Chao đảo thời dịch giã: Cộng đồng chung tay

12/06/2021 05:15 GMT+7

Người Sài Gòn hồi xưa hay đọc mấy câu: “Chợ Bến Thành dời đổi/Người sao khỏi hợp tan/Xa gần giữ nghĩa tào khang/Chớ tham quyền quý mà đá vàng phụ nhau ”.

Trong những ngày cả thành phố giãn cách xã hội, tinh thần hào hiệp, bao dung của người ở lại Sài Gòn lan tỏa đến với biết bao cảnh đời khó khăn, tha hương mưu sinh trong nỗi nhọc nhằn. Nhiều chủ trọ hào phóng miễn giảm tiền nhà trọ. Nhiều tấm lòng hảo tâm đi phát quà, nhu yếu phẩm cho người dân sống trong khu phong tỏa hay những hộ có hoàn cảnh khó khăn...

Sẻ chia nơi xóm trọ

Trước khi Chỉ thị 15 được áp dụng từ 0 giờ ngày 31.5, cư dân hẻm 352/17 Bình Quới (P.28, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã phải sống trong tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” do hẻm này có ca nghi nhiễm Covid-19.
Ông Nguyễn Văn Tới (57 tuổi, được nhiều người gọi thân thuộc là chú Út) có hơn 30 phòng trong căn hẻm này, đã không ngần ngại giảm 50% tiền trọ tháng 6 cho tất cả khách thuê.
Ông Tới vẫn cười giòn khi có người nói vui: “Vậy là chú Út sắp… mất tiền rồi đó!”. Ông Tới bảo hai vợ chồng ông ngoài cho thuê phòng trọ, còn buôn bán nhỏ lẻ ở chợ Thanh Đa, dịch này cũng chịu mất phần thu nhập như bao người. Nhưng ông chậc lưỡi: “Có người còn khổ cực hơn mình. Khách thuê trọ như bà con láng giềng. Giảm vậy cho tình nghĩa với nhau. Đợi mai mốt ổn định rồi mình tính tiếp”.

Chủ nhà trọ Sài Gòn giảm nửa giá tiền phòng, phát lương thực cho bà con trong hẻm cách ly Covid-19

Anh Nguyễn Bá Hưng (29 tuổi) là một trong những khách thuê trọ lâu năm của ông Tới. Anh Hưng nói đợt dịch này đã thật sự “quật ngã” anh. Những đợt dịch trước tuy công việc có bấp bênh nhưng vẫn đủ gói ghém, giờ quay qua quay lại đều thấy lo âu với chuyện cơm áo gạo tiền. “Tôi cảm kích tấm lòng của chú Út. Lúc hẻm này phong tỏa, chú còn hay tự vô bếp, nấu cơm cho mọi người trong khu trọ nữa”, anh Hưng kể.
Nhiều chủ trọ khác ở hẻm 352/17 Bình Quới cũng đồng loạt giảm tiền trọ. Đơn cử, chị Nguyễn Thị Kim Châu (32 tuổi) có 1 khu trọ gồm 14 phòng. Một phòng cho thuê có giá từ 1,8 - 2 triệu đồng/tháng. Người thuê tứ xứ, chủ yếu là lao động tự do, bán vé số, phụ hồ…, vốn ngày thường khó khăn nay lại càng chật vật khi cả khu vực bị cách ly.
Thấy vậy, chị Châu quyết định giảm 50% tiền trọ của các gia đình ở trọ. Chị nói: “Mình không phải dư dả gì. Nhưng người ở trọ họ khó khăn hơn mình nhiều, vì mất thu nhập, chạy vạy khắp nơi mà còn không được ra ngoài để kiếm việc khác, mình giúp được nhiêu hay bấy nhiêu”.
Chao đảo thời dịch giã: Cộng đồng chung tay1

Người dân đi chợ ở “gian hàng 0 đồng” tại P.Thạnh Lộc, Q.12

ẢNH: P.T.N

Chúng tôi còn nhớ buổi trưa nắng hừng hực trong ngày đầu tiên (31.5) Q.Gò Vấp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Lúc đó, trước tấm bảng Tổ công nhân tự quản KP.6, P.14, chị Đào Thị Hoa (tổ trưởng tổ công nhân tự quản) than: “Đi mấy cái cửa hàng rồi mà vẫn khó tìm mua gạo, mì gói… để tiếp tế cho người dân ở khu phong tỏa hẻm 91 Phạm Văn Chiêu”. Rồi chị quả quyết: “Cỡ nào cũng phải mua để tiếp tế cho lực lượng tham gia chốt và người lao động trong khu phong tỏa trước”.
Cùng tại KP.6, P.14, những ngày sau đó, khi trở vào Q.Gò Vấp đến những căn trọ của công nhân, từ ngoài cổng, chúng tôi đã thấy chị Phạm Thị Thu Trang (chủ 1 khu trọ tại khu phố này) bày sẵn mấy trăm ký gạo, chục thùng mì gói. Chị khoe: “Mình sẽ phát cho công nhân, lao động thuê trọ của mình. Anh em lao đao hết. Mình giúp được mình cũng vui lây”.

Lan tỏa yêu thương

Sự trợ giúp kịp thời, tinh thần tương thân, tương ái của mặt trận, đoàn thể và những nhóm tình nguyện như dòng nước ngọt lành và đầy yêu thương giữa lúc thành phố giãn cách. Trong đợt dịch lần này, những mô hình “cây ATM gạo”, “gian hàng 0 đồng”, đội hình đi chợ thay, tặng quà, suất cơm miễn phí… một lần nữa đã được kích hoạt trên diện rộng. Đơn cử như “gian hàng 0 đồng” của Ủy ban MTTQ VN Q.Tân Phú và những nhà hảo tâm phục vụ miễn phí cho 73 hộ gia đình (khoảng 300 nhân khẩu) nằm trong điểm cách ly phòng chống dịch Covid-19 được đặt tại hẻm 17 Gò Dầu (P.Tân Quý, Q.Tân Phú) từ ngày 1.6.
Chao đảo thời dịch giã: Cộng đồng chung tay2

Người dân chọn mặt hàng ở “gian hàng 0 đồng” trong khu cách ly hẻm 17 Gò Dầu (P.Tân Quý, Q.Tân Phú)

ẢNH: BÍCH NGÂN

Ủy ban MTTQ VN Q.Tân Phú cho hay mô hình “gian hàng 0 đồng” giúp các hộ dân an tâm thực hiện cách ly mà không cảm thấy mình bị đơn độc, thậm chí để các gia đình đỡ… nhớ không khí đi chợ.
Bà Nhàn, một cư dân sống tại hẻm 17 Gò Dầu cho hay, gian hàng có đầy đủ các nhu yếu phẩm: thịt, trứng, rau củ, mì gói, đồ hộp… Bà nói: “Cán bộ phường thường xuyên nhờ tôi chụp hình gian hàng để coi có thiếu món nào, hết món nào để họ lập tức đi mua để cung ứng thêm. Mình bị cách ly như vầy cũng không may. Nhưng cuộc sống, tinh thần ổn định nhiều lắm vì có địa phương và các nhà hảo tâm hỗ trợ”.
Tại P.Thạnh Lộc, Q.12 (nơi giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16), mặt trận, đoàn thể không chỉ triển khai “cây ATM gạo”, “gian hàng 0 đồng”, mà còn luôn tích cực chăm lo đời sống cho người dân. Ngày 3.6, Hội Liên hiệp Phụ nữ P.Thạnh Lộc và Q.12 còn đi chợ nấu cơm rồi tự tay mang đến các chốt phong tỏa trên địa bàn phường.
Còn tại P.3, Q.Tân Bình, Ủy ban MTTQ VN P.3 vận động nhiều nhà hảo tâm mua các nhu yếu phẩm, thực phẩm như gạo, trứng, mì, rau củ…; và cách một ngày tự tay đem đến 2 chốt phong tỏa, giúp cho người dân bên trong. Ngoài ra, các tình nguyện viên của P.3 còn làm “Suất cơm yêu thương” phát cho người lao động tự do, khó khăn.
Chiều 9.6, cầm “Suất cơm yêu thương” trên tay, bà Trần Thị Thúy ngồi trên xe lăn cho hay bán vé số ế ẩm mấy ngày nay, thu nhập bấp bênh. “Tui thấy vui lắm, một miếng khi đói mà”, bà thở phào. Còn ông Nguyễn Văn Tí (quê Nghệ An) đạp xe chở cháu đến nhận cơm, cảm động nói: “Tôi bán vé số sáng giờ mới được 30 tờ. Được tặng cơm trong thời buổi này quý lắm. Tôi thấy hộp cơm này nặng, chắc có nhiều thức ăn”.
Khi chào tạm biệt bà Thúy, ông Tí và những người có tấm lòng thiện nguyện ở các địa chỉ nghĩa tình, chúng tôi không quên chúc họ mạnh khỏe, bình an để sát cánh cùng nhau vượt qua khó khăn dồn dập mà dịch bệnh gây ra.

“Chia lửa” cùng địa phương

Trong những ngày qua, nhiều cá nhân hảo tâm cũng luôn tích cực “chia lửa” với chính quyền địa phương ở TP.HCM để tiếp sức cho những người khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Điển hình như nhóm Khát vọng sống của anh Nguyễn Công Hoàn (29 tuổi, quê Đắk Lắk). Ngày 6.6, nhóm Khát vọng sống phối hợp chính quyền địa phương trao 105 phần quà như gạo, dầu ăn, mắm muối… để tặng người dân đang cách ly tại P.Thạnh Lộc (Q.12). Ngoài P.Thạnh Lộc, nhóm thiện nguyện cá nhân của anh Hoàn cũng hỗ trợ bà con một số hẻm đang phong tỏa tại Q.Bình Thạnh, Q.Gò Vấp.
“Tôi thấu hiểu nỗi khó khăn của người nghèo, vì lúc trước mình cũng từng sống trong cảnh nghèo khó. Dịch sẽ làm người lao động tự do, bán vé số, nhặt ve chai... sống chật vật. Tôi muốn tiếp sức với địa phương, để người khó khăn có những bữa cơm lót dạ trong những ngày Sài Gòn giãn cách”, anh Hoàn bộc bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.