Tăng cường bảo vệ người yếu thế khỏi bạo lực gia đình

31/05/2022 05:05 GMT+7

Rất nhiều bạn đọc ủng hộ việc bổ sung quy định: Chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình có thể bị yêu cầu lên trụ sở công an xã làm việc, bị cấm tiếp xúc trong 3 ngày mà nạn nhân không cần phải viết đơn.

Như Thanh Niên đã thông tin, chiều 27.5, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, trình bày tờ trình về dự án luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết dự thảo bổ sung quy định mới về “buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình” và quy định “yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình” (các điều 31, 32 dự thảo).

Cần chú ý hơn đến các đối tượng yếu thế trong gia đình như vợ, con cái, con gái, người già... để bảo vệ họ có hiệu quả

shutterstock

Theo Bộ trưởng Hùng, việc bổ sung quy định mới này nhằm khắc phục bất cập thời gian qua là người có hành vi bạo lực gia đình không chấp hành chấm dứt hành vi bạo lực khi có yêu cầu, mặt khác, việc yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã còn là biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình tiếp diễn, vừa bảo đảm tính răn đe, giáo dục người có người có hành vi bạo lực gia đình, bảo vệ người bị bạo lực gia đình.

Cụ thể, dự thảo luật quy định, công an cấp xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc để làm rõ thông tin và giải quyết vụ việc bạo lực gia đình. Trường hợp không đến thì công an cấp xã có trách nhiệm đưa người được yêu cầu về trụ sở.

Theo số liệu thống kê của Bộ VH-TT-DL tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh, thành, trong giai đoạn 2009 - 2021, tổng số vụ bạo lực gia đình các địa phương đã phát hiện trên cả nước là 324.641 vụ.

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục.

Cần bảo vệ người yếu thế nhiều hơn nữa

Nhiều bạn đọc (BĐ), cả nam lẫn nữ, đều ủng hộ việc bổ sung quy định trên, cho rằng điều đó thể hiện sự văn minh, bênh vực người yếu thế, góp phần ngăn chặn bạo lực gia đình. BĐ khainguyen….@gmail.com viết: “VN ngày càng tiến bộ trong việc bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em. Điều này thể hiện trình độ văn hóa của một đất nước, đó là sự tôn trọng nhân phẩm con người, xóa bỏ tư tưởng gia trưởng, trọng nam khinh nữ là di sản của chế độ phong kiến còn sót lại. Cho nên quý ông nào thích “vũ phu” với quý bà nên nhớ “cách xa bà vợ 50 m cả ngày lẫn đêm”! Cho chừa luôn...”.

Cùng quan điểm, BĐ Nguyen Van Dung nhận định: “Đọc con số thống kê - trong giai đoạn 2009 - 2021, tổng số vụ bạo lực gia đình đã phát hiện trên cả nước là 324.641 vụ - mà thấy đáng sợ! Tôi cho rằng đây là vấn đề rất nan giải. Cho nên, việc bổ sung các quy định như trên, tuy có hơi muộn nhưng rất cần thiết. Cần chú ý hơn đến các đối tượng yếu thế trong gia đình như: vợ, con cái, con gái, người già… để bảo vệ họ có hiệu quả”.

BĐ Nhuoc Nam bổ sung: “Mong quan tâm đến người tàn tật, con nuôi, cháu nuôi, những người sức khỏe yếu… trong gia đình. Họ cũng là đối tượng rất cần được bảo vệ khỏi bạo lực gia đình”.

Nếu chồng bị bạo lực gia đình thì sao?

Một số BĐ như hoang long, Phuoc Thanh Tran, Quê Hà Nội… thắc mắc: “Chồng đánh vợ thì lên công an xã. Còn vợ đánh chồng thì sao?”. BĐ Quangvinh19841985 hỏi: “Nếu vợ chửi, xúc phạm đến cha mẹ bên chồng, làm ảnh hưởng đến tinh thần, bị kích động tinh thần có được tính không vậy?”.

Đáp lại, BĐ TC cho biết: “Bạo hành gia đình là không kể nam hay nữ, hành hạ thể xác hoặc tinh thần. Hễ ai có hành vi mà người khác không chấp nhận được, là quá đáng thì gọi là bạo hành gia đình. Nên xem xét ở nhiều khía cạnh hơn nữa cho bình đẳng, bình quyền mà vẫn phù hợp với văn hóa VN. Nam hay nữ sai đều bị phạt như nhau”.

Trong khi đó, BĐ Quang Nguyên quan tâm đến việc thực thi luật, nêu câu hỏi: “Quan trọng là luật đưa ra rồi, nếu người bạo lực không thực thi thì sao? Ví dụ cấm tiếp xúc gần 50 m, lỡ như họ lại gần rồi, người bị bạo hành kêu ai?”.

* Nếu vợ giữ hết tiền, kiểm soát chi tiêu của chồng, cằn nhằn suốt ngày, cũng là bạo hành về tâm lý. Cũng nên lên phường, phải không?

Hoang Anh Nguyen

* Từ nay ông nào hay “động tay động chân” với vợ con phải coi chừng lên xã uống nước trà nhé. Đề nghị nên thêm vào điều này: Người có hành vi bạo lực gia đình phải bị đưa ra kiểm điểm ở tổ dân phố. Có vậy họ mới xấu hổ mà bỏ tính xấu.

Tứ

* Đã có nhiều trường hợp con riêng của chồng hoặc vợ bị bạo hành gia đình, có cháu tử vong. Mong luật quan tâm bảo vệ những đối tượng yếu thế này nữa.

Van Van

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.