Cây vũ trụ của nền văn hóa Đông Sơn trên trống đồng

08/09/2024 07:30 GMT+7

Trước nay, các nhà nghiên cứu đều cho rằng mỹ thuật Đông Sơn bị trống vắng yếu tố thực vật. Thế nhưng với sự phát hiện hoa văn vòng tròn hay vòng tròn đồng tâm có chấm giữa là hoa cúc được cách điệu, đã cho thấy yếu tố thực vật chưa bao giờ vắng bóng trong trang trí ở trống đồng.

Theo các tài liệu Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới và Nguồn gốc và sự phát triển của kiến trúc biểu tượng và ngôn ngữ Đông Sơn: Cây là một trong những biểu tượng phổ biến và phong phú nhất của văn hóa loài người. Mỗi một tộc người trên trái đất đều có thể có một hay hơn một cây vũ trụ. Như cây sồi của người Hy Lạp, La Mã, Do Thái, Phần Lan; cây tùng của người da đỏ châu Mỹ; cây dâu tằm, cây đào, của người Thái, người Hoa; cây si của người Mường… Với đạo Thiên Chúa thì có cây chữ thập = Cây đời = Cây Chúa trời, với đạo Phật là cây bồ đề = Cây đời = Cây Phật tổ, đạo Hindu là cây vũ trụ, có rễ là thần Brahma, thân là thần Siva, cành là thần Visnu. Nhiều tộc người trên thế giới còn có quan niệm đồng nhất cây với người, như tục kết hôn với cây… Bởi cây là biểu tượng của sự sống, là biểu tượng của người mẹ mắn con, của sức sống và sự phồn thực… Đây là một hiện tượng mang tính phổ quát về tư duy vũ trụ quan của người cổ đại.

Cây vũ trụ của nền văn hóa Đông Sơn trên trống đồng- Ảnh 1.

Cây bằng đồng có chim đậu

ẢNH: ART OF THE BRONZE AGE IN SOUTHEAST ASIA

Ngoài ra, Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới còn cho biết: Cây vũ trụ được thể hiện có chim đậu trên cành thì ngoài ý nghĩa nguồn gốc vũ trụ của chúng, chim còn tượng trưng cho cả linh hồn tổ tiên. Còn theo các thần thoại Trung Á, Xibia và nhất là Indonesia, thì những con chim đậu trên cành cây vũ trụ là biểu trưng cho hồn người.

Một cây bằng đồng cũng có chim đậu của nền văn hóa Đông Sơn được phát hiện và công bố trong ấn phẩm Art of the bronze age in Southeast Asia, mặc dù thông tin về cây này rất ngắn: "Một nhành cây hiếm của mạch sống. Văn hóa Đông Sơn hoặc thời kỳ Giao Chỉ, Việt Nam. Niên đại 300 BC - 100 AD. Đồng thau, cao 10,8 cm". Cây được miêu tả: "Những nụ hoa sắp nở và một chú chim dường như đang bay ra từ đầu cành hoa này. Món đồ đồng tinh tế và độc đáo này thể hiện một cách hoàn hảo sự tinh tế của văn hóa vật chất Đông Sơn và sự làm chủ công nghệ trong quá trình đúc đồng".

Qua xem xét cây trong ảnh cho thấy, đúng là có một con chim đang đậu trên chiếc lá ở phần ngọn. Tiếc rằng cây đã bị gãy mất phần dưới và hai lá ở bên trái, thêm nữa là góc độ chụp cũng không phản ánh rõ hình chim cho lắm.

Vấn đề đặt ra ở đây là người Đông Sơn đúc cây này để sử dụng cho mục đích gì, cây này thuộc giống loại nào, có phải là cây vũ trụ không, hình chim thể hiện đậu trên cây có phải là biểu trưng cho hồn người như trong từ điển nêu trên không?

Với sự phát hiện hoa văn vòng tròn hay vòng tròn đồng tâm có chấm giữa là hoa cúc được cách điệu, thì đã cho thấy yếu tố thực vật chưa bao giờ vắng bóng trong trang trí ở trống đồng, đặc biệt là 28 cây hoa ở vành hoa văn thứ 5 ở mặt trống Thành Công. Tiếp đến là còn phát hiện loài hoa này được trang trí lồng vào mặt trời trên khá nhiều trống và cả trên chiếc rìu. Ngoài ra còn phải kể đến những thể hiện về diễn biến cúc hóa chim rất phong phú. Tất cả đã cho thấy "văn hóa về mặt trời và hoa cúc" đã phát triển rực rỡ ở nền văn hóa Đông Sơn. Vì vậy, việc phát hiện cái cây bằng đồng có chim đậu này mặc dù là hiếm hoi nhưng cũng không có gì ngạc nhiên.

Cây vũ trụ của nền văn hóa Đông Sơn trên trống đồng- Ảnh 2.

Mặt trời trên trống đồng Thanh Hóa

ẢNH: DONG SON DRUMS IN VIET NAM

Vấn đề tiếp theo ở đây là chim. Cũng theo Tự điển Biểu tượng văn hóa thế giới thì ngoài biểu trưng hồn người ra, chim còn đóng vai trò cho các mối liên lạc giữa trời và đất. Như vậy, những hình ảnh của chim được khắc họa vô cùng phổ biến trong văn hóa Đông Sơn rất có thể liên quan đến vấn đề này. Chả thế mà một loại hoa thiêng là biểu tượng của mặt trời như loài cúc lại được các nghệ nhân Đông Sơn sử dụng làm đối tượng hóa chim. Điều này đã nói lên chim rất được sùng thượng trong đời sống tinh thần của người Đông Sơn.

Trở lại với cây bằng đồng có chim đậu: Về kiểu dáng của cây cho thấy rất giống với những cây cùng những cánh hoa được trang trí xen kẽ giữa các tia mặt trời ở trống đồng Thanh Hóa, và đã được chứng minh cây và hoa đó là loài cúc. Về sự sùng thượng chim trong văn hóa Đông Sơn như đã phân tích ở trên, chỉ có thể được giải thích bởi chim là biểu trưng cho hồn người và cả linh hồn tổ tiên, là mối liên lạc giữa trời và đất.

Tóm lại, việc tìm thấy cây vũ trụ của nền hóa Đông Sơn đã chỉ ra, tư duy vũ trụ quan của người Đông Sơn cũng không nằm ngoài tính phổ quát tư duy vũ trụ quan của loài người. Vậy là cùng với những phát hiện như Mặt trời - Hoa cúc, cỗ xe mặt trời, bánh xe mặt trời, cúc hóa chim, cho thấy diện mạo của văn hóa Đông Sơn rất phong phú. 


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.