Chàng trai có 'kho' sáng kiến

Lê Thanh
Lê Thanh
06/11/2020 07:10 GMT+7

Đó là thạc sĩ công nghệ sinh học Phạm Quang Thắng (27 tuổi), đang công tác tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao thuộc Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM.

Trong công việc của mình Thắng luôn có những sáng kiến, nghĩ ra các biện pháp kỹ thuật trồng, xử lý, đóng gói rau bầu đất tía và sâm đất ba cạnh. Những sáng kiến này đã được công nhận cấp thành phố và áp dụng từ năm 2018 đến nay.
Thay vì cách trồng thông thường chưa đem lại hiệu quả cao, Thắng đã nghĩ ra cách đem cây bầu đất tía được cắt đoạn trồng trên đất xám ở H.Củ Chi, TP.HCM, có bổ sung phân đạm, phân hữu cơ. Đất xám kết hợp với tro trấu, giúp cho sự phát triển của cây trồng, đồng thời cho năng suất và chất lượng cây cao nhất.
Tương tự, với cây sâm đất ba cạnh, Thắng đã nghĩ cách trồng lên đất xám với liều lượng phân “made in Thắng”, giúp người trồng có thể thu hoạch chỉ sau 24 ngày...
Ngoài ra, chàng trai này còn có sáng kiến “Phòng trừ bệnh đốm lá trên lan Dendrobium Sonia bằng nanochitosan”.
Thắng chia sẻ, sáng kiến này đã góp phần khắc phục những khuyết điểm của việc sử dụng thuốc hóa học gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe nhà nông, người tiêu dùng và có thể phòng trừ bệnh đốm lá trên lan. Bên cạnh đó tạo hướng mới nhằm tăng cao chất lượng nông sản sau thu hoạch.
Thắng cũng là người có những cải tiến đáng kể về quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn trong hồ tròn lót bạt HDPE. Sáng kiến đã được áp dụng ở Hợp tác xã Thuận Yến (ấp An Nghĩa, xã An Thới Đông, H.Cần Giờ, TP.HCM) đem lại hiệu quả cao cho người nông dân.
Và trong “kho” sáng kiến của mình, Thắng từng có những sáng kiến đem lại hiệu quả, được đánh giá cao như: “Quy trình sản xuất bột dưa lưới hòa tan”, “Quy trình sản xuất bột thanh long ruột đỏ hòa tan bằng phương pháp sấy thăng hoa ứng dụng trong chế biến thực phẩm”...
Ngoài sáng kiến trong chuyên môn, Thắng còn tích cực tham gia viết bài báo hội nghị trong và ngoài nước, đăng trên các tạp chí uy tín để chia sẻ cho mọi người trong và ngoài nước những thông tin khoa học bổ ích, đóng góp vào sự phát triển chung của nhân loại.
Thắng là chủ nhân của nhiều công trình khoa học, trong đó có 2 công trình nghiên cứu được đăng tạp chí có chỉ số Impact Factor Q1, Q2. Có thể kể như: “Hoạt tính chống ô xy hóa và chống tăng đường huyết của cây nhân trần tía” công bố tại Tạp chí Sinh học. 40 (2se) năm 2019. Hay “Tăng thời gian bảo quản chuối Nam Mỹ bằng màng bao chitosan - nanosio2” đăng tại Hội nghị An toàn thực phẩm an ninh lương thực lần 3 năm 2019. Một công trình nghiên cứu khác là “Ứng dụng bảo quản cam sau thu hoạch bằng chitosan kết hợp với poly-vinyl alcohol” đăng tại Hội nghị Công nghệ sinh học toàn quốc năm 2019... Thắng vừa được vinh danh trong giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi năm 2020.
Anh Nguyễn Hoàng Duy Lưu, Bí thư Đoàn Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, nhận xét: “Thắng rất tận tâm với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, thời gian, chất lượng yêu cầu công việc. Ngoài ra, còn tham gia tích cực trong phong trào thi đua lao động, sáng tạo tại đơn vị, cũng như tham gia tích cực công tác Đoàn và phong trào thanh niên tại địa phương, đơn vị”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.