2 mặt của cải cách hành chính

21/09/2019 06:08 GMT+7

Nếu không tháo bỏ được nền hành chính công bị đè nặng bởi tâm lý sợ trách nhiệm, rất khó nói đến chuyện cải cách thủ tục hành chính tạo động lực cho nền kinh tế.

Mới đây, hình ảnh cán bộ Đội cảnh sát quản lý hành chính, Công an Q.Cẩm Lệ (TP.Đà Nẵng) trực tiếp đến giường bệnh của bà Nguyễn Thị Thôi trao giấy CMND mới để bà Thôi được hưởng chế độ của bảo hiểm y tế gây xúc động cho nhiều người.
Theo quy định, việc cấp lại, cấp mới CMND mất 15 ngày làm việc, cấp đổi CMND mất 7 ngày. Trường hợp bà Thôi chỉ mất tổng cộng 2 ngày. Đáng nói, bà Thôi không phải trường hợp đầu tiên, mà đã có trên 30 trường hợp già yếu, bệnh nhân được Công an Cẩm Lệ hỗ trợ cấp CMND nhanh gọn theo hình thức như thế này.
Không chỉ Đà Nẵng, tại TP.HCM, từ ngày 3.7 người dân có thể làm thẻ căn cước tại nhà bằng cách truy cập vào Trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ công trực tuyến của PC06 - Công an TP.HCM. Tương tự, nếu trước đây làm hộ chiếu tốn nhiều thời gian, thủ tục thì hiện nay tại TP.HCM, việc cấp, đổi hộ chiếu đã đơn giản hóa rất nhiều. Người dân có thể ngồi nhà khai thông tin rồi tới làm thủ tục trong khoảng 15 - 30 phút là xong.
Dịch vụ này đã triển khai vài năm nhưng đến nay vẫn nhiều người ngỡ ngàng không thể tin việc cấp hộ chiếu có thể nhanh, gọn và đặc biệt là thái độ thân thiện, cởi mở khác hẳn trước đây của cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an TP.HCM) lẫn Cục Quản lý xuất nhập cảnh tại TP.HCM. Mới đây, việc áp dụng đăng ký khám bệnh qua app tại một số bệnh viện đã giúp người dân thoát khỏi cảnh phải vất vả đi sớm xếp hàng bốc số.
Người bệnh chỉ cần sở hữu một chiếc điện thoại thông minh kết nối mạng là có thể dễ dàng cài đặt ứng dụng rồi ngồi nhà, đặt lịch và lựa chọn bác sĩ khám bệnh cho mình.
Có thể thấy, rất nhiều dịch vụ công đã được cải thiện rõ rệt ở nhiều tỉnh, thành. Đó là kết quả của việc áp dụng công nghệ trong cải cách hành chính, mang lại sự tiện dụng cho người dân và cả cơ quan quản lý nhà nước; tiết kiệm thời gian, nhân lực, chi phí cho xã hội.
Ngược lại, vẫn còn rất nhiều lĩnh vực chưa được cải thiện nhiều, thậm chí còn trì trệ hơn. Đơn cử lĩnh vực bất động sản.
Từ đầu năm tới nay, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị về tình trạng ách tắc nhiều thủ tục trong lĩnh vực này như thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án nhà ở thương mại; thủ tục công nhận chủ đầu tư chưa có 100% đất ở...
Những nút thắt này khiến 7 tháng đầu năm, chỉ có 10 dự án nhà ở thương mại được triển khai, giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân của tình trạng này là do tâm lý sợ trách nhiệm của nhiều cán bộ, sở ngành sau hàng loạt các vụ sai phạm làm thất thoát, lãng phí tài sản công đã và đang được xử lý.
Tâm lý e dè dẫn đến đùn đẩy khiến hàng loạt dự án bị ngâm hồ sơ. Có những dự án đã triển khai cũng tạm ngưng, gây thiệt hại cho cả nhà nước và doanh nghiệp.
Dự án đình đốn, đặc biệt là các dự án hạ tầng, giao thông gây ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế. Doanh nghiệp mất cơ hội, ngân sách thiệt hại vì đội vốn, chậm trễ...
Nếu không tháo bỏ được nền hành chính công bị đè nặng bởi tâm lý sợ trách nhiệm, rất khó nói đến chuyện cải cách thủ tục hành chính tạo động lực cho nền kinh tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.