Một từ phía người vi phạm trong quá trình lưu thông (anh V.T.A, 35 tuổi, ngụ Q.Ba Đình, Hà Nội, tạm trú Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) tung lên mạng xã hội “tố” công an đánh người. Một do chính thành viên Đội CSGT - trật tự Công an Q.Hải Châu quay, với góc nhìn ngược lại. Khi tiếp nhận thông tin từ 2 clip ngắn này, việc đầu tiên của PV Thanh Niên không chỉ xem kỹ, nghe kỹ và hình dung các tình huống… không xuất hiện trên màn hình, mà còn liên hệ với những người có trách nhiệm.
Khi PV kết nối đặt câu hỏi về hướng xử lý, thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP.Đà Nẵng, cũng chưa vội nêu quan điểm vì muốn nắm rõ sự việc. Vài phút sau, ông chủ động gọi điện thoại lại, khẳng định những trường hợp như anh V.T.A đang vi phạm (đi xe máy không đội mũ bảo hiểm) rất đáng phê bình.
Ông cũng không quên nhắc nhở về tư thế, tác phong của cán bộ chiến sĩ đã quán triệt trước đó, “nếu dùng phương pháp sai thì chỉnh đốn nghiêm minh”, ông nói. Điều thú vị trong vụ “va chạm” ấy nằm ở chi tiết cuối clip: có một người đàn ông lớn tuổi đi xe máy ngang qua đã tố ngược anh A. mới là người đánh công an. Mọi chuyện sau đó cũng đã rõ. Chính anh A. đã đến xin lỗi Công an Q.Hải Châu và viết trong bản tường trình: “Sự thật là các anh không đánh tôi”.
Tại Đà Nẵng, từng có vị lãnh đạo địa phương yêu cầu chỉ ưu tiên lập trạm kiểm soát giao thông ở vài cửa ngõ chính ra vào Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, lên QL14B. Ở đó, CSGT đứng trong vòng tròn để xử lý vi phạm, có camera ghi hình truyền về trung tâm. Tiếc là vì nhiều lý do mà “ý tưởng” kia không triển khai. Mới đây, Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo thông tư. Theo đó, thay vì “quan sát”, người dân còn được phép “giám sát” bằng các thiết bị ghi âm, ghi hình. Có thêm góc máy quay trực tiếp từ người dân, các tình huống xử lý sẽ càng minh bạch, những lời “tố” vô căn cứ không còn đất sống. Và ngược lại, thước phim quay chậm sẽ không cho hạt mầm tiêu cực nảy nở.
Bình luận