Ngấm đòn nặng nề nhất từ 3 đợt dịch Covid-19 liên tiếp, đợt dịch lần thứ 4 khiến các doanh nghiệp (DN) vận tải khách ở tất cả lĩnh vực từ đường bộ, đường sắt đến hàng không đều suy kiệt.
Đường sắt, hàng không đều “đói”
Dù chưa đến mức phải dừng toàn bộ đường bay nội địa như đầu tháng 4.2020, song thảm cảnh của ngành hàng không hiện nay nặng nề không kém đợt dịch thứ nhất. Bị cắt giảm chuyến tối đa, máy bay chủ yếu “đắp chiếu” nằm sân đỗ, nhiều thời điểm số máy bay qua đêm ở Nội Bài hơn 85 chiếc/đêm, trong khi năng lực khai thác đỗ qua đêm của sân bay này chỉ là 84 chiếc. Sân bay Nội Bài thậm chí đã phải đóng cửa đường lăn S1 để có thêm chỗ đỗ máy bay. Từng đón lượng khách cao nhất gần 80.000 lượt khách/ngày cao điểm đầu tháng 4.2021, nhưng hiện Nội Bài chỉ còn trung bình 6.000 - 7.000 lượt khách/ngày gồm cả quốc tế và nội địa.
Kiến nghị lên Bộ KH-ĐT, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không VN (VABA) đề xuất sớm áp dụng “hộ chiếu vắc xin” và đặc biệt là bơm vốn vay ưu đãi khẩn cấp để hỗ trợ thanh khoản cho các hãng. Trước đó, VNA đã được cho vay ưu đãi 4.000 tỉ đồng từ nguồn tái cấp vốn với mức lãi suất 0%. Theo ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch VABA, hiệp hội đề nghị Bộ KH-ĐT báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn 5.000 - 6.000 tỉ đồng, thời hạn 12 tháng và được gia hạn tự động 2 lần cho các hãng còn lại. VABA cũng đề nghị dành cho các hãng vay gói tín dụng khoảng 25.000 tỉ đồng ưu đãi giảm lãi suất 4%, thời hạn từ 3 - 5 năm để duy trì nguồn lực, có nguồn vốn phục hồi phát triển.
Tương tự hàng không, vận tải khách đường sắt cũng đang khủng hoảng khi phải bãi bỏ gần 400 đoàn tàu do dịch. Nhiều thời điểm ngành đường sắt chỉ còn duy trì 2 đôi tàu Bắc - Nam hoạt động, nhưng lượng khách cũng rất thấp. Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty đường sắt VN (VNR), năm 2020, VNR lỗ hơn 1.300 tỉ đồng, dự kiến năm 2021 lỗ thêm 942 tỉ đồng. Nếu dịch bệnh kéo dài qua năm 2022, nguy cơ DN mất hết vốn chủ sở hữu, không có đủ dòng tiền trả lương cho người lao động.
“VNR kiến nghị Chính phủ gói hỗ trợ khẩn cấp bao gồm cấp hạn mức tín dụng 800 tỉ đồng vay ưu đãi không tính lãi để bổ sung cho nguồn vốn lưu động và đề nghị có chính sách hỗ trợ cho 13.000 lao động đang bị mất và thiếu việc làm”, ông Minh cho biết.
PGS-TS Ngô Trí Long nhận định: “Khi phục hồi trở lại, hàng không có tác động rất lớn tới các ngành khác cũng như cả nền kinh tế. Trên thế giới, các nước đều có xu hướng dành các gói cứu trợ trực tiếp cho hàng không. Nhưng trong bối cảnh VN hiện nay, khi nguồn lực có hạn thì cứu như thế nào là bài toán không đơn giản”.
Theo chuyên gia này, nếu tiếp tục giảm phí, lệ phí cũng chỉ mang tính hỗ trợ, cái cần thiết nhất với các hãng hàng không đang âm vốn chính là dòng tiền để duy trì hoạt động. VNA là “con đẻ” của nhà nước nhưng cũng phải thông qua Quốc hội mới có nghị quyết về tái cấp vốn với lãi suất 0%. Với những hãng tư nhân như Vietjet hay Bamboo, nếu muốn cứu cũng cần cơ chế đặc thù. “Nguồn lực ngân sách không có nhiều, nếu hỗ trợ cũng chỉ có thể thông qua chính sách tái cấp vốn với lãi suất 0% hoặc lãi suất thấp, nhưng phải thông qua các ngân hàng thương mại. Các hãng hàng không đóng góp vào ngân sách rất lớn, nếu vực dậy để làm ăn có lãi thì sau này nguồn thu vào ngân sách sẽ bù đắp được khoản hỗ trợ lúc này. Bộ KH-ĐT cũng đã ra đề án để hỗ trợ, nhưng các giải pháp hỗ trợ phải thiết thực và có khả năng thực thi, chứ không chỉ nên hỗ trợ hình thức”, ông Long nhìn nhận.
Giảm phí chỉ như “muối bỏ bể”
Theo thông tư mới nhất từ Bộ Tài chính, từ 1.7, xe khách, xe buýt kinh doanh vận tải sẽ được giảm 30% phí bảo trì đường bộ cho đến hết năm 2021. Chính sách này có tác động hỗ trợ phần nào với các DN vận tải xe khách, nhưng vẫn như “muối bỏ bể” nếu so với khó khăn hiện nay.
Có gần 100 xe chở khách chuyên tuyến Hà Nội - Sa Pa, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Minh Thành Phát (nhà xe Sao Việt) cho biết từ đầu năm 2021 đến nay, mọi hoạt động của DN chỉ cầm chừng, hiện chỉ còn túc tắc 5 xe hoạt động mỗi ngày. Dù doanh thu gần như không còn, nhưng DN vẫn phải chi phí gần 1 tỉ đồng/tháng cho tiền lương để giữ chân người lao động, cũng như vô vàn chi phí khác từ lãi vay ngân hàng, tiền bến bãi, phí bảo trì đường bộ với cả những xe đang “đắp chiếu” không hoạt động.
Theo một nhà xe, các DN xe khách liên tỉnh đa phần quy mô nhỏ, đều là “con tin” của ngân hàng do phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay ngân hàng để mua xe hoạt động. Doanh thu hằng tháng ngoài chi trả cho các chi phí cố định còn phải trả lãi ngân hàng, vì thế khi bị “đóng băng” hoạt động, các khoản vay trở thành mối đe dọa trên đầu mỗi DN. Nếu không trả đúng hạn hoặc không được tái cơ cấu khoản vay, sẽ bị đưa vào nợ xấu, thậm chí tịch biên xe.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, cho hay lĩnh vực kinh doanh vận tải ô tô thuộc nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hiện xe khách chở tuyến cố định chỉ đạt khoảng 30% so với trước dịch, số xe nằm chờ tại bãi không hoạt động trên 50%. Xe taxi chỉ chạy khoảng 20 - 30%, số km của xe hoạt động chỉ từ 100 - 150 km (so với trước dịch bình quân trên 300 km/ngày), số xe “đắp chiếu” 70 - 80%. Xe buýt sản lượng và doanh thu ước chỉ đạt 45 - 50% so với trước dịch…
“Chính sách giảm 30% phí bảo trì đường bộ thể hiện sự quan tâm của Chính phủ và Bộ Tài chính, nhưng đó mới chỉ là giải pháp giảm bớt khó khăn. Nhà nước mới chia sẻ khó khăn phần nào với DN, chứ chưa tương xứng với mức sụt giảm tới 70% hoạt động của vận tải xe khách hiện nay. Lượng xe phải nằm bãi rất nhiều, số xe bị ngân hàng siết nợ, bán phát mãi tài sản cũng rất lớn, vận tải xe khách thực sự điêu đứng. Hiệp hội cũng kiến nghị các ngân hàng xem xét giảm thời gian trả nợ để DN có điều kiện xoay xở hoạt động trở lại. Với lao động mất việc, đề nghị có trợ cấp hoặc kéo dài thời gian đóng bảo hiểm xã hội với lao động nghỉ gián đoạn”, ông Quyền đề xuất.
Bình luận (0)