nhận diện, chứng minh được. Từ đó, ĐB Sinh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xem xét bổ sung thêm các hành vi bạo lực gia đình. “Tôi lướt qua dự thảo thì chắc chưa đủ đâu, còn nhiều lắm. Ví dụ hành vi bạo lực tinh thần. Hai vợ chồng không có con vì lý do nào đó, người chồng không ly hôn hay rời bỏ mà vẫn ở với vợ, nhưng tối ngày đi nhậu với bạn để giải buồn, để vợ ở nhà, đó có phải hành vi bạo lực tinh thần không?”, ĐB Sinh nêu và cho rằng đây là vấn đề cần nghiên cứu để bổ sung.

Đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) phát biểu thảo luận tại tổ ngày 31.5

Gia Hân

Cùng quan điểm, ĐB Phan Thị Mỹ Dung (Long An) phân tích có những hành vi bạo lực biểu hiện cụ thể, nhận thấy rõ, tuy nhiên có những hành vi gây ra khủng hoảng về tâm lý, tinh thần thì đó cũng là bạo lực gia đình. “Ví dụ khi về nhà chồng im lặng suốt không nói gì, hoặc là không chê vợ nhưng suốt ngày cứ khen hàng xóm chu đáo, xinh đẹp, giàu có hoặc là “giận cá chém thớt” tức là không hành động gì với người bị bạo hành cả nhưng cứ đánh chó, đánh mèo... lâu dài cũng làm cho thành viên bị tác động sẽ bị khủng hoảng về tâm lý”, ĐB Long An nêu.

ĐB Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) thì đề nghị bổ sung thêm hành vi “bạo lực gia đình trên không gian mạng” vì cho rằng việc bêu tên các thành viên trong gia đình lên mạng xã hội, tất cả mọi người đều biết, còn khủng khiếp hơn là bạo lực trong gia đình mà không ai biết. ĐB Bắc Ninh cũng băn khoăn, các quy định cấm tiếp xúc trong 6 giờ và phạm vi 50 m là thiếu cơ sở khi hiện nay các hành vi bạo lực gia đình có thể diễn ra “cách nửa vòng trái đất”.

Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cũng thừa nhận việc nhận diện các hình thức bạo lực thể xác, bạo lực kinh tế thì dễ nhưng bạo lực tinh thần thì không hề đơn giản. “Chúng ta nói nhiều về bạo lực tình dục, nhưng đây là vấn đề tế nhị, ít được đề cập đến, nên khó nói được hết những gì cần phải nói”, Bộ trưởng Hùng nêu và cho biết cách tiếp cận của cơ quan soạn thảo khi nhận diện các hành vi bạo lực là từ quyền con người được quy định trong Hiến pháp.

Ông Hùng cho biết từ cách tiếp cận này, Bộ trưởng VH-TT-DL với tư cách là cơ quan soạn thảo lựa chọn 18 hành vi được quy vào bạo lực gia đình. Tuy nhiên, ông Hùng đề nghị các ĐBQH góp thêm ý kiến nhằm khu trú các hành vi lại nếu không sẽ rất khó để làm.

Băn khoăn thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp tư

Nêu ý kiến thảo luận về luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đồng tình với việc mở rộng phạm vi thực hiện dân chủ tại cơ quan nhà nước bên cạnh xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, ĐB này bày tỏ băn khoăn về thực hiện dân chủ ở trong doanh nghiệp (DN). “Đối với trong cơ quan nhà nước, tôi đóng thuế, trả tiền nuôi ông thì tôi phải là “ông chủ”, ông phải báo cáo tôi. Nhưng trong khối DN lại khác. Vì tôi bỏ tiền thuê mà anh lại ngồi lên đầu giám sát tôi. Như thế là lộn ngược. Bỏ tiền ra nuôi mà tự nhiên có ông suốt ngày kè kè bắt báo cáo cả về tình hình sản xuất kinh doanh. Như vậy là bí mật kinh doanh lộ lọt hết. Như vậy sẽ tạo gánh nặng cho DN. Không khéo lợi dụng dân chủ ở cơ sở để tạo sức ép cho DN, tăng chi phí. Do đó thực hiện dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn là rất thiết thực, còn trong DN cần xem xét tính hợp lý”, ĐB Lâm nêu.

ĐB Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) thì cho rằng luật về thực hiện dân chủ cơ sở nhưng lại mở rộng phạm vi ra cả cơ quan, DN nhà nước và cả DN tư nhân thì đã vượt quá phạm vi “cơ sở” và trở thành thực hiện dân chủ toàn xã hội. Từ đó, ĐB Hồi đề nghị đổi tên luật thành luật Dân chủ để phù hợp với phạm vi điều chỉnh. Cũng đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ (Bắc Ninh) cho rằng tên luật dài lại dễ bị xuyên tạc, nên càng ngắn càng tốt. Ông Tỏ cũng cho rằng đối với thông tin phải công khai nên quy định loại trừ các thông tin là bí mật nhà nước và các thông tin không được công khai theo quy định pháp luật để tránh tình trạng lợi dụng. “Luật thực hiện dân chủ cả ở trong DN. Trong khi làm ăn kinh doanh là cạnh tranh mà cứ công khai hết thì chỉ có thua thôi”, ông Tỏ nêu.

Trong khi đó, ĐB Tống Văn Bằng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.Hải Phòng, cho rằng việc quy định thực hiện dân chủ trong DN cả nhà nước lẫn tư nhân là phù hợp. Theo ông Bằng, cơ sở ở đây phải hiểu là các “tế bào” triển khai thực hiện, do đó thực hiện dân chủ ở cơ sở không chỉ là ở xã, phường, thị trấn mà còn ở cơ quan nhà nước, DN. Bên cạnh đó, việc thực hiện dân chủ liên quan tới quyền con người, quyền lao động và cả vấn đề an ninh trật tự nên việc triển khai ở khu vực DN ngoài nhà nước là rất quan trọng.

ĐB Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) đề xuất luật cần phải có chương riêng liên quan đến triển khai thực hiện dân chủ cơ sở ở DN, nhất là các DN nhà nước, trong đó có nội dung cần công khai về chế độ chính sách của người lao động (NLĐ) để NLĐ tham gia ý kiến, góp ý kiến, bàn bạc. ĐB Trí cho rằng nhiều NLĐ thiệt thòi trong cơ chế, chính sách, chế độ. Nhiều DN nhà nước trong phân bổ tiền lương không công khai, không thực hiện chính sách, chế độ đối với NLĐ. Đến khi thanh tra mới phát hiện ra và thực hiện truy thu. “Luật cần quy định rõ NLĐ được quyền giám sát cái gì, giám sát thế nào cần quy định trong luật”, ông Trí nói và đề nghị luật cần quy định rõ, có cơ chế, tạo mọi điều kiện để MTTQ phát huy vai trò của mình, chủ động đề xuất để nhân dân thực hiện giám sát để tránh việc lạm quyền tại cơ sở.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.