Ngày 20.10 vừa qua là một dấu mốc đặc biệt với Nguyễn Sĩ Triều Châu (34 tuổi), là người Việt Nam (kể cả người gốc Việt) đầu tiên đạt PMI Professional Award - giải thưởng chuyên nghiệp dành cho cá nhân xuất sắc của Viện Quản lý dự án (PMI - hiệp hội hàng đầu thế giới của các nhà quản lý dự án chuyên nghiệp, trụ sở tại Mỹ).
Hành trình nào để chàng trai từng là cựu học sinh chuyên lý, Trường phổ thông Năng khiếu TP.HCM, có những thành tích đáng nể như vậy?
Đưa Việt Nam lên bản đồ quản lý dự án thế giới
Khi tốt nghiệp ngành cơ khí, Châu đứng trước 2 lựa chọn là ở lại trường, học tập và nghiên cứu rồi trở thành giảng viên hoặc đi làm để dấn thân nhiều hơn. Anh quyết định chọn chương trình quản trị viên tập sự của một tập đoàn đa quốc gia. Châu say mê được trải nghiệm công việc với các tập đoàn đa quốc gia và tham gia vào các dự án.
Châu đạt hạng mục giải thưởng PMI Young Professional của giải thưởng chuyên nghiệp PMI. Đây là sự công nhận và vinh danh của PMI dành cho những chuyên gia trẻ và tài năng, những cá nhân có đóng góp quan trọng trong việc cải tiến quản lý dự án trong một tổ chức, nâng cao kiến thức và hiểu biết sâu rộng trong việc thực hành quản lý dự án, đồng thời chứng tỏ sự hiểu biết về các tiêu chuẩn, thông lệ và các nguyên tắc đạo đức của PMI.
|
Châu thú thực những khóa đào tạo đầu tiên cách đây 5 - 6 năm, anh có đôi chút hồi hộp khi giảng dạy cho nhiều nhân sự lớn tuổi ở các công ty lớn. Nhưng vì quản lý dự án là đam mê lớn nhất, Châu không ngừng học hỏi từ các thực hành tốt nhất trên thế giới, từ thực tế công việc, từ các dự án huấn luyện cho những tập đoàn lớn, mọi thứ dần hoàn thiện.
Có một kỷ niệm Châu khó quên khi đi tư vấn quản lý tiến độ cho một dự án ở Singapore và Philippines, hồi năm 2014 - 2015: “Khi đó tôi 28 tuổi. Đây là một dự án có tổng ngân sách hơn 100 triệu USD và kết quả của 6 tháng tư vấn là ra được bảng tiến độ dự án với hơn 3.000 hoạt động. Lần đầu ghé văn phòng của khách hàng ở Singapore và làm việc với đội ngũ nhân viên nhóm dự án thì có cảm giác một nhân viên lớn tuổi không xem trọng nhà tư vấn trẻ tuổi tới từ Việt Nam. Nhưng cuối cùng, kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn đã giúp tôi thuyết phục được đội ngũ lãnh đạo và nhóm dự án. Từ đó, tôi thêm tự tin là chính mình và tự hào về cội nguồn Việt Nam”.
Năm 2015, Châu là 1 trong 7 gương mặt quản lý dự án toàn cầu trong Báo cáo thường niên PMI. Còn năm 2016, anh là người châu Á duy nhất trong tổng số 35 lãnh đạo quản lý dự án toàn cầu đã tham gia lớp các nhà lãnh đạo quản lý dự án (LIMC), được nhận bằng chứng nhận trong hội nghị các nhà lãnh đạo lớn nhất thế giới ở San Diego, Mỹ. “Tôi rất tự hào khi là người Việt Nam đầu tiên có vinh dự này và rất vui vì góp phần nhỏ bé mang tên Việt Nam lên bản đồ quản lý dự án thế giới”, Châu bộc bạch.
Khởi nghiệp, thất bại và lại bắt đầu
Năm 2012, Châu đạp xe xuyên Việt từ TP.HCM tới Hà Nội, hành trình chưa tới 12 ngày để thử thách bản thân, từ đó củng cố quyết tâm thực hiện thật tốt những dự định khác. Năm 2015, đứa con tinh thần - Viện Quản lý dự án Atoha của Châu ra đời nhưng chỉ hoạt động được 1 năm thì đóng cửa do lựa chọn sai mô hình và lĩnh vực tập trung. Sau đó, nhờ chuyển hướng tập trung sang mảng đào tạo, tư vấn cho doanh nghiệp và thời gian ngắn sau, anh có nhiều khách hàng lớn là tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng trên thế giới.
Khởi nghiệp với một viện quản lý dự án, Châu tự hào nhất về đội ngũ những người trẻ, giỏi đang làm việc cùng anh. Họ đang giúp nhiều người trẻ khác được thực hành, biết cách áp dụng chuẩn mực thực hành quốc tế vào thực tiễn các dự án, đồng thời giúp các công ty có thể xác lập quy trình quản lý dự án hiệu quả nhằm mang lại kết quả xuất sắc…
Theo Châu, ngành quản lý dự án là một ngành hấp dẫn với giới trẻ, rất có tiềm năng ở hiện tại và tương lai. Người trẻ mới tốt nghiệp ĐH có kiến thức quản lý dự án có thể tham gia vào nhiều dự án ở nhiều ngành nghề nhau, có thể xuất phát điểm ở những vị trí thấp và sau đó học hỏi liên tục để phát triển năng lực bản thân.
“Một người quản lý dự án giỏi cần có 5 năng lực như: kỹ năng mềm (lãnh đạo, giao tiếp, xây dựng nhóm, ra quyết định…), kiến thức quản lý dự án, chuyên môn ngành, hiệu suất quản lý thực tế, và độ phù hợp với văn hóa tổ chức. Khi xác định được năng lực hiện tại và năng lực mong muốn trong tương lai, mỗi cá nhân có thể vẽ ra lộ trình phù hợp để phát triển bản thân”, Châu trao đổi.
Bình luận (0)