Châu Âu tăng cường hiện diện ở Biển Đông

Bảo Vinh
Bảo Vinh
17/09/2019 06:33 GMT+7

Trước những tác động tiềm tàng từ mối quan hệ trắc trở giữa Mỹ và Trung Quốc , các nước châu Âu đang tìm cách tự khẳng định vị thế bản thân tại Biển Đông để có thể bảo vệ lợi ích cốt lõi tại khu vực.

Đó là nhận định của giới chuyên gia trên tờ South China Morning Post.

Hiện diện thường xuyên hơn

Hồi tháng 1, hải quân Anh tham gia cùng Mỹ trong một cuộc diễn tập chung ở Biển Đông và có kế hoạch điều tàu sân bay Nữ hoàng Elizabeth đến Biển Đông trong chuyến hải trình đầu tiên vào năm 2021. Trước đó, tàu đổ bộ tấn công HMS Albion của Anh hồi tháng 8.2018 cũng di chuyển gần các hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
Tháng 5.2018, tàu đổ bộ chở trực thăng FNS Dixmude và tàu hộ tống FNS Surcouf của Pháp di chuyển qua khu vực gần bãi Vành Khăn, Xu Bi và Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
Mới đây, ba nước Anh, Đức và Pháp ra tuyên bố chung “bày tỏ lo ngại tình hình ở Biển Đông có thể gây mất an ninh và ổn định trong khu vực”, trong bối cảnh nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc quay trở lại và tiếp tục hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Gia tăng vị thế

Giới chuyên gia cho rằng dù là đồng minh về quân sự, châu Âu và Mỹ hiện tồn tại nhiều khác biệt trong lĩnh vực kinh tế. Ngân hàng trung ương châu Âu mới đây công bố gói kích cầu kinh tế và giảm lãi suất lớn nhất trong 3 năm khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích là ảnh hưởng ngành xuất khẩu Mỹ, theo tờ The Guardian. Ông chủ Nhà Trắng trước đó cũng chỉ trích Pháp vì đưa ra loại thuế mới “nhắm vào các hãng công nghệ Mỹ” và đe dọa đánh thuế rượu vang Pháp để trả đũa.
Trong khi đó, châu Âu cũng bất đồng với Trung Quốc về cách đối xử bất công với các doanh nghiệp EU tại nước này và căng thẳng hai bên leo thang gần đây liên quan đến phong trào biểu tình tại Hồng Kông.
“Mãi đến một vài năm trước, các nước châu Âu vẫn ưu tiên giữ vai trò âm thầm về các vấn đề an ninh khu vực tại Đông Á, nhưng trong bối cảnh hiện tại thì họ cần cấp bách tham gia nhiều hơn. Đưa tàu chiến đến Biển Đông có thể mang lại cho châu Âu tiếng nói lớn hơn khi đàm phán với Mỹ và Trung Quốc về các vấn đề địa chính trị gắn liền với họ”, ông Frans-Paul van der Putten, nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Viện Quan hệ quốc tế Clingendael (Hà Lan), bình luận trên South China Morning Post.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu quân sự Siemon Wezeman tại Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI, Thụy Điển) nhận xét: “Châu Âu muốn chứng minh họ vẫn ở đó và vẫn là một bên quan trọng. Họ có lợi ích về thương mại tại khu vực. Nếu xảy ra vấn đề trên Biển Đông, các ngành công nghiệp liên quan của châu Âu sẽ bị ảnh hưởng”.
Nghị sĩ Úc kêu gọi hải quân ngăn Trung Quốc ở Biển Đông
Phát biểu tại quốc hội Úc hôm qua, thượng nghị sĩ đảng Tự do Concetta Fierravanti-Wells chỉ trích Trung Quốc không tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế hồi năm 2016 và tiếp tục có hành động khiêu khích trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác.
“Trung Quốc không vượt qua bài kiểm tra để là công dân tốt tại Biển Đông và nên bị quy trách nhiệm. Chúng ta nên nêu tên Bắc Kinh và sử dụng hải quân, phối hợp cùng các nước để thực thi quyền đi lại vô hại trong vùng biển quốc tế”, AAP dẫn lời bà Fierravanti-Wells nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.