Như Thanh Niên đưa tin, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM vừa đề xuất một số giải pháp trong công tác chăm sóc cây xanh nhằm hạn chế các sự cố, đặc biệt sau vụ gãy nhánh cây dầu ở công viên Tao Đàn (P.Bến Thành, Q.1) khiến 2 người tử vong.
Phía công ty cho biết mặc dù đã thực hiện công tác duy tu chăm sóc cây xanh theo đúng quy trình kỹ thuật, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Để đảm bảo an toàn, công ty đề xuất bổ sung quy trình triển khai thuê xe nâng 35 - 40 m để thu gọn cành nhánh có dấu hiệu khiếm khuyết, nguy hiểm; dùng cáp neo cành nhánh có kích thước lớn vào thân cây; lập tổ đánh giá rủi ro cây xanh được đào tạo để kịp thời đề xuất phương án xử lý; sử dụng flycam hỗ trợ công tác kiểm tra, đánh giá cây xanh…
Trước đó, sáng 9.8, một nhánh cây dầu trong công viên Tao Đàn bất ngờ gãy đổ, đè trúng nhóm người lớn tuổi đang tập thể dục khiến 2 người tử vong tại chỗ, 3 người bị thương. Thời điểm xảy ra tai nạn, thời tiết bình thường, không có mưa gió. Qua quan sát ban đầu, nhánh gãy có khiếm khuyết bên trong không thể hiện bên ngoài, cành tươi và lá xanh bình thường.
Ai chẩn bệnh cho cây xanh ?
Nhắc đến tai nạn đáng tiếc liên quan đến sự cố cây xanh, nhiều bạn đọc (BĐ) cho rằng thật khó để trả lời câu hỏi "lỗi của ai?". BĐ NCT nêu ý kiến: "Thật sự trong trường hợp này nếu trời giông gió còn biết nhắc nhở nhau tránh nguy cơ cây đổ, cành gãy, đằng này bên ngoài cây vẫn còn tươi. Đi tập thể dục thì có gì sai, còn phải khuyến khích nữa ấy chứ. Chỉ có thể tạm thời khuyến cáo bà con mùa mưa bão nên hạn chế tụ tập dưới những cây cổ thụ lúc giông gió lớn. Còn lại, chỉ mong cơ quan quản lý tìm được cách hiệu quả hơn để giảm thiểu tối đa nguy cơ".
Đề cập đến việc sử dụng flycam hỗ trợ công tác kiểm tra, đánh giá cây xanh, BĐ Minh Nghĩa cho rằng: "Phải có thêm yếu tố chuyên môn trong giải pháp này. Cụ thể là ai sẽ đủ sức chẩn bệnh cho cây xanh từ những hình ảnh trực quan khi dùng flycam bay kiểm soát nguy cơ xảy ra rủi ro?".
BĐ Trường Lưu nhắc đến chi tiết công ty cây xanh đề xuất liên hệ cơ quan đào tạo tại Singapore để mở lớp đào tạo công tác đánh giá chuyên sâu cây xanh, nhưng đồng thời đặt câu hỏi: "Tại sao công tác tổ chức đội ngũ đủ chuyên môn để chẩn bệnh, đánh giá cây xanh chuyên sâu đến giờ mới được đặt ra?".
Tập thể dục tại công viên, người dân lo sợ ‘cây mục lúc nào không hay’
Đối xử đúng mực với cây xanh
"Thực tế, chúng ta vẫn thường xuyên bắt gặp hình ảnh công nhân cắt tỉa cây xanh trước mùa mưa bão. Cần ghi nhận nỗ lực của công ty cây xanh. Vấn đề là để bảo vệ tốt cây xanh đô thị, không chỉ dừng ở những thao tác thủ công thông thường như vậy, mà đã đến lúc phải có những giải pháp giàu tính khoa học hơn", BĐ Trang Mun góp ý.
BĐ Lê Phan nêu: "Hiện nay, tôi thấy nhiều nhà vườn bứng gốc, di chuyển, trồng lại những gốc đại thụ một cách dễ dàng. Không rõ họ dùng kỹ thuật gì. Nhưng việc bảo vệ, quy hoạch, di dời cây xanh cổ thụ hiện nay đã tiến bộ nhiều".
Đa số BĐ đánh giá cây xanh là phần không thể thiếu khi cân đo, đong đếm chất lượng sống của một đô thị. Vì vậy, cây xanh cũng cần phải được "đối xử đúng mực". BĐ Tuấn An nêu: "Cây xanh chớm bệnh phải được bảo vệ, nhưng cây xanh già yếu phải được thay thế. Đốn bỏ 1 phải trồng bù 10 cây xanh".
"Khi xảy ra sự cố mới đề xuất nhiều biện pháp giải quyết, đó là cách làm thụ động. Hy vọng cơ quan quản lý cây xanh thay đổi phương pháp để công việc hiệu quả hơn", BĐ Pin gửi gắm.
Đa số cây gãy nhánh do bị bê tông, nhựa đường che kín làm thối gốc rễ, ảnh hưởng các cành cây. Phát hiện cành cây mục rỗng rất khó khăn. Có một cách là dùng dây thép nhỏ, bọc nhựa ràng cột các cành vào thân cây để nếu cành gãy không rơi thẳng xuống đất.
Van Dong Nguyen
Trồng cây phát triển tốt đã khó, việc bảo dưỡng, chăm sóc càng đòi hỏi cao hơn, nhất là với những cây cổ thụ. Câu chuyện không chỉ của riêng TP.HCM.
Trịnh Cường
Đừng để xảy ra sự việc đáng tiếc rồi mới tăng cường kiểm tra.
Văn Thương Nguyễn
Bình luận (0)