Cánh cửa nhìn ra bầu trời

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
21/01/2023 11:43 GMT+7

Với sự ra đời của Trung tâm khám phá khoa học và đổi mới sáng tạo ở TP.Quy Nhơn (Bình Định), tầng lớp bình dân có cơ hội nhìn ngắm vũ trụ bao la qua kính thiên văn hiện đại nhất Việt Nam hay được tham gia những trò chơi khoa học đầy thú vị...

Từ giữa năm 2022, khi Trung tâm khám phá khoa học và đổi mới sáng tạo (ExploraScience Quy Nhơn - do Sở KH-CN tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư, đặt tại Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), P.Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn) đi vào hoạt động, những câu chuyện về thiên văn, toán học, vật lý... không còn là diễn đàn dành riêng cho những nhà khoa học mà đã đến gần hơn với người dân. Đây được xem là trung tâm khoa học vũ trụ đầu tiên của Việt Nam và trung tâm thứ 2 của Đông Nam Á (sau Singapore) mà công chúng có thể tự do vui chơi, khám phá khoa học.

Khát vọng khám phá thiên hà

Không ít các nhà khoa học hàng đầu thế giới khi đến dự hội nghị ICISE đã ghé Trạm quan sát thiên văn phổ thông ở ExploraScience Quy Nhơn để nhìn ngắm bầu trời. Trạm quan sát này có kính thiên văn chính đường kính 600 mm (CDK600) và 6 kính thiên văn khác (đường kính 127 mm) đảm bảo khả năng vừa phục vụ tốt hoạt động phổ biến khoa học, vừa tham gia các hoạt động về nghiên cứu khoa học ở cấp độ đại học và dự án thiên văn cộng đồng.

Du khách tìm hiểu về trái đất và hệ mặt trời tại Trung tâm khám phá khoa học và đổi mới sáng tạo

HOÀNG TRỌNG

Theo TS Nguyễn Hữu Hà, Giám đốc ExploraScience Quy Nhơn, ở Việt Nam đang có 3 quan sát kính thiên văn lớn. Trong đó, 2 kính của Trung tâm vũ trụ Việt Nam được đặt tại Đài thiên văn Hòa Lạc (Hà Nội) và Đài thiên văn Nha Trang (Khánh Hòa), đều có đường kính 500 mm. Kính thiên văn chính tại ExploraScience Quy Nhơn không chỉ có đường kính lớn nhất mà còn thuộc thế hệ hiện đại nhất tại Việt Nam hiện nay.

“Các chuyên gia đến làm việc tại ExploraScience Quy Nhơn đã sử dụng kính thiên văn chính chụp được những bức về bề mặt sao hỏa, sao thổ, mặt trăng, thiên hà Xoáy nước (thiên hà có cấu trúc xoắn ốc cách trái đất khoảng 31 triệu năm ánh sáng), Tinh vân Chẻ ba (một đám mây bụi và khí cách trái đất hơn 7.000 năm ánh sáng), Tinh vân Đại bàng (đám bụi khí khổng lồ cách trái đất hơn 6.000 năm ánh sáng)... rất đẹp, được đánh giá có chất lượng tương đương với nhiều kính thiên văn hiện đại của thế giới”, TS Nguyễn Hữu Hà cho biết.

Đến nay, ExploraScience Quy Nhơn đã thành lập được CLB Thiên văn có 32 thành viên là bạn trẻ đam mê thiên văn học. Hằng năm, trung tâm này còn tổ chức Ngày hội thiên văn cộng đồng nhằm kết nối những người yêu thích thiên văn ở mọi lứa tuổi hay những người thích chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các chòm sao, thiên hà, tinh vân… qua kính ngắm.

Ngoài nhiệm vụ phổ biến kiến thức khoa học cho người dân, ExploraScience Quy Nhơn cũng tham gia các công trình nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực thiên văn học, trước mắt là các đề tài chung với Nhóm thiên văn quốc tế SAGI và Trung tâm vũ trụ Việt Nam. Trung tâm cũng lên kế hoạch tham gia mạng lưới thiên văn quốc tế để sử dụng kính thiên văn chung cho cả mạng lưới… “Một tương lai không xa, các nhà khoa học quốc tế sẽ sử dụng kính thiên văn của ExploraScience Quy Nhơn từ xa (qua mạng internet) để quan sát vũ trụ. Chúng tôi cũng sẽ mời các chuyên gia hàng đầu trong mạng lưới thiên văn quốc tế đến phối hợp với trung tâm tổ chức các hoạt động khoa học cũng như đào tạo, nâng cao trình độ cho nhân viên của trung tâm trong lĩnh vực thiên văn học”, TS Nguyễn Hữu Hà nói.

Trung tâm khám phá khoa học và đổi mới sáng tạo nhìn từ trên cao

ExploraScience QUY NHƠN

Tour du lịch khoa học và giáo dục

Điểm tham quan chính của ExploraScience Quy Nhơn là tòa nhà chính hình tròn của Khu khám phá khoa học (gồm Phòng chiếu hình vũ trụ và 7 phòng trưng bày) và Trạm quan sát thiên văn phổ thông nằm kế bên. Phòng chiếu hình vũ trụ với màn hình vòm bán cầu đường kính 12 m, khán phòng 80 chỗ ngồi cũng là một trong những điểm thu hút du khách. Phòng chiếu này sử dụng hệ thống máy chiếu video có độ phân giải cao 4K, hệ thống thiết bị hiện đại, công nghệ trình chiếu và mô phỏng các vấn đề liên quan đến thiên văn học, hiện tượng thiên nhiên thông qua các bộ phim được chiếu lên mái vòm mang đến cho khán giả những trải nghiệm chân thực.

Rời Phòng chiếu hình vũ trụ, du khách lại bị cuốn vào những hình ảnh độc đáo của Phòng hệ mặt trời với điểm thu hút chính là quả cầu mô phỏng hành tinh Omnigloble® cùng hơn ba mươi “câu chuyện” về trái đất và hệ mặt trời, lịch sử vũ trụ...

Tiếp đến là các phòng trưng bày khác như: Phòng khám phá vật chất, Phòng trái đất và tài nguyên thiên nhiên, Phòng khám phá không gian, Phòng triển lãm đa năng - khám phá sao hỏa, Phòng chơi mà học, Phòng các quy luật tự nhiên.

Tại đây, còn có một khu vực trình diễn các show khoa học vật lý hấp dẫn về tĩnh điện và điện cao áp, tạo ra âm thanh và những hiệu ứng bất ngờ. Những phòng trưng bày này phổ biến khoa học phổ thông để công chúng nhiều lứa tuổi tiếp cận, thực hành, trải nghiệm, tương tác với các mô hình khoa học, các thiết bị công nghệ tiên tiến, khám phá những kiến thức khoa học lý thú được diễn giải theo những cách đơn giản nhất với phương châm “chơi mà học, học bằng chơi” nhằm khơi gợi và khích lệ niềm đam mê khoa học.

Theo TS Nguyễn Hữu Hà, năm 2022 ExploraScience Quy Nhơn ước tính đón hơn 50.000 khách đến tham quan. Hiện trung tâm phối hợp với Sở Du lịch tỉnh Bình Định và các công ty lữ hành, Trường ĐH Quy Nhơn, ĐH Tây Nguyên, Trung tâm STEAM ZONE (TP.HCM), Trung tâm vũ trụ Việt Nam (Hà Nội)... triển khai các hoạt động du lịch giáo dục khoa học, tham quan trải nghiệm khoa học, các lớp học STEM để học sinh tự tìm hiểu và tạo ra những sản phẩm cho riêng mình.

Người gieo mầm bền bỉ cho khoa học Việt Nam

Người đầu tiên ấp ủ ý tưởng xây dựng một đài thiên văn phổ thông tại thung lũng Quy Hòa để mang khoa học đến với công chúng là GS Trần Thanh Vân. Năm 2014, Hội Gặp gỡ Việt Nam của GS Vân và ĐH Quốc gia TP.HCM trình bày ý tưởng quy hoạch Khu đô thị khoa học Quy Hòa cùng dự án Tổ hợp không gian khoa học (nay là Trung tâm khám phá khoa học và đổi mới sáng tạo) tại thung lũng Quy Hòa. Ý tưởng được lãnh đạo tỉnh Bình Định chấp thuận và sự ủng hộ của nhiều lãnh đạo Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương...

Sự có mặt của 2 trung tâm ICISE và ExploraScience Quy Nhơn tại thung lũng Quy Hòa được ví như “cánh cửa nhìn ra bầu trời” với dải thiên hà bao la và những chân trời khoa học đầy những điều mới lạ. Hai trung tâm này cùng khu công viên khoa học đang có các cơ sở của những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam như TMA, FPT hoạt động đã góp phần hình thành nên diện mạo Khu đô thị khoa học Quy Hòa rộng 242 ha mà tỉnh Bình Định đang từng bước triển khai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.