Châu Âu 'hết đạn' để viện trợ cho Ukraine?

26/12/2022 14:41 GMT+7

Châu Âu đang phải vật lộn để có đủ vũ khí bơm cho Ukraine, đồng thời vẫn phải đảm bảo hệ thống phòng thủ của mình trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt.

Cuộc chiến Nga - Ukraine đang tiêu hao một lượng vũ khí và đạn dược với tốc độ lớn chưa từng thấy kể từ Thế chiến 2 và đang biến thành cuộc chạy đua vũ trang giữa Moscow và các thành viên châu Âu của NATO. Các nước phương Tây đang chịu áp lực về việc làm sao phải sản xuất đủ vũ khí, đạn dược để có thể hỗ trợ cho Ukraine chiến đấu, vừa phải đủ vũ khí dự trữ để củng cố hệ thống phòng thủ của chính mình trước các mối đe dọa ngày càng tăng và các tình huống bất ngờ.

Kho đạn pháo quyết định ưu thế xung đột Nga - Ukraine

Theo các chuyên gia và quan chức tình báo, mỗi ngày lực lượng Ukraine khai hỏa khoảng 6.000 quả đạn pháo và hiện đang cạn kiệt tên lửa phòng không, nhất là trong bối cảnh phải chống đỡ các đợt không kích liên tục từ phía Nga. Trong chuyến thăm tới Washington ngày 21.12 vừa qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phát biểu trước quốc hội Mỹ và nhấn mạnh tới vấn đề thiếu hụt vũ khí, đạn dược trên chiến trường nước này rằng: “Đối phương đang có lợi thế đáng kể về pháo binh, đạn dược. Họ có nhiều tên lửa và máy bay hơn”.

Binh sĩ Ukraine tại tiền tuyến ở miền đông

Reuters

Gói viện trợ mới nhất của Mỹ dành cho Ukraine trị giá khoảng 1,8 tỉ USD, bao gồm tổ hợp tên lửa phòng không Patriot, các thiết bị hoán cải bom thông thường thành vũ khí dẫn đường chính xác cao, đạn pháo, súng cối và tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, từng đó là không đủ đối với Ukraine trong một cuộc chiến ngày càng tiêu hao nhiều vũ khí như hiện nay.

Vấn đề hiện nay là Kyiv đang phải phụ thuộc rất lớn vào vũ khí từ phương Tây nhưng phương Tây lại đang cạn vũ khí để viện trợ cho Ukraine, nhất là đối với các đề nghị hỗ trợ vũ khí tối tân và đắt giá cho Kyiv.

Châu Âu hết đạn?

Ông Michal Strnad, Chủ sở hữu của Tập đoàn Czechoslovak Group AS của Cộng hòa Czech - sản xuất khoảng 30% sản lượng đạn pháo của châu Âu, cho biết trung bình mỗi tháng Ukraine sử dụng khoảng 40.000 quả đạn pháo cỡ nòng 155 mm của NATO, trong khi tổng đạn pháo được châu Âu sản xuất mỗi năm vào khoảng 300.000 quả. Về phía Nga, các chuyên gia quân sự của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) ước tính chỉ riêng trong 2 ngày giao tranh đỉnh điểm ở Donbass, lượng đạn mà các lực lượng Nga sử dụng nhiều hơn toàn bộ kho dự trữ của quân đội Anh.

Hầu hết thành viên NATO đã 'vét kho' dự trữ để chuyển vũ khí cho Ukraine?

Trong khi đó, các chuyên gia quân sự đánh giá rằng năng lực sản xuất của châu Âu hoàn toàn không đủ đáp ứng nhu cầu của Ukraine. Hơn nữa, với tốc độ sản xuất vũ khí như hiện nay thì thậm chí ngay cả khi xung đột kết thúc sớm, châu Âu cũng phải cần tới 15 năm nữa để bổ sung kho dự trữ vũ khí của mình. Chính vì vậy, hiện nay không một quốc gia nào trong NATO ngoại trừ Mỹ có đủ kho vũ khí để chống lại cuộc chiến pháo binh lớn hoặc có năng lực công nghiệp để tạo ra nguồn dự trữ cho các tình huống như vậy.

Cựu quan chức hàng đầu của Bộ Quốc phòng Đức Nico Lange đánh giá rằng điều này đồng nghĩa các quốc gia châu Âu thuộc NATO không thể bảo vệ lãnh thổ của họ nếu bị tấn công lúc này.

Pháo phòng không tự hành Gepard của Đức trong một cuộc tập trận năm 2007

Reuters

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace, London cần phải có thêm khoản ngân sách từ 500 - 600 triệu bảng Anh (hơn 600 - 700 triệu USD) để bổ sung kho dự trữ vũ khí đạn dược. Pháp cũng đã thừa nhận ngay từ đầu năm 2022 là cần phải tăng cường năng lực sản xuất vũ khí và quân sự. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz gần đây nói: “Chúng tôi đã có những quyết định sai lầm về nguồn cung đạn dược trong những thập niên qua”. Hiện nay, lượng đạn dự trữ của Đức chỉ có thể sử dụng trong chưa đầy 2 tuần nếu bị tấn công - không đáp ứng được yêu cầu của NATO rằng các nước thành viên phải đủ đạn chiến đấu trong ít nhất 30 ngày.

Ông Wolfgang Schmidt, Chánh Văn phòng của Thủ tướng Scholz, cho biết Đức cần đầu tư khoảng 21,2 tỉ USD để đáp ứng yêu cầu đạn dược của NATO. Tuy nhiên, ngân sách hiện tại chỉ dự kiến dành hơn 1 tỉ USD cho sản xuất đạn dược trong năm 2023.

Xung đột Ukraine khẳng định vị thế "thần chiến tranh" của pháo binh

Bốn nguyên nhân

Việc châu Âu đang lâm vào cảnh thiếu đạn được cho là có 4 nguyên nhân. Thứ nhất, trong các thập niên gần đây, các nước đồng minh NATO đã thay đổi học thuyết quân sự đó là thay vì chuẩn bị cho các trận chiến trên bộ như thời Thế chiến 2, họ tập trung vào các cuộc chiến tranh bất đối xứng. Đây là cuộc chiến mà trong đó nguồn lực của các bên tham chiến không đồng đều, do đó, cả hai bên đều cố gắng khai thác điểm yếu của nhau

Ông Morten Brandtzæg, Giám đốc điều hành Nammo AS - một trong những nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới, nói rằng việc thay đổi học thuyết quân sự của NATO đã khiến năng lực sản xuất vũ khí của họ giảm đi rõ rệt.

Thứ hai, các nước châu Âu đã cắt giảm hợp đồng mua vũ khí trong nhiều thập niên, nên nhiều tập đoàn quốc phòng đã cắt giảm dây chuyền sản xuất vũ khí và lao động chuyên môn tay nghề cao.

Nhân viên kiểm tra súng tại nhà máy sản xuất của PGZ ở Ba Lan

Reuters

Kế đó, việc tắc nghẽn chuỗi cung ứng, chi phí tài chính cao và các quy định về môi trường đang cản trở nỗ lực tăng sản lượng, đặt ra cho phương Tây và Ukraine một thách thức mới trong việc sản xuất đủ vũ khí cung cấp cho Ukraine trong năm 2023.

Thứ tư, trở ngại đối với nỗ lực tái vũ trang nhanh chóng là quy định gần đây của Liên minh châu Âu, trong đó đề cập việc sản xuất vũ khí là hoạt động không bền vững và cần cắt giảm các nguồn tài trợ tư nhân.

Vận mệnh của Ukraine giờ đây đang phụ thuộc vào các nước châu Âu. Tuy nhiên, các nước như Đức đã để ngành sản xuất quốc phòng của họ “teo tóp” trong thời bình và đang phải vật lộn để bắt kịp các xu thế và diễn biến mới. Ông Schmidt cho biết nền sản xuất quy mô lớn của Đức giờ đã bị thu gọn lại thành một xưởng cao cấp với công suất nhỏ.

Mỹ phân tích đạn dược dùng trong xung đột Ukraine để chuẩn bị vũ khí cho tương lai

Giải pháp nào cho châu Âu?

Các nước NATO ở châu Âu đang nỗ lực mở rộng và tăng cường năng lực sản xuất vũ khí trên khắp châu Âu. Một trong những nỗ lực đó là Đức sẽ đồng tài trợ cho việc nâng cấp và mở rộng một nhà máy thời Liên Xô ở Romania để sản xuất cả đạn tiêu chuẩn NATO và các loại tương thích với vũ khí tiêu chuẩn Liên Xô mà Ukraine sử dụng. Nhiều khả năng, dự án này sẽ sớm được công bố trong thời gian tới.

Các công ty sản xuất vũ khí cũng đang đẩy mạnh hoạt động. Tập đoàn Nammo của Na Uy đang nỗ lực để cung cấp gấp 10 lần sản lượng đạn pháo bình thường. Trong khi đó, Tập đoàn Czechoslovak dự kiến sẽ tăng gấp đôi sản lượng đạn pháo 155 mm lên 100.000 quả vào năm 2023. Tập đoàn BAE Systems PLC của Anh gần đây đã ký hợp đồng trị giá 2,4 tỉ bảng Anh để cung cấp đạn dược cho Bộ Quốc phòng Anh.

Bên cạnh đó, Tập đoàn quốc phòng Rheinmetall AG của Đức đang đàm phán mua lại nhà sản xuất vũ khí Expal Systems SA của Tây Ban Nha với giá gần 1,3 tỉ USD. Nếu thành công, thương vụ này sẽ giúp Rheinmetall thúc đẩy năng lực sản xuất cùng với việc xây dựng dây chuyền sản xuất mới để chế tạo đạn pháo 35 mm cho tổ hợp phòng không Gepard mà Đức viện trợ cho Ukraine.

Ông Rob Lee, thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Mỹ, cho rằng: “Cách tốt nhất mà châu Âu có thể hỗ trợ Ukraine là tăng sản xuất đạn pháo. Đây là vấn đề lớn nhất của năm tới”.

Binh sĩ Ukraine gom vỏ đạn pháo gần khu Makariv ở tỉnh Kyiv

Reuters

Sau nhiều tháng ròng rã hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine, kho vũ khí của các đồng minh châu Âu đang sắp cạn kiệt. Mặc dù, phần lớn trang thiết bị vũ khí và đạn dược mà phương Tây hỗ trợ cho Ukraine thời gian qua đều là vũ khí thế hệ cũ, đã qua bảo dưỡng và nâng cấp nên việc từ bỏ số vũ khí này có lẽ không phải là quyết định quá khó khăn. Tuy nhiên, khi tình hình chiến sự tiếp tục kéo dài, cuộc chiến tiêu hao vũ khí đạn pháo ngày càng gia tăng và số vũ khí trong kho dự trữ đã gần hết thì áp lực đang đè nặng lên các nước châu Âu. Bài toán đặt ra cho năm 2023 là làm sao để phương Tây vừa có thể duy trì ổn định quy mô hỗ trợ quân sự cho Ukraine, vừa phải nâng cấp hỏa lực viện trợ để giúp Ukraine có thể tiếp tục chiến đấu một cách hiệu quả. Thách thức trong thời gian tới không còn mang tính chất ý chí chính trị mà là tính thực tế bởi việc viện trợ vũ khí hiện đại thế hệ mới đang là một câu chuyện khác, sẽ đặt các nước phương Tây vào tình thế cần phải suy tính về các tác động an ninh dài hạn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.