Chàng trai robot mang đặc sản Việt Nam lên “sàn”

Thúy Hằng
Thúy Hằng
15/12/2019 08:50 GMT+7

Không chỉ là nông sản và những đặc sản Việt Nam được tuyển lựa, “sàn” của Tùng và những người bạn còn kể cho mọi người nghe nhiều câu chuyện thú vị từ nông nghiệp .

Phạm Ngọc Anh Tùng là cái tên không lạ với giới công nghệ Việt Nam. Anh từng được mệnh danh là chàng trai robot với nhiều sáng chế. Bẵng đi ít năm, bỗng thấy Tùng xuất hiện với một diện mạo khác lạ, nhà sáng lập Công ty khởi nghiệp Foodmap chuyên về đặc sản Việt Nam.
Mới đây, Foodmap được bầu chọn là startup về nông nghiệp công nghệ cao (Agritech) VN 2019 do Tổ chức Rice Bowl Startup Awards của Malaysia trao tặng. Hiện startup đang đại diện Việt Nam bầu chọn tại khu vực Đông Nam Á. Tháng 10.2019, Foodmap chiến thắng giải Most Impactful Innovation ở châu Á do Viện Hàn lâm kỹ thuật Hoàng gia Anh và Quỹ Newton trao tặng.
Mô hình của Foodmap là đưa đặc sản Việt Nam từ vườn tới thẳng bàn ăn, bớt trung gian, để người nông dân và người tiêu dùng đều có lợi nhất. Khác biệt lớn nhất của “sàn” thương mại điện tử nông sản này, chính là ở phần thông tin sản phẩm tới người dùng.
Tùng mở máy tính, chỉ trên giao diện của Foodmap những bài viết, video sống động về trái bơ, cà chua, hồng treo gió Đà Lạt hay viên đường thốt nốt vàng óng của An Giang. “Toàn bộ bài viết, hình ảnh, video đều do chính thành viên của Foodmap thực hiện. Chúng tôi thường xuyên có những chuyến bay từ TP.HCM ra Lý Sơn để làm xong nội dung cho chiến dịch về tỏi. Nếu mùa mận hậu tới, nhóm có mặt ở Mộc Châu (Sơn La) để cho người mua trải nghiệm chân thật nhất về quả chín”, Tùng chia sẻ.
Tùng là dân công nghệ, nhưng quan tâm tới vấn đề nông nghiệp. Gần 3 năm làm Giám đốc Nông trại Cầu Đất Farm - Đà Lạt cho anh nhiều cảm hứng muốn dấn thân trong lĩnh vực này nhiều hơn nữa. Không phải là công ty tập trung sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp nhưng startup sử dụng công nghệ với mục tiêu nâng giá trị nông sản Việt.
Toàn bộ nhân sự vận hành Foodmap lúc đầu chỉ có 5 người, sau đó tăng lên 10. Do đó, để cân đối đủ người để làm tất cả phần nội dung cho hàng trăm sản phẩm khắp các vùng miền Việt Nam, Tùng đã huy động đội ngũ cộng tác viên. “Phải biết viết, chụp ảnh và quay clip, nhưng hơn hết, cần cả sự am hiểu về đặc sản. Những bạn trẻ sinh ra và lớn lên ở chính vùng đất ấy với tình yêu dành cho quê hương sẽ là người viết về món ngon quê mình một cách thuyết phục nhất”, Tùng nói.
Tùng sinh ra ở Huế, anh có nhiều sáng chế robot và các hệ thống tự động hóa trong mảng nông nghiệp. Anh từng là sinh viên lớp kỹ sư tài năng, Khoa Điện - điện tử, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Tuy nhiên khi đang là sinh viên năm thứ 3, anh tạm gác việc học để đi làm. Đến 14 quốc gia châu Á, châu Âu trong những chuyến học tập, công tác ngắn hạn; từng làm việc tại những tập đoàn lớn ở Việt Nam, nhưng sau tất cả, Tùng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Một con đường chông gai hơn, thử thách nhiều hơn.
“Tôi chọn con đường khiến mình thấy vui hơn, tự do hơn và tạo ra tác động tích cực lớn hơn cho xã hội. Foodmap đang đi từng bước vững chắc, vừa giải quyết các vấn đề ngắn hạn nhưng vẫn giữ được tinh thần và mục tiêu dài hạn của đội ngũ sáng lập đã đề ra”, Tùng bộc bạch.
Tùng cũng nói về lý do khởi nghiệp của mình chưa dám nhận nhiều đầu tư từ bên ngoài: “Foodmap phải sống được trước khi nhờ sự hỗ trợ của người khác. Công ty phải xây dựng được sức đề kháng riêng và không phụ thuộc vào bất kỳ ai. Khi là tiền của mình, mình sẽ cẩn trọng, biết cách chi tiêu trước khi nhận tiền từ người khác!”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.