Đọc đề không kỹ, diễn đạt không rõ ràng
Ở phần đọc hiểu (3 điểm), mặc dù văn bản không khó, câu hỏi cũng bám sát với cách hỏi của đề thi tham khảo, thế nhưng nhiều thí sinh (TS) làm bài không tốt, có nhiều lỗi sai ngớ ngẩn.
Chẳng hạn câu 1 (0,5 điểm), nhiều TS xác định phương thức biểu đạt sai do nhầm lẫn sang phong cách ngôn ngữ (chính luận) hoặc đọc đề không kỹ (đề chỉ yêu cầu trả lời 1 phương án) thì trả lời đến 2, 3 phương án. Đa số những bài điểm dưới 5 đều bị điểm 0 câu này.
Câu 3 (0,75 điểm) của phần đọc hiểu (chỉ ra những nét tương đồng về sự sống…) cũng ít TS đạt điểm trọn vẹn. Lỗi sai của câu này là diễn đạt không rõ ràng, hoặc quá sơ sài, hoặc quá dài dòng… không đáp ứng được yêu cầu đáp án.
Câu 4 (1 điểm) hầu hết TS đều thể hiện được quan điểm (đồng ý hoặc không) nhưng lý giải không rõ ràng, thiếu thuyết phục, hoặc lý giải sai, nên mất hơn nửa số điểm.
Thiếu kỹ năng trình bày
Câu viết đoạn văn ngắn (2 điểm), TS mất điểm ở kỹ năng trình bày. Nhiều bài làm quá ngắn, viết sơ sài hoặc viết dài nhưng không làm rõ được trọng tâm yêu cầu của đề là bàn về sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày nên thừa ý không cần thiết. Đa số mất điểm về chính tả, ngữ pháp (0,25 điểm) vì bị từ 3 lỗi trở lên, không có điểm sáng tạo (0,25 điểm). Thậm chí có TS bỏ luôn, không viết câu này.
Lỗi lớn nhiều nhất là ở câu nghị luận văn học (5 điểm, phân tích đoạn thơ trong bài Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm). Những bài điểm thấp rơi vào các lỗi sau: Thiếu nhiệt tình làm bài, bỏ trống hoặc chỉ viết mở bài, trích thơ và viết thành một đoạn cảm nhận ngắn; không có sự cảm thụ và kỹ năng phân tích thơ nên bố cục không hợp lý, không có phần đánh giá (0,5 điểm). Ngoài ra, TS còn để mất điểm phần sáng tạo vì không biết vận dụng kiến thức lý luận văn học, không so sánh với các tác phẩm khác, thiếu liên hệ thực tiễn, hành văn thiếu hình ảnh, cảm xúc. Có bài câu này chỉ 0,25 điểm/thang điểm 5.
Trước kỳ thi, nhiều TS “tiên đoán” vấn đề thời sự dịch bệnh Covid-19 sẽ có trong đề thi. Vì thế, dù đề thi không đề cập cụ thể vấn đề này nhưng bằng “liên hệ mở rộng” các TS vẫn đưa những vấn đề này vào bài làm ở câu nghị luận xã hội và văn học. Có TS liên hệ hợp lý nhưng cũng có nhiều bài làm liên hệ vấn đề này một cách gượng ép, khiên cưỡng.
Sẽ chấm kiểm tra tất cả bài thi bị điểm liệt
Chiều 17.8, trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận, cho biết đến thời điểm này tỉnh đã quét xong toàn bộ bài thi trắc nghiệm, hoàn thành việc sửa lỗi bài thi và đang gửi đĩa dữ liệu gốc của TS ra Bộ GD-ĐT. Với bài thi tự luận, đến nay tỉnh đã chấm xong khoảng 70% tổng số bài thi cả 2 vòng độc lập.
“Dự kiến khoảng 3 ngày nữa, tức 20.8 chúng tôi sẽ hoàn thành việc chấm thi. Tuy nhiên, việc công bố kết quả thi sẽ chờ đến 0 giờ ngày 27.8 theo đúng quy định của Bộ”, ông Thái cho hay.
Về điểm bài thi môn văn, theo ông Thái, sơ bộ có tới trên 90% số bài thi đạt từ trung bình trở lên và phổ điểm phổ biến trong khoảng 5 - 7. Hiện chưa có bài thi đạt điểm 10 nhưng xuất hiện bài thi đạt điểm 9.
Tuy nhiên theo ông Thái, tất cả bài thi có điểm từ 1 trở xuống (điểm liệt) và bài thi đạt điểm cao (8,5 - 9 điểm) sẽ tiến hành chấm kiểm tra. Việc chấm kiểm tra này là cần thiết để đảm bảo quyền lợi TS, đặc biệt tránh tình trạng rớt oan với những TS có bài bị điểm liệt…
Cũng trong chiều qua, ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng Khảo thí - Công nghệ thông tin (Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh), cho biết địa phương này đã hoàn tất việc quét bài thi trắc nghiệm và đang gửi dữ liệu gốc của TS ra Bộ. Các bài thi tự luận vẫn đang tiến hành, dự kiến sẽ hoàn tất trước ngày 27.8.
H.Ánh
|
Bình luận (0)