Chấm dứt cấp phép khoáng sản kiểu xin - cho?

29/06/2024 05:59 GMT+7

Việc cấp phép khoáng sản kiểu xin - cho đang tiềm ẩn nguy cơ thất thoát hàng tỉ USD và nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần có những thay đổi căn bản trong quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

"MIẾNG MỠ NGON TRƯỚC MIỆNG MÈO"

Chiều 28.6, góp ý dự án luật Địa chất và khoáng sản, đại biểu (ĐB) Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) nêu báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện luật Khoáng sản 2010 hiện hành cho thấy việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản mang lại hiệu quả cao, tăng thu cho ngân sách nhà nước nhưng tỷ lệ cấp phép khai thác thông qua đấu giá rất thấp. Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh khi trả lời chất vấn đầu tháng 6 vừa qua giải thích tỷ lệ đấu giá khai thác khoáng sản thấp vì bộ thực hiện theo đúng Nghị định 158 năm 2016, trong đó quy định 7 trường hợp không đấu giá khoáng sản.

Theo ĐB Hậu, trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng khẳng định "sẽ thực hiện tối đa việc đấu giá khai thác khoáng sản". Tuy nhiên, dự thảo luật khi quy định về khu vực khoáng sản không đấu giá lại lấy lại 3/7 nội dung của Nghị định 158, với quy định rộng và khái quát hơn. Dự thảo luật cũng giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và quyết định thêm các trường hợp cụ thể không thực hiện đấu giá.

Chấm dứt cấp phép khoáng sản kiểu xin - cho?- Ảnh 1.

Đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh)

Gia Hân

"Tôi chưa biết Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ quy định và quyết định thế nào, nhưng nếu không có sự thay đổi căn bản các quy định tại Nghị định 158 thì Bộ TN-MT và các địa phương sẽ khó mà chuyển mạnh sang "đấu giá quyền khai thác khoáng sản" hoặc có hình thức thực hiện phù hợp nhằm đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản của quốc gia", ông Hậu nhấn mạnh.

Khẳng định khoáng sản là tài nguyên quý giá đòi hỏi phải được quản lý, khai thác tiết kiệm, hiệu quả, song ĐB Hậu cũng cho rằng "khoáng sản cũng là miếng mỡ ngon đặt trước miệng mèo" và "cần phải đậy kỹ, khóa chặt" để không bị thất thoát...

ĐẤU GIÁ HAY KHÔNG ĐẤU GIÁ ?

Đấu giá hay không đấu giá cũng là vấn đề nhiều ĐB nêu. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) dẫn thông tin của Báo Thanh Niên cho biết trong số 441 giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ TN-MT cấp, chỉ có 10 giấy phép được cấp thông qua đấu giá, tỷ lệ 2,2%. Còn ở địa phương, trong số 5.200 giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, chỉ 827 giấy phép được cấp thông qua đấu giá, tỷ lệ khoảng 16%. Tính trên phạm vi cả nước, tỷ lệ các mỏ khoáng sản được cấp phép thông qua đấu giá chỉ đạt 14,8%. "Như vậy, tỷ lệ cấp phép kiểu xin - cho là rất cao. Trong khi kết quả đấu giá khai thác khoáng sản cho thấy giá tăng từ 20 - 40%", ông Nghĩa nêu.

Theo ông Nghĩa, khoáng sản được đấu giá chủ yếu dựa vào giá trị thương mại và nguồn thu; còn khoáng sản không đấu giá có thể xuất phát từ chính sách về an ninh quốc phòng, chiến lược về tài nguyên. Do đó, ông đề nghị cần có tiêu chí rõ ràng để phân biệt khoáng sản nào được đấu giá, khoáng sản nào không. Nếu giao cho Chính phủ quy định chi tiết và quyết định các trường hợp cụ thể không thực hiện đấu giá, Chính phủ lại phải bàn với bộ, ngành, sẽ dẫn tới kéo dài, chậm trễ, không thuận lợi.

Chấm dứt cấp phép khoáng sản kiểu xin - cho?- Ảnh 2.

Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh giải trình tại QH

Gia Hân

Một vấn đề khác được ông Nghĩa nêu là xác định giá khởi điểm khi đấu giá khoáng sản. Theo đó, Nghị định 22 năm 2012 của Chính phủ quy định giá khởi điểm trong đấu giá khai thác khoáng sản không thấp hơn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Thế nhưng, Thông tư liên tịch số 54 năm 2014 của Bộ TN-MT và Bộ Tài chính lại hướng dẫn giá khởi điểm đấu giá quyền khai thác khoáng sản xác định bằng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Theo ông Nghĩa, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản còn thấp. Chỉ tính bauxite, nếu so sánh với giá khởi điểm đấu giá quyền khai thác bauxite của Trung Quốc, Ấn Độ thì trong 10 năm qua số tiền có thể thất thoát là khoảng 7,5 tỉ USD. Với trữ lượng bauxite của VN khoảng 31 tỉ tấn, nếu vẫn giữ nguyên giá khởi điểm bằng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, ngân sách có thể mất đi khoảng 20 tỉ USD.

Song, tại điều 106 dự thảo luật vẫn tiếp tục quy định giá khởi điểm đấu giá khai thác khoáng sản bằng mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Như vậy, tình trạng thất thoát rất lớn này vẫn chưa được khắc phục. "Vấn đề đấu giá gì, không đấu giá gì và đấu giá như thế nào, theo tôi tới đây cần phải được bổ sung, bổ túc rất nhiều, đặc biệt là lấy ý kiến của nhiều chuyên gia như phản ánh chính thức trên Báo Thanh Niên tôi vừa dẫn chứng", ông Nghĩa nêu.

Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh quan điểm chung là sử dụng hiệu quả nhất nguồn tài nguyên khoáng sản, đồng thời đảm bảo chiến lược khoáng sản, an ninh năng lượng quốc gia. Do đó, hiện một số loại khoáng sản như than, bauxite phải để cho tập đoàn nhà nước làm và Chính phủ quy định các trường hợp cụ thể. Tuy vậy, ông Khánh đồng tình cần rà soát lại Nghị định 158 theo nguyên tắc những khu vực liên quan tới chiến lược, an ninh thì Chính phủ sẽ quy định; còn lại sẽ tập trung để đấu giá, đảm bảo khai thác hiệu quả nhất và mang lại nguồn thu cao nhất cho nhà nước.

Hà Nội được phạt tiền gấp đôi với cơ sở vi phạm phòng cháy, chữa cháy

Sáng 28.6, với 462/470 ĐB có mặt tán thành, Quốc hội (QH) thông qua luật Thủ đô (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025. Một số quy định có hiệu lực thi hành muộn hơn, từ ngày 1.7.2025, như thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa, việc thử nghiệm có kiểm soát…

Đáng chú ý, Điều 33 của luật nêu HĐND thành phố được quy định mức tiền phạt cao hơn, nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó có vũ trường, karaoke...

Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ khai thác từ 2027

Sáng 28.6, với 95,47% ĐB tán thành, QH đã thông qua chủ trương đầu tư dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Dự án dài khoảng 128,8 km, chia thành 5 dự án thành phần, sơ bộ tổng mức đầu tư là 25.540 tỉ đồng, đầu tư theo hình thức PPP và đưa vào khai thác năm 2027.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.