Cảnh báo vấn nạn bị quấy rối trên mạng xã hội

Thanh Nam
Thanh Nam
03/11/2022 12:00 GMT+7

Nhiều người trẻ sử dụng trang mạng xã hội LinkedIn phản ảnh việc bị người khác quấy rối...

Nói một cách dễ hiểu, LinkedIn tựa như Facebook hay bất kỳ mạng xã hội nào khác. Tuy nhiên, người trẻ sử dụng LinkedIn khi tìm việc, doanh nghiệp dùng LinkedIn khi có nhu cầu tuyển dụng. Với những "điểm cộng" như: dễ dàng tìm thấy ứng viên phù hợp, công việc phù hợp, mức lương mong muốn... nên LinkedIn ngày càng được ưa chuộng.

Những người trẻ muốn kiếm việc thường sử dụng LinkedIn và đăng tải sơ yếu lý lịch online trên trang mạng xã hội này. Nhưng cũng từ đây, nhiều người khi biết được những thông tin cá nhân của người khác, đã lợi dụng cơ hội để có những hành vi quấy rối.

LinkedIn được nhiều người trẻ và doanh nghiệp sử dụng

SHUTTERSTOCK

Nhan nhản những tin nhắn khiếm nhã, dung tục...

Trần Mỹ Ái, cựu sinh viên Trường ĐH quốc tế Sài Gòn, cho biết mới đây khi đăng tải CV lên LinkedIn với mong muốn tìm được việc làm thì nhanh chóng có người kết nối. Ngặt nỗi, Ái chỉ nhận lại những tin nhắn... xin làm quen, rủ đi ăn tối, rủ đi du lịch, thậm chí có cả những đề nghị khiếm nhã.

"Họ không những nhắn tin trên LinkedIn, mà còn quấy rối qua email, qua số điện thoại. Vì những thông tin cá nhân này tôi đăng tải tất cả trên CV", Ái nói.

Lê Thị Hoài Xuân (29 tuổi, phụ trách tuyển dụng của một công ty về du lịch trên đường Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM) cũng cho biết: "Tôi từng đăng bài tuyển dụng nhân sự cho công ty. Bài đăng thu hút nhiều người bình luận, nhắn tin. Nhưng tôi tá hỏa khi phần lớn bông đùa, trêu chọc, thậm chí tán tỉnh với những câu từ phản cảm, dung tục. Có người còn bình phẩm nhan sắc, ngoại hình của tôi một cách kệch cỡm...".

Những câu chuyện của Xuân hay Ái đang là hiện tượng khá phổ biến trên LinkedIn hiện nay. Nhiều người sử dụng LinkedIn không vì mục đích tìm kiếm việc làm, tuyển dụng ứng viên, mà chỉ để... quấy rối người khác. Và nạn nhân có thể là bất kỳ ai, từ lãnh đạo các doanh nghiệp, công ty cho đến những người trẻ tìm việc. Cả nữ lẫn nam đều có thể trở thành nạn nhân của vấn nạn quấy rối trên LinkedIn.

"Họ không những bình luận vô văn hóa. Họ còn nhắn tin riêng một cách dung tục. Họ không chỉ quấy rối bằng những câu chữ, mà họ thậm chí gởi những hình ảnh khiêu dâm, gợi dục", Nguyễn Hoài Nhân, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết.

Nhân kể, nhiều bạn bè của Nhân đã tìm được công việc ưng ý nhờ LinkedIn nên Nhân cũng sử dụng mạng xã hội này với mong mỏi tương tự. Tuy nhiên, với việc bị người khác quấy rối như thế, Nhân cảm thấy ngán ngẩm.

Một số người dùng bị quấy rối khi sử dụng LinkedIn

SHUTTERSTOCK

Bây giờ phải làm sao?

Lê Hữu Nhật Đăng (34 tuổi), trưởng phòng nhân sự một công ty lĩnh vực môi trường ở Q.7, TP.HCM, thừa nhận hiện tượng quấy rối trên LinkedIn đang xảy ra ngày càng có xu hướng nhiều hơn. Để có thể 'né' những người quấy rối, Đăng cho rằng: "Hãy chặn ngay và luôn khi một kẻ nào đó nhắn tin, bình luận những điều không liên quan công việc. Đồng thời, hãy báo cáo sai phạm của kẻ đó để bộ phận hỗ trợ người dùng của LinkedIn giúp đỡ, xử lý".

Tương tự, Huỳnh Thanh Vương (32 tuổi), làm việc ở Công ty TNHH Thế kỷ số, Q.Tân Bình, TP.HCM, nói: "Việc cần làm khi nhận được những bình luận, tin nhắn không đúng mực, khiếm nhã từ người khác đó là hãy lập tức đưa tài khoản LinkedIn của người đó vào danh sách đen để chặn. Và cũng đừng quên báo cáo tài khoản ấy vi phạm chính sách cộng đồng của LinkedIn".

Với những trường hợp người dùng báo cáo sai phạm của một tài khoản nào đó, LinkedIn cũng khuyên: "Có thể quản lý những tin nhắn nhận được và chặn người dùng nếu không muốn họ gửi tin nhắn cho bạn”.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều người trẻ, cách làm "chặn tài khoản" của một số người như hiện nay là động thái "không ăn thua". Điều mà người dùng LinkedIn mong muốn là mạng xã hội này có những biện pháp mạnh mẽ, căn cơ hơn nữa để loại bỏ những thành viên sử dụng LinkedIn không đúng mục đích.

"Thiết nghĩ, nếu một tài khoản nào đó bị nhiều người báo cáo sai phạm, LinkedIn có thể thẳng tay đình chỉ hoặc xóa luôn tài khoản đấy. LinkedIn cũng có thể sử dụng những công cụ để loại bỏ những câu chữ bậy bạ, dung tục, gợi dục mà một số kẻ biến thái, những người ưa trêu ghẹo, quấy phá người khác hay sử dụng. Từ đó sẽ ngăn chặn được những hành vi tiêu cực, góp phần trả lại sự trong sạch cho LinkedIn", Ái chia sẻ.

Xuân cũng hi vọng LinkedIn biết cách bảo vệ người dùng nhiều hơn trong thời gian tới. "Ví dụ như xem xét những báo cáo nhanh hơn, giải quyết những vấn đề mà người dùng khiếu nại một cách rốt ráo hơn, và nghiêm minh hơn khi xử lý những thành viên sai phạm", Xuân nói.

LinkedIn được thành lập vào năm 2002 tại Mountain View, bang California, Mỹ. LinkedIn chuyển đổi thành một trang mạng dịch vụ xã hội, người sử dụng chủ yếu là những thành viên chuyên nghiệp về hệ thống mạng vào tháng 5.2003.

Không chỉ dễ dàng trong khâu kết nối, LinkedIn còn có tính năng tự động thông báo các công việc phù hợp cho ứng viên, tăng cơ hội cho ứng viên tìm thấy các công việc mơ ước mà không phải theo dõi, tìm kiếm mỗi ngày.

Mạng xã hội LinkedIn cũng là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc tìm kiếm ứng viên phù hợp cho các doanh nghiệp. Khi có nhu cầu tìm kiếm ứng viên, nhà tuyển dụng có thể dễ dàng tìm và xem qua CV của từng người. Nhờ vậy, nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về ứng viên, dễ dàng sàng lọc, tìm được người phù hợp với vị trí họ đang cần tuyển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.