Chân dung “nữ tướng” giúp H.Gia Bình ở Bắc Ninh giảm đáng kể rác thải sinh hoạt
Từ việc tham mưu cho UBND H.Gia Bình ( Bắc Ninh ) kế hoạch xử lý rác thải sinh hoạt do nhà máy xử lý rác xã Cao Đức ngừng hoạt động, đến nay, sau 2 năm, bà Trần Thị Hoa, Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Bình đã giúp H.Gia Bình trở thành địa phương không rác thải sinh hoạt, được nhiều địa phương đến tham quan, học hỏi mô hình.
Tự động phát
Hơn 300 chị em phụ nữ của thôn Phú Dư, xã Quỳnh Phú, H.Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cùng nhau sinh hoạt, chào mừng Ngày 20.10.2022. Thực phẩm là một con heo 100kg được nuôi bằng chế phẩm xử lý rác thải sinh hoạt bằng IMO - Một giải pháp lên men vi sinh theo phương pháp Bản địa hoá.
Hơn 300 chị em phụ nữ thôn Phú Dư liên hoan chi hội phụ nữ xã |
ngọc vũ |
"Đến ngày hôm nay đã có 2 con lợn, 200kg, để hội viên phụ nữ tổ chức sinh hoạt liên hoan tổng kết năm. 300 con người đến nhà văn hóa thôn, để cùng nhau tổng kết, đánh giá lại các kết quả thực hiện được trong năm. Rất là vui khi có sản phẩm để ăn, có gạo sạch để dùng, lợn sạch, gà sạch rồi các sản phẩm rau sạch", bà Trần Thị Hoa, Chủ tịch Hội LHPN H.Gia Bình, Bắc Ninh cho biết.
Bà Trần Thị Hoa, Chủ tịch Hội LHPN H.Gia Bình, Bắc Ninh là người đi đầu trong phong trào sử dụng chế phẩm sinh học IMO để xử lý rác thải |
ngọc vũ |
Từ khi triển khai vận động các hộ gia đình hội viên phụ nữ áp dụng công nghệ vi sinh IMO vào xử lý rác thải, đến nay, đã có 100% hộ gia đình hội viên phụ nữ áp dụng và thực hiện có hiệu quả. Rác thải sinh hoạt sau khi xử lý được dùng làm thức ăn cho heo, gà, cá… và làm phân bón cho cây trồng.
"Hiện nay, 74/74 chi hội phụ nữ được hướng dẫn, tập huấn. Hiện nay, hội viên hội phụ nữ đã làm vi sinh IMO và phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình trên địa bàn toàn huyện.
Chế phẩm sinh học IMO được người dân ủ với rác thải sinh hoạt để làm thức ăn chăn nuôi |
ngọc vũ |
Vi sinh IMO mang lại hiệu quả làm môi trường sạch hơn, làm cho con người khỏe hơn và chúng tôi đã hướng dẫn cho hội viên phụ nữ làm phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất. Vi sinh IMO còn giúp để xử lý chuồng trại chăn nuôi, ao hồ, thủy sản và các cống rãnh", bà Hoa chia sẻ.
Hơn 30 năm công tác trong nhiều cương vị khác nhau, bà Trần Thị Hoa được chuyển sang đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh vào tháng 7.2019. Khi vừa tiếp nhận chức vụ mới, bà Hoa đã tham mưu cho UBND huyện Gia Bình xử lý rác thải sinh hoạt của người dân đang bị ứ đọng nghiêm trọng do nhà máy rác ngừng hoạt động. Chế phẩm sinh học IMO khi đó vẫn là một khái niệm xa lạ với người dân và cả các cấp quản lý. Bà Hoa đã mời chuyên gia về tập huấn, hướng dẫn cán bộ phụ nữ các cấp từ huyện đến thôn cách thực hiện giải pháp IMO để xử lý rác thải và chăm sóc cây trồng, vật nuôi và sức khỏe con người.
Bà Hoa thường xuyên tham gia các hoạt động tuyên truyền vận động các hội viên phụ nữ của huyện tham gia công tác bảo vệ môi trường |
ngọc vũ |
Sau khi tham mưu cho HĐND, UBND ra nghị quyết, thì chúng tôi tổ chức tập huấn cho toàn bộ chủ tịch, phó chủ tịch, ban chấp hành từ thôn trở lên, cho tất cả các đồng chí cán bộ phụ nữ các cấp. Hội LHPN các xã, thị trấn thì hướng dẫn các thôn, các thôn thì hướng dẫn các tổ. Đến nay, chương trình đã lan tỏa đến các hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện nắm được, làm được. Sau tập huấn thì các hội viên phụ nữ có thể tự làm được tại nhà", bà Hoa cho biết thêm.
Thấy được hiệu quả từ mô hình điểm, Hội LHPN H.Gia Bình tiếp tục triển khai vận động hội viên phụ nữ tại 14/14 xã, thị trấn làm vi sinh IMO để xử lý rác thải tại hộ gia đình. Tính từ năm 2019 đến nay, Hội phụ nữ huyện Gia Bình đã tổ chức được gần 100 buổi giảng. Gần 10.000 người đã tiếp cận được công nghệ vi sinh IMO xử lý rác thải trực tiếp từ chuyên gia. Hiện nay, H.Gia Bình là địa phương không rác thải sinh hoạt, được nhiều địa phương khác đến tham quan, học hỏi mô hình.
Bình luận (0)